Sinh viên thiếu sân chơi
Xã hội - Ngày đăng : 08:57, 24/05/2015
Việc tạo sân chơi cho sinh viên đang là vấn đề khó khăn mà nhiều trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh gặp phải.
Sinh viên đang cần thêm nhiều sân chơi hơn để phát triển cả thể chất và tinh thần
Trường Đại học Thành Đông có khoảng 300 sinh viên theo học. Tuy số lượng sinh viên không nhiều nhưng số sân chơi của trường cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của sinh viên. Theo anh Bùi Văn Tú, Phó Bí thư Đoàn trường thì hiện nay trường có sân bóng đá, bóng rổ và sân điền kinh. Trường chuyển ra địa điểm mới ở phường Tứ Minh vào năm 2012 nên một số sân chơi, bãi tập vẫn đang trong quá trình cải tạo hoặc mới được quy hoạch. Thời gian tới, nhà trường muốn xây dựng nhà thi đấu đa năng nhưng đang vướng mắc về kinh phí nên chưa đặt ra mốc thời gian cụ thể. Sân chơi của nhà trường vừa thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Hiện nay, bóng đá là môn thể thao chủ đạo mà sinh viên nhà trường tham gia. Tuy nhiên, sân bóng đá không phải là sân cỏ mà là sân cát. Bạn Sùng A Làng, dân tộc Mông, sinh viên lớp Công nghệ thông tin K4 bày tỏ: “Chơi bóng đá trên sân cát, chúng em gặp rất nhiều khó khăn trong di chuyển, dẫn bóng, nhanh đuối sức hơn. Nhiều khi em ngại không muốn tham gia”.
Không chỉ thiếu sân chơi thể thao, nhiều trường còn thiếu "sân chơi" về tinh thần. Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại có khoảng 1.500 sinh viên nhưng chỉ có vài câu lạc bộ (CLB) khiêu vũ, tiếng Anh, tin học. Mỗi CLB thu hút khoảng 20-40 sinh viên tham gia, chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn so với số lượng sinh viên của nhà trường. Anh Nguyễn Văn Tuyển, Chủ tịch Hội Sinh viên, Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại cho biết: “Mặc dù Đoàn trường, Hội Sinh viên cố gắng tổ chức những hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh như tổ chức thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ, nhưng do số lượng sinh viên khá đông trong khi cơ sở vật chất hạn chế nên chỉ một bộ phận sinh viên được vui chơi, giải trí. Sinh viên nữ chiếm ưu thế, nhưng đến nay trường cũng chưa có một CLB dành riêng cho các em”. Bạn Trần Thị Hà, Khoa Kỹ thuật chế biến sản phẩm ăn uống chia sẻ: “Em không có năng khiếu về văn nghệ nên cũng không tham gia các phong trào văn nghệ của nhà trường. Thời gian rảnh em thường chơi với mấy đứa nhỏ nơi em ở”.
Theo anh Nghiêm Xuân Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh, việc bảo đảm sân chơi cho hơn 20.000 sinh viên đang theo học tại 14 trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh là điều rất khó khăn. Hiện nay, phần lớn các trường chưa đáp ứng được nhu cầu về sân chơi cho sinh viên.
Tự túc
Bạn Phạm Đức K., sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ cho biết, trường có 2 sân bóng chuyền, 2 sân cầu lông, 1 sân bóng rổ và 1 sân bóng đá. K. không chơi thể thao tại các sân chơi của nhà trường vì khá hẹp. Thỉnh thoảng K. và các bạn thuê sân cỏ nhân tạo để chơi bóng đá nhưng vì số lượng sân hạn chế trong khi có nhiều người thuê, đặc biệt vào các giờ cao điểm nên các em phải chọn những giờ ít người thuê, hoặc đặt trước. Tiền thuê sân khá cao so với mức sống của sinh viên nên một tháng K. và các bạn chỉ dám thuê sân một lần. Ngoài ra, các bạn thường đá bóng ở gần hồ Mật Sơn dù cảm thấy bất tiện vì nơi đây còn diễn ra nhiều hoạt động khác, lại là sân gạch, dễ xảy ra chấn thương trong lúc chơi.
Bạn K. chia sẻ, nhà trường thường chỉ tổ chức các hoạt động văn nghệ, thi đấu thể thao cho sinh viên chủ yếu vào các dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hoặc ngày thành lập trường. K. không tham gia sinh hoạt tại CLB nào của trường nên khi rảnh rỗi bạn thường chơi game hoặc làm vài việc lặt vặt. K. mong muốn nhà trường tạo thêm nhiều sân chơi cả về vật chất và tinh thần để đáp ứng nhu cầu của sinh viên.
Anh Bùi Văn Tú, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Thành Đông và cũng là giáo viên môn giáo dục thể chất cho rằng: "Do thiếu sân chơi nên một số sinh viên tham gia vào những trò chơi, hoạt động không lành mạnh. Nhiều khi lên lớp, tôi ái ngại khi thấy có những sinh viên không thể tập trung học vì thức trắng đêm để chơi game. Tôi đã dành thời gian khuyên nhủ các em nhưng tình trạng này vẫn tái diễn".
Phát huy vai trò của mình, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên các trường đã tích cực tham mưu với nhà trường tạo ra những sân chơi cho sinh viên. Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên tỉnh tổ chức các cuộc thi, hoạt động thu hút khá nhiều sinh viên tham gia như Hội thi sinh viên Hải Dương, Liên hoan tuyên truyền các ca khúc cách mạng… Sinh viên các khối ngành kỹ thuật hoặc học nghề được định hướng nghề nghiệp, tham gia vào các cuộc thi tay nghề. Tuy nhiên, những hoạt động trên chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của sinh viên, vẫn còn một bộ phận sinh viên chưa tích cực, đứng ngoài các hoạt động, phong trào của nhà trường nên dễ sa đà hoặc bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo tham gia vào những hoạt động không lành mạnh.
Việc tạo sân chơi cho sinh viên cần sự vào cuộc đồng bộ của tổ chức Đoàn, Hội, nhà trường và của các cơ quan liên quan. Điều này vừa đáp ứng quyền lợi, mong muốn chính đáng của sinh viên, vừa là nơi để họ có thể rèn luyện thể chất và trau dồi thêm kỹ năng sống, vững bước trên con đường lập thân, lập nghiệp sau này.
HUYỀN TRANG