Rùng mình nước bẩn ven nhà máy

Môi trường - Ngày đăng : 08:23, 28/06/2015

Nguồn nước ven nhiều nhà máy công nghiệp đang bị ô nhiễm nặng nề nhưng việc phát hiện, xử lý chưa kịp thời và gặp khó khăn.



Người dân thôn Phí Gia, xã Đồng Gia (Kim Thành) hiện không thể dùng nguồn nước để tưới cho khu đồng
Ba Ao vì đã bị ô nhiễm do Công ty TNHH Du lịch thương mại Tân An thải nước bẩn ra


Từ nhiều năm qua, những người đi qua con đường gần Công ty TNHH Du lịch thương mại Tân An ở xã Đồng Gia (Kim Thành) đều thấy ngán ngẩm vì nguồn nước thải từ doanh nghiệp này xả ra môi trường. Dòng nước thải đen ngòm, thối hoắc đổ ra con mương gần đó làm nguồn nước ở đây bị ô nhiễm.

Thấy chúng tôi đến tìm hiểu tình trạng ô nhiễm tại đây, một nhóm nông dân có mặt đã bày tỏ bức xúc.
Anh Trần Văn Hà ở thôn Phí Gia (xã Đồng Gia) cho biết: "Khi có mưa to, nước thải ô nhiễm tràn vào ruộng. Năm ngoái một số nhà trồng rau màu bị giảm năng suất, củ đậu bị cháy lá có thể do ảnh hưởng bởi nguồn nước. Người dân cũng từng kiến nghị tới cơ quan chức năng nhưng tình trạng này kéo dài nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết". Trước đây, con mương này dẫn nước tưới, tiêu cho khu đồng Ba Ao ở thôn Phí Gia. Từ ngày nước bị ô nhiễm, nông dân phải lấy nước ở con kênh khác để thay thế.

Theo ông Phạm Huy Lập, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Du lịch thương mại Tân An, doanh nghiệp chuyên sản xuất giầy xuất khẩu, bắt đầu hoạt động vào năm 2008 và hiện có 400 công nhân. Nước thải sinh hoạt của công ty là nước thải từ hệ thống vệ sinh công cộng còn doanh nghiệp không có nước thải sản xuất. Trước đây, công ty có bể tự hoại 3 ngăn với dung tích 30 m3 và cách đây 6 tháng đã xây thêm bể 2 ngăn 16 m3 để xử lý nước thải. Theo một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Kim Thành, đoàn kiểm tra của Sở TNMT vừa kiểm tra tại công ty này đã xác định bể tự hoại xử lý nước thải sinh hoạt chưa đạt yêu cầu.

Những nông dân canh tác lúa, rau màu ở thôn My Cầu, xã Tân Hồng (Bình Giang) cũng đang lo lắng vì sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Nguồn nước thải từ một số doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Tân Hồng xả ra con mương gần đó thường có màu đen hoặc đục ngàu. Anh Vũ Quốc Cương ở xóm Đông (thôn My Cầu) từng thấy một doanh nghiệp ở cụm công nghiệp này xả nước thải ô nhiễm ra một con mương nhỏ, sau đó nước tiếp tục chảy ra mương ở ven đường Tiến Sĩ. Nước ở con mương càng cạn thì càng có màu đen, ô nhiễm nặng. Tuy nhiên, do không có nguồn nước khác để thay thế nên dù nước có màu đen thì nông dân ở đây vẫn phải sử dụng. Anh Cương lo lắng nguồn nước này sẽ ảnh hưởng tới năng suất lúa.



Nước thải lẫn đất cao lanh từ Công ty TNHH Ngọc Sơn chảy ra khu vực bãi cát
 ở gần tường bao của doanh nghiệp


Có lẽ hiện nay nguồn nước ở gần các cụm công nghiệp là đáng sợ nhất. Nguồn nước ở đây bị ô nhiễm, thường có màu đen và mùi thối. Theo kết quả quan trắc nguồn nước năm 2013 tại các cụm công nghiệp của Sở TNMT, tùy theo thời điểm quan trắc nguồn tiếp nhận nước thải của cụm công nghiệp bị ô nhiễm bởi 7 thông số. Trong đó, thông số NO2-N vượt 1,9-13,9 lần, PO4-P vượt 4,9-17,2 lần, dầu mỡ vượt 1,5-3,4 lần, NH4-N vượt 32,7-49,3 lần quy chuẩn cho phép. Hiện nay, đa số cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư hạ tầng nên không có trạm xử lý nước thải tập trung. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp trong cụm công nghiệp chưa quan tâm xử lý nước thải. Nguồn nước thải của các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp cũng đáng báo động. Toàn tỉnh còn hàng trăm điểm xả thải chưa được cấp phép. Thậm chí có những doanh nghiệp đã được cấp giấy phép xả thải cũng vẫn xả nước thải gây ô nhiễm môi trường.

Các điểm xả thải của doanh nghiệp thường có nhiều cỏ dại, bèo phủ kín hoặc đặt ngầm dưới lòng kênh mương nên rất khó khăn để cơ quan chức năng, người dân phát hiện. Một con mương thoát nước thải có thể dùng chung cho nhiều doanh nghiệp nên xác định nguồn ô nhiễm do doanh nghiệp nào gây ra không dễ dàng. Nhiều trường hợp đơn vị thủy nông hoặc người dân phát hiện ra sự bất thường khi doanh nghiệp xả nước thải nhưng khó khẳng định nguồn nước có ô nhiễm hay không vì cần có kết quả quan trắc mới xác định được chính xác. Việc quan trắc môi trường theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong nhiều trường hợp cũng khó xác định chính xác mức độ ô nhiễm nước thải vì doanh nghiệp có thể vận hành nhà máy ít hơn mức độ hoạt động bình thường.

Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã có thống kê về những nguồn xả thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh vào kênh mương nội đồng. Tuy nhiên, công ty này chỉ có chức năng phát hiện, kiến nghị xử lý nếu thấy nghi ngờ doanh nghiệp nào đó xả nước thải vào nguồn nước gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, việc ngăn chặn doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của cả đơn vị quản lý nguồn nước tưới tiêu, cơ quan quản lý môi trường và UBND các cấp. Việc dọn vệ sinh sạch sẽ kênh mương là nơi xả thải của doanh nghiệp, tăng cường quan trắc đột xuất để xác định ô nhiễm cũng là những giải pháp quan trọng cần áp dụng để khắc phục tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm ở gần các nhà máy.

NINH TUÂN