Bắc cầu nhân ái

Việc tử tế - Ngày đăng : 17:27, 21/06/2015

Thấm nhuần đạo lý “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, những năm qua các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác từ thiện.


Từ những thông tin đưa lên đã bắc những nhịp cầu yêu thương, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, vì một cộng đồng nhân ái hơn.


Báo Hải Dương phối hợp với Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam tặng 35 triệu đồng khởi công xây dựng nhà Chữ thập đỏ cho bà Đỗ Thị Là (45 tuổi), sống độc thân, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở thôn Ngà, xã Phương Hưng (Gia Lộc). Ảnh: Nhân Chính

Hành trình hỗ trợ

Nhiều năm trở lại đây, các cơ quan báo chí của tỉnh luôn chú trọng phát hiện những hoàn cảnh khó khăn kịp thời phản ánh để kêu gọi toàn xã hội chung tay giúp đỡ. Nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng chuyên mục, chương trình riêng với mục đích này.

Đi theo đoàn thực hiện chương trình “Đồng hành thoát nghèo” của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Dương một ngày mới thấy hết được sự vất vả của những người làm chương trình. Đây là một chuyên mục từ thiện của đài phát sóng vào tối chủ nhật hằng tuần từ năm 2015 với sự tài trợ của Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải. Chương trình nhằm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí và khả năng vươn lên thoát nghèo. 7 giờ sáng, những người thực hiện chương trình cùng các phương tiện kỹ thuật đã sẵn sàng, xe xuất phát. Địa chỉ cần giúp đỡ hôm nay là gia đình anh Nguyễn Đức Trường - chị Nguyễn Thị Nên ở xã Hồng Đức (Ninh Giang). Vợ chồng anh Đức, chị Nên có hai con học lớp 3 và lớp 8. Đã nhiều năm nay, do bị trầm cảm nên anh Đức không làm được việc gì. Vì vậy, việc nuôi chồng và hai con đang đi học dồn hết lên đôi vai gầy của chị Nên. Dù chị đã xoay đủ mọi cách từ trồng lúa, trồng rau, trồng dưa trên 3 sào ruộng cũng không đủ nuôi gia đình sống qua ngày, nhiều lúc phải nhờ tới sự giúp đỡ của họ hàng, bà con làng xóm. Để giúp khán giả thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình chị Nên, cảnh quay trò chuyện với chị được thực hiện trong khi chị đang lao động ngoài đồng giữa trời nắng nóng. Chỉ sau một lúc đứng quay, chỉ đạo, dẫn chương trình… mồ hôi đã thấm đẫm áo quần của những người thực hiện. Dù người dẫn chương trình đã đội mũ nhưng thỉnh thoảng vẫn phải ngừng quay để thấm mồ hôi. Qua trò chuyện được biết nguyện vọng của chị Nên là có đủ tiền để mua một con bò, như vậy có thể giao việc chăn bò cho chồng và con lớn, hy vọng có việc để làm sẽ giúp anh Trường khỏi dần căn bệnh trầm cảm, cùng vợ gánh vác gia đình. Sau khi trao con bò trị giá 15 triệu đồng cho gia đình chị Nên cũng là lúc ê kíp những người thực hiện chương trình đã hoàn thành việc tác nghiệp liên tục 3 tiếng đồng hồ ngoài trời nắng nóng. Ai nấy đều thấm mệt, áo ướt đẫm mồ hôi, da đỏ ửng.

Buổi chiều, công việc tiếp tục tại địa chỉ khác ở xã Quyết Thắng (Ninh Giang), quay xong, về đến Hải Dương khoảng 7 giờ tối. Phóng viên Thanh Vân, người phụ trách tổ chức chương trình cho biết: "Do tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường nên công việc của chúng tôi rất vất vả, nhiều hôm làm việc từ 6-7 tiếng đồng hồ ngoài trời nắng. Dù vậy đội ngũ những người thực hiện chương trình đều rất vui vì đã làm được nhiều điều thiết thực, khơi dậy trách nhiệm của cộng đồng với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội".

Khơi nguồn làm việc thiện


Bà Quách Thị Thuỷ, Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Dương cho biết, trong những năm qua đài luôn xây dựng một chương trình từ thiện xã hội trong khung chương trình phát sóng hằng tuần để tạo ra thói quen theo dõi cho khán giả. Có thể kể đến các chương trình như "Nâng cánh ước mơ", "Địa chỉ nhân đạo"... Mỗi năm, đài đã chuyển từ 200-300 triệu đồng từ các nhà tài trợ đến những mảnh đời cơ cực trong tỉnh. Năm 2015, Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải đã tài trợ cho đài 1 tỷ đồng để thực hiện chương trình "Đồng hành thoát nghèo".

