Phát phiếu thăm dò điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
Tin tức - Ngày đăng : 07:32, 28/05/2015
Sáng 27-5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XIII diễn ra phiên thảo luận tại hội trường rất sôi nổi về điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014.
Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) đề nghị luật phải sửa đổi theo hướng người lao động có thể
lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần hoặc bảo lưu. Ảnh: TTXVN
Đồng tình với đại biểu Thúy, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho biết, điều 60 là chính sách ưu việt, tiến bộ của nhân loại. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, một bộ phận người lao động phản đối điều 60. “Tôi tán thành trước mắt người lao động có quyền lựa chọn hưởng BHXH 1 lần hoặc bảo lưu. Tôi kiến nghị QH ban hành nghị quyết cho bảo lưu điểm c khoản 1 điều 55 Luật BHXH cũ là những người nghỉ việc sau 1 năm nếu hoàn cảnh khó khăn thì được nhận BHXH 1 lần hoặc bảo lưu giống như QH ban hành Nghị quyết 77 về đưa người nghiện không nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội”, đại biểu Yến đề nghị.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lại cho rằng, phải sửa điều 60. “Cực chẳng đã họ mới nhận số tiền ít ỏi đó. Do vậy, tôi đề nghị xem xét bổ sung vào điều 60 được hưởng BHXH 1 lần theo nguyên tắc “có đóng có hưởng”, đại biểu Vinh nhấn mạnh.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, điều 60 đúng nhưng chưa đủ vì chưa quan tâm đầy đủ quyền lợi của tất cả bộ phận người lao động. Người lao động phản ứng điều 60 là phản ứng việc luật đã tước đoạt quyền lựa chọn của họ. “Phản ứng của hàng trăm ngàn lao động có phải là thiểu số, có phải là họ thiếu hiểu biết không? Tôi cho rằng không phải như vậy. Ra nghị quyết hay sửa điều 60 đều được nhưng phải bảo đảm quyền được lựa chọn của người lao động”, đại biểu Nghĩa khẳng định.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết sẽ gửi phiếu thăm dò ý kiến đại biểu rồi sau đó mới xem xét, quyết định.
Cũng trong buổi sáng, các đại biểu QH nghe tờ trình dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2016, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015.
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Các đại biểu là tướng công an đều không muốn quy định “quyền im lặng” trong bộ luật này.
“Luật cần bảo đảm quyền dân chủ cho dân nhưng cũng phải tạo điều kiện cho cơ quan tư pháp làm việc, nếu không sẽ xảy ra tình trạng chúng ta bó tay trong cuộc đấu tranh chống tội phạm”, thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an nêu quan điểm.
Thiếu tướng Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an Thanh Hóa nhấn mạnh: “Giết người, đánh người gây thương tích mà bảo là được quyền im lặng, không phải trình bày gì cả thì không đúng. Các cơ quan nêu ra quyền im lặng rất vô lý, không thể chấp nhận được. Trong trình độ dân trí và điều kiện của chúng ta như vậy thì hoàn toàn không phù hợp, gây khó khăn cho các cơ quan đấu tranh bảo vệ pháp luật, dẫn đến hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm sẽ thấp”.
Không nghĩ như vậy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Quyền không khai báo các nước làm hết, còn mình lại hạ thấp, như thế là hạ thấp quyền của người dân Việt Nam xuống. Khi anh áp dụng cái mới, tất nhiên là khó nhưng khó thì phải phấn đấu”.
TTXVN-TT
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương): Đề nghị không sửa điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 Thực tế cho thấy, rất nhiều người trước đây nghỉ việc theo Quyết định 176, sau này muốn nộp lại số tiền đã lĩnh một lần và xin tiếp tục được đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí nhưng không được chấp nhận đều rất nuối tiếc. Nhiều người trong số họ thực sự khó khăn, vất vả khi tuổi già... Nay một số người cho rằng, vì lương thấp, đời sống khó khăn nên khi rời doanh nghiệp muốn lĩnh BHXH một lần để làm vốn hoặc trang trải cuộc sống. Tuy nhiên đó là cái lo trước mắt, chưa thấy hết cái lợi lâu dài, sau này sẽ giống như những trường hợp nghỉ việc theo Quyết định 176 trước kia, lại kêu bị "vắt chanh bỏ vỏ", Nhà nước không quan tâm... Nếu tính kỹ, họ sẽ thấy nhận BHXH một lần, mỗi năm đóng bảo hiểm được 1,5 tháng lương số tiền cũng không lớn mà quyền lợi lâu dài lại không có. Với suy nghĩ và từ thực tế trên, tôi đề nghị không sửa điều 60 Luật BHXH 2014 cũng không bổ sung nhưng có quan tâm đến nguyện vọng của một bộ phận người lao động hiện còn khó khăn nên sẽ đưa vào nghị quyết kỳ họp cuối năm 2015 tương tự như cách làm với Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Tôi đề nghị nêu rõ trong nghị quyết là: "Đối với những người tham gia BHXH trước 1-1-2016 tiếp tục bảo lưu thực hiện điều 55, điều 56 của Luật BHXH 2006 đến 31-12-2020. Những người tham gia BHXH từ 1-1-2016 và tất cả mọi đối tượng tham gia từ ngày 1-1-2021 trở đi đều thực hiện theo Luật BHXH 2014". |