Tiếng cười con trẻ

Truyện ngắn - Ngày đăng : 16:06, 09/07/2015



Gần nửa đời người anh chị mới gặp lại nhau trong buổi họp mặt Hội Cựu thanh niên xung phong của trung đoàn cũ. Họ như lặng đi vì ngỡ ngàng. Gần ba chục năm mải miết tìm nhau không thấy. Mặc dù vậy họ vẫn tin rằng nửa kia của mình vẫn còn sống và cũng đang đi tìm. Cuộc sống thật diệu kỳ. Nó luôn mang lại cho người ta những điều bất ngờ. Rất nhiều điều muốn nói, nhưng chẳng hiểu vì sao họ chỉ nhìn nhau đăm đắm. Đôi mắt chứa chan đã nói hộ những điều cần nói. Ký ức xa xôi như cuốn phim quay chậm hiện về trong tâm trí của chị...

Ngày ấy, thời gian quá dài với một đời người, nhất là với đàn bà con gái. Bình là y tá của một đại đội thanh niên xung phong. Giữa núi rừng âm u bạt ngàn, quân ra quân vào rầm rập mà chỉ có độc một người khác giới, dù người con gái đó là ai, đẹp hay xấu cũng khiến những chàng trai ăn mặc, nói năng đi đứng tự nhiên phải e dè thận trọng hơn. Huống chi Bình lại là một cô gái xinh đẹp. Đôi môi lúc nào cũng như được thoa một lớp son. Cái lúm đồng tiền như con xoáy mùa nước lũ khi cô cười. Tuổi mười tám tươi trẻ bừng lên sức sống. Nó được hiển hiện ra ngoài từ dáng đi uyển chuyển đến giọng nói véo von như hát. Những người lính hành quân qua nhìn thấy Bình đều ồ lên kinh ngạc. Họ không ngờ giữa nơi mưa bom bão đạn lại có bông hoa rực rỡ đến thế. Bông hoa rừng không chỉ đẹp vì sắc màu mà còn tỏa hương ngào ngạt. Chị như dòng nước mát giữa cánh đồng khô cạn. Nhiều "vệ tinh" lượn lờ xung quanh. Cán bộ có, binh sĩ cũng có. Trong số "vệ tinh" kia, chị đã chọn Vũ, một trung đội trưởng dũng cảm và mưu trí. Họ yêu nhau say đắm. Cả đơn vị xúm vào vun vén cho hạnh phúc của họ. Nhưng rồi trong một trận ném bom của kẻ thù, Vũ bị thương nặng, phải đưa về tuyến sau. Thế là họ mất tin nhau từ đó.

Hôm nay, họ gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Bốn bàn tay lần tìm nhau siết chặt. Tay trong tay, họ bước vào hội trường giữa những tràng pháo tay chúc mừng của đồng đội. Rồi anh chị đưa nhau về ra mắt họ hàng hai bên nội ngoại. Đám cưới của anh chị không có pháo nổ tưng bừng, không có xe đời mới đón đưa. Nhưng khách thì đông vô kể. Toàn đồng đội cũ và những người bạn trong cùng cơ quan. Người cựu chính trị viên năm xưa không giấu giếm tình cảm của mình, hết nhìn Bình lại nhìn Vũ, nét mặt ông có vẻ ái ngại. Ông ngập ngừng khẽ hỏi Vũ: "Cô Bình năm nay bao nhiêu tuổi nhỉ?". Vũ cười ngạc nhiên như muốn hỏi lại người chỉ huy: "Sao giữa tiệc vui anh lại hỏi tuổi cô dâu? Anh chuyển làm thầy bói từ bao giờ thế?". Người chỉ huy cũ hiểu cái nhìn của Vũ, anh tặc lưỡi: "Hỏi để biết. Đàn bà mấy ai kéo dài tuổi sinh nở tới năm mươi". Bình hốt hoảng. Mải say mê ngất ngây với hạnh phúc tràn đầy, chị đã quên mất điều hệ trọng ấy. Năm nay Bình bốn mươi bẩy.

Những đêm sau Bình cứ nghĩ về câu nói của người chính trị viên. Nó ám ảnh trong tâm trí của chị. Phải. Anh ấy nói đúng. Chị cảm thấy mình yếu sức lắm. Hồi còn ở chiến trường không biết bao lần chị ngất lên ngất xuống vì sức ép của bom đạn, của sốt rét. Nét đẹp của ngày xưa không còn, làn da chuyển sang màu xanh nhợt. Tóc rụng nhiều sau mỗi lần gội đầu, xơ xác. Đêm nằm, Vũ ôm chị vào lòng. Chị lắng nghe tiếng anh thở yếu ớt đứt đoạn. Anh cũng đã già. Năm nay anh hình như gần sáu mươi thì phải. Lại còn thương tật nữa. Bất chợt chị ngước mắt lên, thấy kề sát mặt mình là khuôn mặt già nua, sần sùi lấm tấm mồ hôi. Bình thở dài. Một hai năm nữa thôi, nếu anh chị không thể sinh đẻ được coi như chuyện con cái sẽ chấm hết.

