Hấp dẫn kể chuyện danh

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 12:40, 12/07/2015

Kể chuyện thân thế, sự nghiệp, công lao, tài đức và những cống hiến to lớn của các danh nhân là cách thức giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. nhân

Các câu chuyện sẽ trở nên gần gũi, dễ hiểu đối với các em do hầu hết những nhân vật lịch sử này đã được đặt tên cho đường phố, trường học, cho các công trình văn hóa ở ngay địa bàn dân cư mọi người đang sống. Thời điểm tổ chức kể chuyện danh nhân tốt nhất vào dịp sinh hoạt hè của học sinh. Quy mô tổ chức có thể ở phường, xã hoặc ở khu dân cư.

Nhận thức được điều này và nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, thời gian qua Hội Cựu chiến binh (CCB) TP Hải Dương đã khởi xướng và phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức các cuộc nói chuyện về danh nhân. Lúc đầu, phần lớn các cháu tỏ thái độ thờ ơ, thậm chí còn vô cảm. Được chi đoàn, chi đội thông báo đi sinh hoạt tìm hiểu lịch sử, truyền thống thì không ít cháu cho rằng việc này là khiên cưỡng, mất thời gian, chẳng hứng thú gì. Nhưng thực tế kết quả đã đem lại thật bất ngờ. Các cháu bị thu hút vào những câu chuyện đầy xúc động về một vị vua sáng, một thủ lĩnh tài đức vẹn toàn, một ông quan thanh liêm, một vị tướng lừng danh, một chiến sĩ cộng sản kiên trung, một nhà văn hóa, nhà khoa học chân chính, một anh hùng liệt sĩ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh… Vì thế, nhiều cháu đã thay đổi về nhận thức và tỏ ra tiếc nuối. Tiếc nuối vì hằng ngày mình vẫn sống trên con phố, vẫn đi trên con đường, vẫn học trong ngôi trường, chơi trên công viên mang tên những nhân vật lịch sử mà chẳng biết họ là ai và họ đã cống hiến những gì cho quê hương, đất nước để mình được sống trong hòa bình, hạnh phúc như ngày hôm nay. Qua những buổi kể chuyện danh nhân, bài học về sự tri ân, về lòng yêu quê hương, đất nước được khơi dậy trong các cháu. Từ chỗ chỉ được nghe kể chuyện những nhân vật lịch sử được đặt tên cho những con phố nơi mình sinh sống, nhiều cháu đòi hỏi xa hơn, rộng hơn ra toàn thành phố. Trước đó, cuộc thi kể chuyện “Mảnh đất và con người Thành Đông xưa - TP Hải Dương nay” dưới hình thức sân khấu hóa được tổ chức cũng đã thu hút hàng trăm thí sinh, nói lên tình cảm sâu nặng đối với các thế hệ cha ông, những người đã đổ mồ hôi, nước mắt và xương máu cho thế hệ hôm nay.

Hội CCB thành phố còn mở rộng từ chủ đề “Chúng cháu nghe kể chuyện danh nhân” thành “Bác cháu cùng nghe kể chuyện danh nhân” nhằm thu hút đông đảo các CCB cùng tham gia. Với cách làm trên không chỉ tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên CCB được học tập nâng cao hiểu biết mà còn là dịp để các CCB và lớp trẻ giao lưu, gặp gỡ.

Kết quả và tác dụng của công tác giáo dục truyền thống dưới hình thức “Kể chuyện danh nhân” ở TP Hải Dương những năm qua đã thu được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn đơn vị loay hoay trong cách thức tổ chức. Có nhiều lý do, nhưng sự quan tâm chưa đầy đủ của các cấp ủy đảng, chính quyền ở một số nơi là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này. Tiếp đó là đội ngũ báo cáo viên chưa đáp ứng kịp yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Nguyên nhân nữa do không có bất cứ khoản kinh phí nào để những người tổ chức mua hoặc sưu tầm tư liệu, nhất là tài liệu sách báo nói về thân thế sự nghiệp của các nhân vật lịch sử đó.

Mong rằng, các cấp Đảng, chính quyền TP Hải Dương quan tâm tháo gỡ các khó khăn trên, đưa công tác giáo dục truyền thống yêu nước, bồi dưỡng chủ nghĩa anh hùng cách mạng nói chung, công tác tuyên truyền, giới thiệu công lao, sự nghiệp của các nhân vật lịch sử được đặt tên cho đường phố, trường học ở thành phố nói riêng đạt kết quả cao hơn nữa.

LÊ ĐÌNH VƯỢNG(TP Hải Dương)