Chọn tạo giống mới dần thay thế Q5 và Khang dân 18

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:17, 17/06/2015

Xuất hiện cách đây khoảng 20 năm, giống lúa Q5 và Khang dân 18 đang chiếm diện tích lớn ở tỉnh ta và đã bắt đầu xuất hiện một số nhược điểm.



Mô hình trình diễn giống lúa Gia Lộc 105 tại xã An Châu (TP Hải Dương)

Dễ nhiễm sâu bệnh

Bà Ngô Thị Nếp ở thôn Châu Quan, xã Đoàn Kết (Thanh Miện) cho biết, mỗi vụ có đến 50% diện tích của thôn cấy giống lúa Q5 và Khang dân 18 vì năng suất đạt từ 2-2,5 tạ/sào, có hộ đạt tới 3 tạ/sào, khá cao so với nhiều giống lúa khác. Hơn nữa, giống này được thị trường ưa chuộng nên trồng tới đâu bán hết tới đó, không lo mất giá.

Ông Lê Thái Nghiệp, Phó Trưởng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đây là 2 giống lúa thuần được nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam từ trước năm 2000. Giống Q5 có thời gian sinh trưởng ở vụ xuân từ 135-140 ngày, vụ mùa từ 110-115 ngày; giống Khang dân 18 có thời gian sinh trưởng ở vụ xuân từ 130-135 ngày, vụ mùa từ 105-110 ngày. Hai giống lúa này có năng suất cao, sinh trưởng tốt, cứng cây, chịu rét và chịu nóng khá. Vụ xuân năm nay tỉnh ta cấy hơn 61.700 ha lúa thì lúa Q5 và Khang dân 18 chiếm hơn 27% diện tích. Từ năm 2010 đến 2014, hai giống lúa này chiếm từ 24,1-33,8% diện tích lúa vụ xuân và từ 27,8-44,7% diện tích lúa vụ mùa.

Tuy nhiên, theo nhiều nông dân thì 2 giống trên canh tác quá lâu trên đồng ruộng và đã xuất hiện nhiều nhược điểm. Anh Phạm Văn Tấn ở thôn Châu Quan (xã Đoàn Kết) cho biết: "Vụ chiêm xuân năm nay tôi cấy 3 sào giống lúa Q5, thu được 7,5 tạ. Những năm gần đây giống này dễ nhiễm nhiều loại sâu bệnh như đạo ôn, khô vằn, rầy nâu... khiến nông dân rất vất vả, tốn kém trong việc chăm bón. Vụ vừa qua, riêng chi phí thuốc trừ sâu cho 3 sào đã mất khoảng 1 triệu đồng, cao hơn 300.000 đồng so giống khác cùng diện tích. Với giá bán hiện nay là 6.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi chỉ lãi khoảng 2 triệu đồng".

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) cũng cho rằng, Q5 và Khang dân 18 đã gieo cấy quá lâu, đang dần bị thoái hóa, tính chống chịu sâu bệnh kém đi, dễ nhiễm nhiều loại sâu bệnh, nhất là trong vụ mùa.

Tích cực tìm giống mới

Những năm gần đây, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tích cực khảo nghiệm, chọn tạo nhằm bổ sung thêm các giống mới có năng suất, chất lượng để người dân chọn lựa thay thế một phần diện tích của các giống lúa cũ kém hiệu quả như Q5, Khang dân 18. Vụ chiêm xuân năm nay, ông Vũ Văn Tuất ở khu dân cư Mật Sơn, phường Chí Minh (Chí Linh) cấy 7 mẫu giống lúa Gia Lộc 105, thu hoạch được 2,3 tạ/sào. Ông cho biết: "Giống này ít nhiễm các loại sâu bệnh, trỗ nhanh, tốn ít phân và thuốc trừ sâu khoảng 2 lần so với các giống cũ, đẻ nhánh khỏe. Tính cả chi phí thuê máy cày, máy cấy, máy gặt và chi phí vật tư khoảng 500.000 đồng/sào, giảm 1/3 chi phí so với các giống lúa cũ". Giống lúa này do Viện Cây lương thực và cây thực phẩm chọn tạo từ tổ hợp lai P6, Xi23, IRBB7 và Q5, đã được khảo nghiệm tại Hải Dương 3 vụ và cho kết quả tốt. Ông Nguyễn Trọng Khanh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm cho biết, đây là giống có triển vọng thay thế giống Q5, Khang dân 18 do có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã tích cực đưa nhiều giống lúa mới vào đồng ruộng. Ông Lê Thái Nghiệp cho biết thêm, hiện nay có nhiều giống lúa thuần được khảo nghiệm rộng rãi, đem lại thu nhập khá cho nông dân như Thiên ưu 8, NB01, Bắc thơm số 7 kháng bạc lá... Đây là các giống lúa thuần có chất lượng tốt, gieo cấy được cả 2 vụ trong năm, năng suất từ 70-75 tạ/ha, chống được nhiều loại sâu bệnh, thích ứng rộng.  Năm nay, tỉnh ta thực hiện 6 đề tài khoa học sản xuất thử và phát triển các giống lúa mới là Gia Lộc 105, Hương cốm 4, Nghi hương 2308, Nàng xuân, Bắc thơm 7 kháng bạc lá, đột biến tám xoan Hải Dương, siêu lúa TL12, Bắc thơm 9, thuần Việt 1, Sơn Lâm 2, AIQ1102. Đây đều là các giống lúa đã được khảo nghiệm ở nhiều địa phương, cho kết quả tốt. Nếu các giống lúa này thích ứng với đồng đất tỉnh ta và được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận là giống cây trồng nông nghiệp mới (hay còn gọi là giống quốc gia) thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đưa vào cơ cấu mùa vụ để giúp nông dân có nhiều lựa chọn, dần thay thế các giống lúa cũ kém hiệu quả.

VIỆT QUỲNH