Náo nhiệt pháo đất đêm

Phong tục - Lễ hội - Ngày đăng : 08:37, 15/06/2015

Nghe nói xã Tân Hương (Ninh Giang) chuyên đánh pháo đất đêm, chúng tôi tìm về đây vào một buổi tối đầu tháng 6 để được tận mắt chứng kiến.




Đánh pháo đất đêm trở thành hoạt động văn hóa sôi nổi, món ăn tinh thần trong
cộng đồng dân cư của xã Tân Hương


Sôi động một vùng quê

Theo lời chỉ đường của một người dân, chúng tôi tìm đến đình Cả, địa điểm đánh pháo đất tối. Ngôi đình vừa được địa phương và nhân dân xây mới khang trang, rộng rãi. Lúc này là 18 giờ 30, một số chị em đang quét dọn lại sân đình cho sạch sẽ để phục vụ các pháo thủ của thôn 2 và thôn 6 thi đấu giao lưu. Mỗi đội có 12 pháo thủ.

Hơn 19 giờ tối, khí trời vẫn còn ngột ngạt, nóng bức. Chúng tôi nghĩ, lúc này đang vào thời kỳ cao điểm thu hoạch lúa mùa nên chắc sẽ có ít người đến xem. Nhưng thật bất ngờ, tuy chưa đến giờ thi pháo mà đông đảo người dân của 2 thôn đã nô nức đổ về. Càng gần đến lúc đánh pháo, người dân đến xem càng đông. Lâu rồi, chúng tôi mới lại thấy một hoạt động văn hóa có sức lôi cuốn đông đảo người dân tham dự thế này.

Để bảo đảm ánh sáng cho các pháo thủ thi đấu, đình bố trí 4 bóng điện cao áp làm sáng bừng cả khu vực. 19 giờ 30, sau hiệu lệnh bắt đầu cuộc chơi, các pháo thủ trong trang phục gọn gàng tập trung đông đủ trên sân. Các thành viên của 2 đội bắt đầu bỏ đất ra nhào nặn. Mỗi người một việc. Người lấy đất từ các bao tải dứa ra. Người cho thêm ít nước vào nhào cho đất dẻo, sau đó chuyển cho các pháo thủ nặn pháo.

Việc nặn pháo buổi tối có gặp khó khăn gì không anh? - tôi hỏi anh Chiến, một pháo thủ của thôn 2.

- Chúng tôi nặn pháo đã thuần thục nên có thể nặn bất kể ban ngày hay ban đêm.

- Mỗi quả pháo các anh nặn mất bao nhiêu phút?

- 3 - 4 người nặn mất 7 - 10 phút.

Nhìn anh Chiến và các pháo thủ khác nặn pháo, chúng tôi như bị cuốn theo từng động tác. Trong tiết trời nóng nực, ai cũng mồ hôi nhễ nhại. Những đôi tay cơ bắp, đôi chân thoăn thoắt, uyển chuyển dận, vỗ, cắt, gọt, bấm để biến những khối đất đen xù xì, vô hồn thành các quả pháo hình bầu dục.  

Để đánh giá chính xác kết quả của từng đội, ban tổ chức cử ra mấy người làm trọng tài.

Không khí lúc chuẩn bị gieo pháo thật sôi động. Người dân đang tản mát khắp sân đình, ngoài đường bỗng chốc quây kín điểm gieo pháo. Quả pháo có trọng lượng hơn 70 kg được 5 - 6 người cất lên rồi chuyển cho pháo thủ đánh chính. Pháo thủ làm nhiệm vụ gieo pháo phải có thể lực tốt để đỡ pháo bằng 2 tay và lắc người gieo pháo xuống nền. Cũng lúc này, mọi người cùng reo hò cổ vũ với nhịp điệu quen thuộc "ra! ra !ra!...". Một tiếng nổ lớn "ùng" làm phá tan bầu không khí yên tĩnh của làng quê. Cùng với đó là tiếng vỗ tay náo nhiệt của các thành viên trong đội và người dân. Cứ như vậy, trong suốt hơn 2 giờ đồng hồ, hàng chục quả pháo được gieo trong sự phấn chấn của mọi người.

Đến hơn 10 giờ đêm, buổi đánh pháo mới kết thúc.

