Quy định về mang thai hộ: Vướng khi thực hiện
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 09:04, 27/06/2015
Khi đi vào thực tế, những quy định về mang thai hộ lại đang tạo ra nhiều rào cản cho những người thật sự có nhu cầu.
Những quy định về việc mang thai hộ đang tạo ra nhiều rào cản (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Chưa kịp hy vọng...
Lấy nhau đã hơn chục năm nay nhưng vợ chồng anh Phạm Đức Đ. (45 tuổi ở thôn Thượng Triệt, xã Thượng Đạt, TP Hải Dương) vẫn chưa có con vì vợ anh không có khả năng sinh nở do có dị tật ở tử cung. "Khi biết Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi có quy định về việc MTH, vợ chồng tôi rất mừng, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ, chúng tôi thấy mình không thể đáp ứng được các yêu cầu như quy định", anh Đ. thất vọng nói. Nguyên nhân vì pháp luật chỉ cho phép nhờ em gái, chị gái hoặc họ hàng cùng hàng đã có con, được xác nhận đủ điều kiện của tổ chức y tế MTH. Trong khi đó, anh Đ. chỉ có một người chị gái đã quá tuổi sinh đẻ, còn vợ anh chỉ có một cậu em trai.
Quy định vợ chồng chỉ được nhờ MTH khi không có con chung cũng khiến vợ chồng chị Nguyễn Thị Y. (ở khu 2, thị trấn Phú Thứ, Kinh Môn) hết hy vọng có con. Vợ chồng chị Y. đã có một cô con gái chung nhưng cô bé không được nhanh nhẹn. Trong lần sinh nở đó, chị Y. phải cắt bỏ tử cung do băng huyết nên không có khả năng mang thai. "Giờ vợ chồng tôi muốn có con thêm chỉ có con đường duy nhất là nhờ MTH. Tuy nhiên, trường hợp của chúng tôi lại không được phép nhờ MTH vì theo quy định chúng tôi đã có con chung".
Chị Đinh Thị M. (38 tuổi, ở đường Lương Thế Vinh, TP Hải Dương) cũng tỏ ra băn khoăn: "Vợ chồng tôi đã có hai cậu con trai nhưng không may cả hai đã mất trong một tai nạn giao thông cách đây 5 năm. Vợ chồng tôi luôn mong muốn sinh con để có người đỡ đần khi về già nhưng chúng tôi không biết có được nhờ MTH hay không".
Cần sớm tháo gỡ
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Dương, quy định về việc chỉ được MTH một lần, không được phép có lần 2 rất khó thực hiện. Trong lĩnh vực sản phụ khoa, bác sĩ có thể phát hiện được người phụ nữ sinh con đầu nhưng khó phát hiện là sinh con dạ lần thứ mấy. Thực tế nếu người MTH đã thực hiện ở cơ sở này, sau đó tiếp tục sang cơ sở khác thì rất khó quản lý.
Luật quy định người MTH là họ hàng thân thích nhưng lại không bắt buộc là UBND cấp xã phải xác nhận mối quan hệ này mà cho phép người MTH, người nhờ MTH tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ. Để tránh tình trạng làm giả giấy tờ, lợi dụng việc MTH vì mục đích thương mại, pháp luật nên có quy định cụ thể hơn về vấn đề này.
Chị Trương Thị Thúy (ở khu 6, phường Tân Bình, TP Hải Dương) băn khoăn: "Theo tôi, việc MTH là vấn đề hết sức nhân văn và tế nhị. Tuy nhiên, phụ nữ MTH là người mang nặng đẻ đau nhưng đứa trẻ sinh ra không phải con của mình mà là con của vợ chồng nhờ MTH. Để tránh việc người MTH sẽ đòi con, không trả lại sau khi sinh, pháp luật cần có những quy định cụ thể”.
Luật sư Nguyễn Kiều Đông, Phó Trưởng Đoàn Luật sư tỉnh, Trưởng Văn phòng Luật sư Á Đông cũng cho rằng các cặp vợ chồng vô sinh muốn có con bằng phương pháp MTH cần phải tìm hiểu kỹ, nắm rõ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật để tránh những kiện cáo, tranh chấp có thể xảy ra. Đồng thời, Nhà nước nên đặt ra các chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp MTH không vì mục đích nhân đạo thay vì hạn chế đối tượng được nhờ mang thai như hiện nay.
Các cặp vợ chồng như anh Đ., chị Y., chị M. rất mong pháp luật xem xét đến những trường hợp như của họ để họ sớm có được đứa con của chính mình.
PV