Khẩn trương cứu lúa và hoa màu
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:39, 27/06/2015
Nhiều cánh đồng hoa màu của bà con đối mặt với nguy cơ mất trắng nếu việc tiêu thoát úng vẫn tiếp tục diễn ra chậm chạp...
Nông dân xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) dùng máy bơm xăng để bơm tiêu úng
Cơn bão số 1 ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta đã gây mưa lớn khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu và thủy sản bị ngập chìm trong nước. Nông dân trong tỉnh đang khẩn trương khắc phục để sớm ổn định sản xuất.
Nhanh chóng tiêu úng
Sáng sớm 26-6, ông Nguyễn Hữu Hồng, thôn Tỉnh Cách, xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) đã lụi hụi mang máy bơm ra đồng để bơm nước cứu 2 sào lúa gieo vãi đang chìm trong biển nước. Ông Hồng nhẩm tính: "Nếu trời cứ nắng thế này mà không bơm tiêu kịp trong sáng nay thì mầm lúa sẽ bị thối, phải gieo lại. Chỉ tính tiền giống cũng mất gần 100.000 đồng/sào, còn chưa tính tiền công phải làm đất lại và tiền thuốc bảo vệ thực vật đã phun". Ông Đỗ Ngọc Đạo, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Đông cho biết: Hiện tại, nông dân trong xã đã gieo cấy được 30 ha thì có tới 2/3 số đó bị ngập úng. Xã chưa phải dùng máy bơm để bơm tiêu, chỉ phải gạn tháo do mực nước ở sông ngoài đang rút mạnh. Những diện tích không tự gạn tháo được, nông dân sử dụng máy bơm dầu của gia đình để bơm cứu lúa. HTX cũng đã huy động lực lượng dân quân và nông giang khơi thông dòng chảy để hạn chế dùng máy bơm, tiết kiệm điện.
Tại huyện Bình Giang, việc gieo cấy vụ mùa bị gián đoạn do nhiều diện tích mạ và ruộng bị ngập. "Để khắc phục, chúng tôi đã huy động các máy bơm bơm tiêu úng cho những diện tích lúa đã gieo cấy bị ngập úng. Những diện tích mạ mùa bị ngập bà con cũng đã dùng bơm xăng để bơm gạn. Các địa phương cũng đang rà soát lại những diện tích lúa hoặc mạ không thể khắc phục được để có phương án mua giống dự phòng", ông Nguyễn Phương Vụ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang nói.
Người dân ở Thanh Hà cũng đang nhanh chóng tiêu úng để cứu nhiều diện tích ổi, chuối bị ngập. Tại xã Thanh Sơn, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ bão số 1, các trạm bơm Bá Nữ và Thanh Thủy đang hoạt động hết công suất. Các cống Gừng, Sỹ, Cầu Liêu cũng đang được mở để tháo nước ra sông Thái Bình. Theo lãnh đạo xã này, đến chiều 26-6 tình trạng ngập úng đã cơ bản được khắc phục. Xã Thanh Khê có nhiều diện tích chuối, đu đủ, nhãn bị ngập úng, gẫy đổ, ước tính thiệt hại khoảng 560 triệu đồng. Tại đây, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Thanh Hà đang gấp rút mở các cống kết hợp với vận hành các máy bơm để tiêu úng nhanh nhất có thể.
Theo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, hiện tại ở những nơi úng ngập, nước sông ngoài lớn công ty mới sử dụng máy bơm để bơm tiêu. Những diện tích còn lại có thể tiêu tự chảy thì huy động công nhân khơi thông dòng chảy để tiết kiệm điện năng.
Riêng TP Hải Dương, chiều 26-6, các khu dân cư bị ngập úng đã cơ bản được khắc phục. Để đề phòng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Trung tâm Y tế thành phố đã hướng dẫn các xã, phường thu gom rác thải, bùn đất, nước đọng. Đơn vị đã chuẩn bị một lượng CloraminB dự phòng khi có dịch bệnh bùng phát.