Báo Hải Dương thường xuyên đăng tải chuyên mục"Địa chỉ cần giúp đỡ" trên trang 7. Mỗi năm đã có hàng chục địa chỉ được các phóng viên, cộng tác viên ghi chép lại, chuyển đến bạn đọc. Từ chuyên mục này, rất nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được các tổ chức, cá nhân giúp đỡ, chia sẻ. Báo Hải Dương còn thường xuyên chú trọng đến công tác xã hội qua các hoạt động như xây nhà tình nghĩa, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn... Nhiều năm nay, báo đã phối hợp với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam, Mobilefone... hỗ trợ các học sinh nghèo vượt khó, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hàng trăm triệu đồng. Năm 2013, báo và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam trao nhà nhân đạo cho bà Phạm Thị Châm ở xã Quang Phục (Tứ Kỳ). Bà Châm là một trường hợp đặc biệt khó khăn ở xã Quang Phục, bị liệt hai chân, phải dùng tay để di chuyển. Bà không có chồng con, ở một mình trong một căn nhà rộng khoảng 10 m2 xuống cấp nghiêm trọng, tường bị nứt, không có công trình phụ. Cả ngày, bà chỉ di chuyển trên chiếc giường nhỏ kê ở góc nhà, nấu cơm, luộc rau... Cảm thông trước hoàn cảnh đặc biệt khó khăn này, Báo Hải Dương và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam cùng với họ hàng của bà Châm và chính quyền địa phương góp tiền để sửa chữa, cơi nới lại căn nhà. Công trình được khánh thành và bàn giao tháng 7 - 2014 gồm 2 gian và công trình phụ trợ với diện tích 20 m2, trị giá 55 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Mây, Chủ tịch Công đoàn Báo Hải Dương cho biết: "Từ đầu đến cuối buổi lễ khánh thành và trao nhà nhân đạo, bà Châm rất xúc động. Chứng kiến lời cảm ơn nghẹn ngào trong dòng nước mắt của bà Châm, chúng tôi thấy mình đã làm được những việc thiết thực. Có những trường hợp khác sau khi được hỗ trợ 35 triệu đồng của cơ quan Báo và nhà tài trợ, gia đình khó khăn còn nhận thêm hơn 100 triệu đồng từ các tổ chức, đoàn thể, làng xóm để xây dựng nhà ở khang trang. Có thể nói sự hỗ trợ của Báo Hải Dương và các nhà tài trợ như tiếng chuông đánh thức trách nhiệm của cộng đồng với những hoàn cảnh khó khăn". Nhiều năm gần đây, bình quân mỗi năm Báo Hải Dương chuyển khoảng 100 triệu đồng từ các nhà tài trợ đến những mảnh đời cơ cực trong tỉnh.

Tạp chí Lao động và Công đoàn Hải Dương cũng luôn tích cực tuyên truyền công tác chăm lo đời sống người lao động. Bà Nguyễn Thị Láng, Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh, Phó Tổng Biên tập tạp chí Lao động và Công đoàn Hải Dương cho biết: "Các cán bộ, phóng viên của tạp chí thực hiện công tác xã hội không chỉ bởi nhiệm vụ, chức năng mà còn vì tấm lòng với người lao động. Việc tham gia công tác xã hội cũng để lại trong mỗi cán bộ, phóng viên nhiều kỷ niệm đẹp. Có lần đến tận chiều 29 Tết, tôi cùng với một số cán bộ, phóng viên và cán bộ của Liên đoàn Lao động tỉnh vẫn đi đến khu nhà trọ của người lao động tại các khu công nghiệp tìm hiểu hoàn cảnh và hỗ trợ tiền cho công nhân về quê ăn Tết. Đến 8-9 giờ tối, chúng tôi mới trở về nhà. Dù vậy, chúng tôi rất vui vì đã mang một chút tấm lòng, sự quan tâm của Nhà nước đến tận tay người lao động".

Không thể kể hết những việc làm từ thiện mà các cơ quan báo chí ở Hải Dương đã thực hiện thời gian qua. Vừa làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vừa trực tiếp xây những nhịp cầu chia sẻ yêu thương, các cơ quan báo chí trong tỉnh đã thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng xã hội.

VIỆT QUỲNH