Một năm trôi qua, Bình chưa có dấu hiệu báo cho Vũ biết rằng anh sắp có con. Vũ mệt mỏi ra vào, đi đứng chậm chạp. Nhiều lần anh nhìn trộm vợ ái ngại xa xót. Vài lần Vũ bắt gặp vợ nôn ọe, anh hồ hởi: "Có rồi phải không em?". Bình lắc đầu buồn bã: "Không phải đâu anh ạ. Từ dạo bị sốt rét đến giờ thi thoảng em vẫn bị thế". Tự nhiên cổ họng Vũ nghẹn đắng. Đêm đêm anh vẫn ôm vợ vào lòng âu yếm. Mỗi ngày trôi qua, hai người đều cảm thấy bất lực trước điều quá đỗi bình thường mà tạo hóa đã hào phóng ban phát cho loài người. Nhiều đêm Bình ôm chồng òa khóc nức nở. Chị đâu muốn đầy đọa anh. Nhưng chị muốn làm mẹ, anh muốn làm cha. Ước mơ nhỏ nhoi ấy không khi nào nguôi ngoai trong lòng chị. Trong giấc ngủ nặng nề chị mơ thấy mình mang thai và sinh ra một thằng con bụ bẫm, đẹp như thiên sứ. Lạ thay, thằng bé vừa sinh ra đã biết đi biết cười, chạy nhảy nô đùa như sấm. Nó sà vào lòng chị, rối rít: "Mẹ...Mẹ ơi". Rồi nó buông chị ra, nhào sang với anh: "Con yêu bố". Chị bật dậy. Nhà yên lặng tới rợn người. Trên giường chỉ có Vũ nằm còng queo đơn lẻ cùng tiếng thở đứt đoạn. Bình ứa nước mắt.

Một người bạn thân của Vũ là bác sĩ ở bệnh viện đa khoa, sau khi khám xong cho hai vợ chồng anh, khẽ lắc đầu: "Chị Bình không sao, vẫn có thể sinh được. Riêng anh Vũ hơi khó đấy". Vũ hỏi: "Khó là sao? Cụ thể". Người bác sĩ gần như nói thầm: "Chất độc điôxin đã ngấm vào anh quá nhiều. Không nên sinh con". Vũ giật mình chợt nhớ tới những đám mây màu da cam phủ kín con đường nơi đại đội anh có trách nhiệm bảo vệ. Chao ôi! Chiến tranh thật tàn nhẫn. Hậu quả của nó không phải chỉ hôm qua hôm kia, mà bóng ma của nó còn phủ tới hôm nay ngày mai và sau này nữa.

Năm thứ hai, Bình mơ hồ nhận thấy hạnh phúc như đang dần đến. Một cảm giác sung sướng như dòng cam lồ chảy lan tỏa khắp cơ thể chị. Chị phấp phỏng hy vọng. Hai bầu vú căng dần theo từng tháng. Nguyện ước hoàn toàn chắc chắn. Chị mãn nguyện mỉm cười thông báo với chồng: "Em đã có thai". Vũ mở to mắt ngỡ ngàng như người mơ ngủ. Chợt hiểu ra, anh mừng rú lên. Anh nhảy một bước dài đến bên Bình. Đôi tay anh ôm ghì lấy vợ như sợ chị tan biến vào không gian: "Chắc chắn không em?". Bình lặng lẽ hôn lên gò má cao gầy của chồng: "Chắc rồi". Những ngày sau Vũ luôn dành thời gian chăm sóc vợ. Anh làm tất cả mọi công việc trong nhà để cho vợ có nhiều thời gian nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Anh năng đi lại chuyện trò với mấy bà đông con như gà trong xóm. Anh tỉ mẩn hỏi han chuyện sinh nở của đàn bà. Chuyện chăm sóc người đẻ, chuyện tắm táp, thay tã lót, chuyện nuôi dạy trẻ sơ sinh. Vũ hỏi tất. Anh còn thận trọng ghi vào sổ những điều nghe được. Những người đồng đội, những người bạn của anh chị đến chúc mừng: "Xin chúc mừng, xin chúc mừng!" Cười, nói, hả hê. Vũ cười như chưa bao giờ được cười. Anh sung sướng và hạnh phúc lắm. Hơn cả cái ngày họ tìm ra nhau. Tiếng cười, tiếng nói râm ran bồng bềnh đung đưa và dịu êm chen chật căn nhà.