Tập trung chăm sóc
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 1 gây mưa lớn làm ngập úng sau đó lại nắng gay gắt, vì vậy nông dân cần chủ động các biện pháp chăm sóc lúa và cây rau màu sau khi đã tiêu được nước. Riêng với cây rau màu đang dùng khum che nilon, nông dân cần vén màng phủ gần gốc cây để lộ đất cho bộ rễ được thông thoáng, hạn chế nấm, vi khuẩn phát sinh gây hại. Những diện tích rau màu mới trồng, mặt luống rau bị rẽ, cây con có bộ rễ chưa phát triển mạnh thì nên xới xáo nhẹ, phá váng mặt luống giúp cây hồi phục nhanh. Những cây bị chết có thể trồng dặm để bảo đảm mật độ. Ông Nguyễn Văn Xã ở thôn Thung Độ, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) cho biết: "Sau mưa bão, dưa lê, dưa hấu bị tốc dây, lá dưa thì dập nát sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh phát triển. Do đó, ngay sau mưa chúng tôi đã lật lại dây để bộ rễ của dưa ổn định. Sau đó có thể phun phân bón lá để hỗ trợ bộ lá phát triển trở lại không bị táp vàng, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp. Ngoài ra, những quả dưa bị nứt thối cũng được thu dọn sạch sẽ để không tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển ảnh hưởng đến các quả dưa khác".
Tại Thanh Hà, những diện tích ổi, chuối bật gốc cũng đã được nông dân dùng dóc để nâng đỡ, đồng thời vệ sinh vườn nhằm hạn chế phát sinh bệnh gây hại cây trồng.
Theo kế hoạch sản xuất của tỉnh, trà lúa mùa sớm cấy từ ngày 7 đến 20-6 trà mùa trung từ 17-6 đến 5-7 để chủ động đất gieo trồng cây vụ đông và tránh điều kiện bất thuận của thời tiết. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, đến ngày 25-6, tiến độ làm đất và gieo cấy lúa mùa của nhiều địa phương còn chậm so với lịch thời vụ, nhất là trà mùa sớm. Diện tích làm đất, lồng vùi toàn tỉnh mới đạt khoảng 70%, diện tích gieo cấy ước đạt 20%. Do đó, ngay sau khi khắc phục ngập úng, nông dân cần khẩn trương huy động sức kéo, ưu tiên thuê máy kéo lớn để đẩy nhanh tiến độ làm đất. Đối với lúa gieo cấy không bị ngập úng cần bón lót đủ và bón thúc kịp thời ngay sau khi lúa bén rễ hồi xanh với phương châm bón sớm, bón đủ, bón cân đối, tập trung, nặng đầu nhẹ cuối, không bón lai rai, cần tăng lượng ka-li cho lúa lai và lúa chất lượng cao. Riêng các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà và Kim Thành, vụ mùa năm trước lúa bị nhiễm bệnh vàng lá di động nên cần khuyến cáo nông dân xử lý rầy xanh đuôi đen trên mạ, trên lúa đầu vụ, nhất là tại các chân ruộng vụ trước đã bị bệnh.
PV
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, ngay sau bão, áp thấp nóng phía tây đã phát triển và mở rộng về phía đông nam nên từ ngày 27-6, các khu vực trong tỉnh sẽ xuất hiện nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất khoảng từ 35- 37 độ C. Đợt nắng nóng này có khả năng kéo dài trong 3-4 ngày tới. Mực nước trên các sông trong tỉnh đang ở thời kỳ triều kém. Sông Thái Bình tại Phả Lại ở mức 1,1m, sông Luộc tại Bến Trại mức 0,9m. Mực nước này thuận lợi cho các địa phương tiêu úng. 2 ngày tới mực nước các sông sẽ lên nhanh theo thủy triều. |