Để mẹ không lây truyền HIV sang con
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:21, 13/06/2015
Tư vấn về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho bệnh nhân đang điều trị thuốc kháng
vi rút trước khi mang thai tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh
Dự phòng sớm, thành công cao
Gặp chị Nguyễn Thị Hằng (Tứ Kỳ) ở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, không ai nghĩ chị nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV). Hằng tháng chị phải lên trung tâm khám và điều trị ngoại trú. “Hơn 1 năm trước tôi gầy gò, xanh xao, chỉ được 41 kg nhưng từ khi mang thai tôi đã tăng được 11 kg. Sinh cháu ra may mắn không bị nhiễm HIV từ mẹ nên tinh thần tôi tốt hơn, vì thế sức khỏe cũng ổn định”, chị Hằng vui vẻ cho biết. Chị là 1 trong 11 bệnh nhân bị nhiễm HIV đang điều trị tại trung tâm đã chủ động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm. Chị Hằng bị lây nhiễm HIV từ chồng nhưng may mắn đứa con gái lớn của chị không bị nhiễm. Hai vợ chồng mong mỏi có thêm 1 đứa con nữa để vui cửa vui nhà. Khi được bác sĩ tư vấn và biết đến chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, vợ chồng chị đã quyết tâm tuân thủ phác đồ điều trị và chuẩn bị kỹ lưỡng điều kiện kinh tế để nuôi con. Từ lúc có thai chị đã được uống thuốc dự phòng, con trai chị sinh ra cũng được uống thuốc ngay. Nhờ tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, sau 8 tuần, bé được xét nghiệm và xác định không bị lây truyền HIV.
Đang mang thai ở tuần thứ 30, chị Hoàng Hải An (32 tuổi ở Kinh Môn) có biểu hiện đau bụng, dọa đẻ non. Chị An được gia đình đưa vào Bệnh viện Phụ sản Hải Dương khám và phát hiện bị nhiễm HIV. Dù hoang mang tột cùng, nhưng khi được các bác sĩ tư vấn tham gia điều trị dự phòng với hy vọng con sinh ra sẽ được an toàn. Khi thai nhi được 38 tuần, chị An sinh bằng phương pháp mổ đẻ. Con gái chị nặng 3 kg, cháu cũng được uống thuốc dự phòng ngay sau khi sinh. Hiện nay, cháu bé đã được hơn 1 tháng tuổi và được xét nghiệm không bị lây HIV từ mẹ.
Từ khi triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đến nay (từ năm 2008), mỗi năm Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh điều trị dự phòng lây truyền HIV cho từ 10-20 cặp mẹ con. Từ tháng 7-2014 đến nay, trung tâm điều trị 23 ca, trong 16 ca đã sinh thì xác định được 11 ca không lây truyền HIV, 2 ca mới sinh chưa đủ điều kiện xét nghiệm và 3 ca đang chờ kết quả. Bác sĩ Vũ Tiến Vượng, Phó Trưởng khoa Khám bệnh tư vấn HIV/AIDS cho biết: “Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở tỉnh ta hiện chỉ còn dưới 2% và kế hoạch đến năm 2020 giảm tỷ lệ này xuống dưới 1%. Hiện nay, việc điều trị dự phòng được khuyến cáo càng sớm càng tốt để bảo đảm tỷ lệ thành công cao”.
Để loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con
Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, số phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV ngày càng tăng. Nguyên nhân do hiện nay tất cả các tuyến y tế từ xã, huyện, tỉnh đều triển khai chương trình lấy mẫu máu xét nghiệm hoặc test nhanh HIV đối với phụ nữ mang thai nên việc phát hiện số ca nhiễm cũng nhiều hơn. Hơn nữa, nhiều bệnh nhân ở các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh cũng sang tỉnh ta điều trị. Thậm chí do tỷ lệ thành công cao nên nhiều phụ nữ nhiễm HIV còn chủ động mang thai và tham gia điều trị dự phòng. Bác sĩ Vượng cho biết: Hiện nay, chương trình điều trị dự phòng HIV đang dần bị cắt giảm kinh phí do Quỹ toàn cầu giảm hỗ trợ. Trước đây, trẻ sinh ra được cung cấp sữa miễn phí, có trẻ được miễn phí từ 6 tháng đến 1 năm. Hiện nay không còn nguồn hỗ trợ này nên nhiều gia đình rất khó khăn trong việc chăm sóc trẻ. Có những gia đình bố mẹ bị nhiễm HIV không xin được việc làm ổn định. Hơn nữa, nhiều phụ nữ sinh con còn bị kỳ thị kép, do HIV và không thể cho con bú mẹ. Đó cũng là điều trăn trở của đội ngũ y, bác sĩ bởi rất nhiều gia đình dù được tư vấn nhiều lần nhưng vẫn thường trực câu hỏi “tại sao không cho trẻ bú mẹ?” khiến các bà mẹ rất áp lực khi sinh con. Để sinh con và nuôi con an toàn, khỏe mạnh, các gia đình phải chuẩn bị rất kỹ về điều kiện kinh tế. Trẻ sinh ra không được bú mẹ để tránh lây truyền HIV, vì vậy trẻ phải uống sữa ngoài hoàn toàn. Tuân thủ hướng dẫn điều trị là điều kiện bắt buộc để loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm nay có chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con”, tỉnh ta đề ra mục tiêu 100% số phụ nữ mang thai phát hiện dương tính với HIV được tiếp cận với các dịch vụ điều trị dự phòng lây truyền HIV. Tỉnh ta tập trung truyền thông về lợi ích tiếp cận sớm các dịch vụ, đặc biệt là tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ, các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Các cơ sở y tế đẩy mạnh việc tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện miễn phí cho phụ nữ mang thai và xét nghiệm ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai đến khám thai. Tăng cường cơ chế phối hợp để chuyển gửi hiệu quả giữa cơ sở phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV tới cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, bảo đảm phụ nữ mang thai nhiễm HIV phải được điều trị ARV sớm để dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
MINH HẠNH
(Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)
“Nuôi con hoàn toàn bằng các thức ăn thay thế sữa mẹ” chính là khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới dành cho phụ nữ nhiễm HIV mới sinh con. Khi mẹ bị nhiễm HIV, nguy cơ lây bệnh ở những trẻ bú mẹ là khoảng 15% vì HIV trong sữa mẹ có thể lây qua con theo đường tiêu hóa (nếu trẻ chưa nhiễm HIV). Thời gian bú mẹ càng dài, trẻ càng có nhiều nguy cơ hơn. Những trường hợp vừa cho trẻ ăn dặm vừa cho bú mẹ thì nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ tăng cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, nếu người mẹ đã nhiễm HIV mà cho con bú thì cũng chịu một số các nguy cơ về sức khỏe cho chính bản thân. Sau khi trải qua cuộc sinh nở, nếu người mẹ tiếp tục cho con bú thì sức khỏe và hệ miễn dịch của người mẹ sẽ bị kém đi. Bên cạnh đó, người mẹ cần phải biết phòng và điều trị nhiễm khuẩn cho bản thân và trẻ: trong các trường hợp mẹ bị nứt núm vú, viêm vú, áp xe vú hoặc trẻ bị viêm miệng, tưa miệng... thì người mẹ cần phải nhanh chóng báo với bác sĩ điều trị để có được biện pháp xử trí kịp thời. (Theo Viện sức khỏe sinh sản và gia đình) |