Hầm dân sinh... làm khổ dân
Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 08:29, 16/07/2015
Mực nước kênh thoát ngay gần hầm dân sinh đang cao hơn đường hầm
Đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang gấp rút hoàn thành để kịp thông xe vào cuối năm nay. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng công trình, những bất cập của 45 hầm dân sinh qua địa bàn tỉnh đang gây khó khăn cho việc đi lại của người dân các huyện Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ và Thanh Hà.
Hầm dân sinh thành... ao
Dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đánh giá là trục giao thông quan trọng vào bậc nhất cả nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế trọng điểm khu vực Bắc Bộ. Tuy nhiên, khi thiết kế xây dựng công trình hiện đại này, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - chủ đầu tư dự án đã không tính đến những bất cập của hệ thống hầm dân sinh (HDS) qua đường. Hầu hết 45 HDS qua địa bàn tỉnh đều có cốt đường hầm thấp hơn cốt mặt đường dân sinh từ 0,3 - 0,5 m. Vị trí thấp nhất qua xã Yết Kiêu (Gia Lộc) còn thấp hơn mặt đường gần 1m.
Bà Phan Thị Thêm ở làng Quát, xã Yết Kiêu (Gia Lộc) cho biết: “Nhà tôi có hơn 3 sào ruộng giáp xã Cổ Bì (Bình Giang) nên ngày nào cũng phải đi qua HDS này. Ngày nắng thì bụi mù mịt nhưng còn chịu được chứ ngày mưa thì rất khổ, nước ngập gần 1m, đi lại rất khó khăn. Vụ lúa vừa rồi, khi tôi kéo xe cải tiến chở lúa qua đây, nước ngập phải dò từng bước, rất vất vả”. Bà Vũ Thị Toán ở làng Khuông (Yết Kiêu) nói thêm: “Các anh chị xem, cứ mưa là ngập. Mà nói gì đến mưa, ngay cả khi HTX nông nghiệp bơm nước lên ruộng cho bà con làm mùa thôi cũng gây ngập hầm. Bọn trẻ đi học khổ lắm, nhiều đứa bị ngã, quần áo bê bết đất, chân tay trầy xước. Những hôm mưa, đơn vị thi công có bơm nước ra nhưng cũng phải mất 2 ngày mới cạn. Lo nhất là nay mai công trình đường cao tốc xong rồi, nhà thầu rút đi, khi ấy chúng tôi biết kêu ai”.
Các HDS qua xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) cũng thấp hơn mặt đường khoảng 0,3m. Nước trong hầm từ trận mưa cách đây hơn chục ngày đã cạn nhưng để lại lớp bùn đất dày tới 30cm. Mỗi lần ô-tô chạy qua, trong hầm mù mịt bụi đất. Nhiều người tự bảo vệ mình bằng việc trang bị kính bảo hộ khi đi qua đây. “Chúng tôi khổ lắm. Trời mưa thì nước ngập đến đầu gối, trời nắng thì bụi mù mịt, nhất là lúc có ô-tô chạy qua, không thể nào mà đi được”, bà Đỗ Thị Bé ở xã Tứ Xuyên bức xúc.
Tình trạng ngập úng không chỉ diễn ra tại các HDS ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ mà còn diễn ra tại các huyện Bình Giang và Thanh Hà. Người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương và chủ đầu tư nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Tất cả các hầm đều chưa có hệ thống rãnh thoát nước. Chỉ cần một cơn mưa vừa cũng có thể biến các HDS thành ao, việc đi lại của bà con trở nên khó khăn, vất vả.
Cần có giải pháp lâu dài
Tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XV vừa diễn ra, vấn đề HDS ngập nước được các đại biểu chất vấn ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT). Theo ông Long, trong dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hải Dương chỉ tham gia với VIDIFI trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, cho nên trách nhiệm chính để giải quyết vấn đề này thuộc về VIDIFI. Tuy nhiên, ngay sau khi có phản ánh của người dân, Sở GTVT đã có ý kiến với Bộ GTVT và làm việc với VIDIFI để khắc phục. Chủ đầu tư đã dùng máy bơm bơm nước ra khỏi hầm để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, VIDIFI sẽ xây hệ thống rãnh thoát nước hai bên đường hầm để tiêu nước. "Theo thiết kế, đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có độ dốc 2% dẫn đến cốt đường HDS thấp hơn mặt đường dân sinh. Nếu nâng cốt đường hầm bằng cốt mặt đường dân sinh sẽ rất tốn kém, khoảng 10 tỷ đồng/hầm", ông Long giải thích.
Trong những ngày này, trời không mưa nhưng tại nhiều HDS mực nước ở các mương thoát nước gần đó đều cao hơn cốt đường trong hầm từ 10 - 20cm. Nhiều người dân ở đây còn cho biết, vào mùa vụ, khi các HTX dịch vụ nông nghiệp bơm cho bà con làm đất cấy lúa thì mực nước còn cao hơn nữa. Như vậy, nếu đường hầm có được đào rãnh hai bên thì nước cũng không biết thoát đi đâu.
Hiện các HDS đã cơ bản hoàn thành nên việc nâng cốt đường trong hầm là điều không thể vì sẽ ảnh hưởng đến chiều cao của hầm. Việc xây dựng hệ thống rãnh thoát nước hai bên đường hầm là cần thiết nhưng các rãnh thoát này sẽ tiêu thoát nước đi đâu để bảo đảm khi trời mưa hoặc bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước không chảy ngược vào hầm là câu hỏi khó cần được VIDIFI xử lý.
Dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khởi công tháng 5-2008, đi qua 4 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng có tổng chiều dài 105,5 km với 6 làn xe trong đó 2 làn dừng khẩn cấp. 22,7 km đầu tiên từ nút giao quốc lộ 10 đến nút giao tỉnh lộ 353 (Hải Phòng) đã thông xe. Dự kiến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tới sẽ thông xe đoạn qua Hải Dương (từ nút giao quốc lộ 39 thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên đến quốc lộ 10) và đến tháng 11-2015 sẽ thông xe toàn tuyến. |
LÊ HƯƠNG