Cái thai trong bụng càng to Bình đi lại càng mệt nhọc nặng nề. Chị ăn uống uể oải. Nhưng trên gương mặt chị không hề giảm bớt niềm hân hoan mỗi khi nghĩ đến mình sẽ có một đứa con. Mấy ngày trước tự nhiên Bình mệt mỏi chỉ muốn nằm. Vũ lo lắng cuống cuồng. Cả đêm anh thức trắng bên vợ. Bình thấy thương chồng hơn bao giờ hết và nhận ra khát vọng được làm bố của chồng bỗng trở thành nhiệm vụ khắc nghiệt với chị. Bình bắt chồng đi nghỉ. Chị cười để anh yên lòng. Khuyên nhủ thế nào Vũ cũng nhất quyết không chịu. Tính anh xưa nay vẫn thế. Điều gì anh cho là đúng, là phải thì đố ai ngăn được.

Ngày đứa trẻ ra đời cũng đến. Bình chậm rãi bước qua cổng bệnh viện với hy vọng tràn trề. Vũ dìu vợ đến phòng hộ sinh. Anh nói nhỏ vào tai vợ: "Cứ bình tĩnh em ạ. Đâu sẽ vào đó. Nhất định chúng mình sẽ có con. Vũ quả quyết: "Là thằng. Nó sẽ giống anh". Bình lườm yêu chồng: "Nó phải giống em". Vũ bật cười thành tiếng, điều ít thấy ở anh: "Trai giống mẹ khổ ba đời đó em ơi". "Mặc kệ anh. Em không biết". Người bác sĩ già đón Bình ở cửa phòng. Bà giơ tay ra hiệu cho Vũ dừng lại. Đôi mắt bà trìu mến nhìn Vũ, nói ngắn gọn: "Anh yên tâm. Hãy tin ở chúng tôi". Vũ lùi ra một bước nhưng vẫn nắm chặt tay vợ. Anh muốn truyền cho chị lòng dũng cảm, nghị lực của người cựu trung đội trưởng thanh niên xung phong. "Chúc em vượt cạn thành công như ý". Vũ buông tay vợ rồi thanh thản ra ngồi đợi ngoài hành lang. Đôi tai anh luôn hướng về phòng hộ sinh chờ nghe tiếng trẻ khóc. Mấy bà già cùng xóm bảo anh: "Đứa trẻ mới sinh phải khóc. Khóc càng to càng khỏe". Anh tin con mình sẽ khóc rất to, rất khỏe.

Một tiếng, hai tiếng, rồi bốn tiếng đồng hồ trôi qua. Vũ lo lắng tột độ. Điều gì đã và đang xảy ra với vợ con anh? Anh đi lại dọc hành lang sốt ruột. Tai anh hướng về phòng hộ sinh ngóng đợi. Vẫn mấy bà già đẻ nhiều con ở xóm căn dặn anh trước khi đi: "Chị ấy tuổi cao, sinh nở là khó khăn lắm đấy. Anh phải lưu tâm cho mẹ tròn con vuông". Vũ tin rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra với vợ mình hết. Chắc chỉ khó đẻ chút xíu thôi. Cửa phòng hộ sinh bỗng nhẹ nhàng mở. Người nữ y tá bước ra. Lập tức chị bị Vũ chộp mạnh lấy tay: "Vợ tôi ra sao rồi? Con trai hay con gái?". Người y tá chậm rãi nhìn Vũ từ đầu đến chân. Đôi mắt chị sầm tối. Giọng chị run rẩy: "Không vào được. Chị Bình sinh rồi...Con...con trai". Nói xong chị bước vội như chạy trốn trước ánh mắt bừng sáng của Vũ. Anh quên cảm ơn chị y tá. Anh lao ra sân. Nơi ấy có đông bạn bè anh đang đứng đợi. Vũ nhẩy tâng tâng, quay tròn trong niềm vui sướng khôn cùng. Gặp ai anh cũng ôm lấy vai họ và nói: "Hãy mừng cho tôi đi. Tôi đã có một đứa con. Hiểu không?". Mọi người xúm lại hân hoan chúc mừng. Ông cựu chính trị viên chẳng hiểu kiếm đâu ra hai cốc bia đang sủi bọt, trao cho Vũ một cốc: "Chúc mừng cựu trung đội trưởng. Nào chạm cốc".

Trong khi đó bà bác sĩ già đứng tựa lưng vào tường thở dốc. Đúng là chị Bình đã sinh con trai. Nhưng thật đau đớn, đứa bé mang quá nhiều dị tật. Nó không thể gọi là con người được. Người bác sĩ nhắm mắt lại, rùng mình xa xót. Không. Tạo hóa không khắt khe tàn nhẫn đến như vậy. Chỉ có chất độc mầu da cam chết tiệt đã ngấm vào người cựu thanh niên xung phong mới là nguyên nhân gây ra tội lỗi. Bà nặng nề mở cửa sổ phòng nhìn ra sân bệnh viện. Ngoài kia, bố đứa trẻ, tay giơ cao cốc bia sóng sánh vàng như mật, chạm từng người một, luôn miệng cười rất tươi: "Mừng cho tôi đi. Tôi có con rồi". Tiếng thủy tinh va nhau lanh canh lanh canh, nghe như tiếng cười giòn con trẻ.


NGUYỄN SỸ ĐOÀN