Phong trào đánh pháo đất đêm ở Tân Hương phát triển từ vài năm nay. Trước đây, mọi người thường chơi pháo đất vào ban ngày. Nhưng nay do đàn ông trong độ tuổi lao động thường đi làm ăn xa, bận công việc nên họ chuyển sang đánh vào buổi tối để thỏa lòng đam mê. Không khí đánh pháo đêm ở Tân Hương diễn ra sôi động nhất từ tháng 4 đến tháng 6 hằng năm, với hơn 20 điểm. Về xã Tân Hương thời điểm này, thi thoảng lại nghe thấy tiếng pháo đất. Điều đặc biệt ở đây là nhà nào tiện đường giao thông, có khoảng không đủ rộng đều vui vẻ "chứa chấp" anh em đến đánh pháo và sẵn lòng phục vụ nước uống, có khi cả đồ ăn nhẹ cho mọi người. Đánh pháo đêm tạo cho người đánh và người xem cảm giác phấn chấn, hồ hởi hơn ban ngày, vì đây là lúc nghỉ ngơi, không còn vướng bận đến công việc.

Nhiều thế hệ biết đánh pháo

Pháo đất xuất hiện ở Tân Hương từ bao giờ không ai nhớ chính xác, chỉ biết rằng nó đã tồn tại và ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây qua rất nhiều thế hệ.

Hiện nay, 7 thôn của xã đều có đội và tổ chức đánh pháo đất. Để duy trì, phát triển trò chơi độc đáo này, hằng năm xã đứng ra tổ chức hội thi giữa các thôn và giao lưu với các xã lân cận. Hình thức giao lưu rất phong phú như: thôn đánh với thôn, xóm đánh với xóm, các đoàn thể thi đấu nội bộ, giao lưu, hay giữa các thành viên trong hội đồng ngũ, đồng niên, đồng môn, gia đình trong xóm hoặc đơn giản chỉ 2 người...

Từ lâu, người dân Tân Hương coi pháo đất là món ăn tinh thần không thể thiếu và là một truyền thống, nét đẹp văn hóa phải được giữ gìn, phát huy. Người dân ở đây thường nói là trai Tân Hương phải biết đánh pháo. Bởi thế đàn ông của xã từ 15 tuổi trở lên hầu như ai cũng biết đánh pháo.

Một trong những yếu tố làm cho phong trào pháo đất ở Tân Hương ngày càng phát triển đó là nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng. Gia đình có một người đi đánh pháo là cả nhà đi cổ vũ. Vào những hôm trời nóng bức, chồng nặn pháo, vợ cầm quạt nan quạt mát, thỉnh thoảng lại mang nước, lấy khăn lau mồ hôi. Điều này thể hiện niềm đam mê, tình yêu, sức sống mãnh liệt của pháo đất đối với người dân nơi đây.

Anh Nguyễn Trường Sơn ở thôn 7 tự hào khoe: "Hiện nay gia đình tôi có 3 thế hệ biết đánh pháo. Người dân quê tôi ai cũng biết đánh pháo từ nhỏ. Pháo đất trở thành hoạt động vui tươi, lành mạnh giúp người dân rèn luyện sức khỏe để lao động, sản xuất. Người đi trước dạy bảo lớp đi sau cùng nhau kế tục. Chơi pháo không chỉ để đánh được pháo ra dài mà còn phải có văn hóa trong lúc thi đấu".
Tại buổi giao lưu đánh pháo đất ở đình Cả, chúng tôi thấy trong khi các pháo thủ miệt mài thi đấu thì ở vòng ngoài có rất nhiều em nhỏ 5 - 10 tuổi quây quần cùng say sưa nặn pháo. Những quả pháo các em nặn chỉ to hơn bàn tay người lớn. Tuy động tác còn vụng về, hình thức chưa được đẹp nhưng đều ra dáng của một quả pháo. Nặn xong, các em cũng tiến hành gieo pháo. Có em được ông hoặc bố hướng dẫn cách nặn và động tác gieo. 

Ông Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: "Nhiều năm nay, hoạt động đánh pháo đất đêm cũng như phong trào chơi pháo đất đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhờ có pháo đất, người dân của địa phương, nhất là thế hệ trẻ ngày một tránh xa được tệ nạn xã hội, tình làng nghĩa xóm, khối đoàn kết trong cộng đồng được nâng cao, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới". 

DANH TRUNG