Từ nhà lưới... ra đồng ruộng
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:10, 19/08/2015
Dưa Kim cô nương cho năng suất, chất lượng tốt
Nhanh nhạy với cây trồng mới
Năm 2010, giống dưa lê Kim cô nương (KCN) được TS. Đào Xuân Thảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm trồng trong nhà màng, nhà lưới. Đây là giống dưa đặc sản do Công ty CP Giống cây trồng Nông Hữu (Đài Loan) nghiên cứu, chọn tạo. Dưa KCN có quả hình ô-van, vỏ màu vàng kim, ruột màu vàng, thịt quả giòn, ngọt mát, trọng lượng từ 1,5-2,2 kg/quả, vỏ cứng nên dễ vận chuyển đi xa. Sau khi thu hoạch chỉ cần để dưa quả ở nơi khô ráo, thoáng mát thì có thể bảo quản được 1 tháng, càng để lâu thì màu càng đậm, dưa càng ngọt nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Dưa lê KCN được trồng trong nhà màng, nhà lưới ứng dụng công nghệ tiên tiến nên cho năng suất đạt từ 8 tạ -1,2 tấn/sào, có giá bán từ 20.000-30.000 đồng/kg, cho giá trị từ 18-22 triệu đồng/sào/vụ. Mô hình nhà màng, nhà lưới có thể sử dụng được từ 10-15 năm, nhưng do kinh phí đầu tư từ 100-200 triệu đồng/sào nên nông dân không có điều kiện thực hiện.
Vốn nhanh nhạy và mong muốn nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều nông dân tại huyện Gia Lộc đã thử nghiệm và đưa giống này ra trồng ngoài đồng ruộng. Ông Tăng Văn Nhân có kinh nghiệm trồng dưa 5 năm nay tại thôn Buộm (xã Toàn Thắng) cho biết, những năm đầu do chưa có kinh nghiệm nên ông chỉ thu được 0,5 tấn/sào. Sau nhiều năm học hỏi kỹ thuật, đến nay ông thu được từ 7-8 tạ/sào, với giá bán từ 8.000-18.000 đồng/kg tùy thời điểm, thu lãi từ 5-10 triệu đồng. Dưa trồng ngoài đồng ruộng tốn ít chi phí hơn do không phải làm nhà màng, nhà lưới, tuy nhiên mẫu mã không đều, đẹp và không ngọt như dưa trồng trong nhà lưới. Nhưng với giá bán này người dân vẫn thu lãi cao gấp 2-3 lần so với dưa lê, dưa hấu. Cũng như ông Nhân, đến nay nhiều nông dân ở Gia Lộc đã mạnh dạn trồng dưa lê KCN, nhiều thôn có từ 40-70 hộ trồng giống dưa này như thôn Lúa (xã Đoàn Thượng), thôn Buộm (xã Toàn Thắng)… với tổng diện tích từ 5-10 ha/thôn/vụ.
Hiện nay, diện tích trồng dưa lê KCN ở Gia Lộc mới chỉ có khoảng 20 ha với khoảng hơn 100 hộ trồng, tập trung ở những nơi có trình độ thâm canh cao như các xã Đoàn Thượng, Toàn Thắng, ngoài ra còn trồng rải rác ở xã Hồng Hưng, Gia Xuyên... Tuy nhiên, dưa KCN dễ mắc nhiều loại sâu bệnh hại như rệp chích hút, bọ trĩ, sâu vẽ bùa, nấm thân, lở cổ rễ, nứt thân, chảy nhựa… nên việc trồng, chăm sóc ngoài đồng ruộng khó hơn trồng trong nhà lưới. Chi phí đầu tư ban đầu cao cũng khiến nhiều nông dân e ngại khi trồng giống cây này. Hiện nay, giá giống dưa lê KCN khoảng 700.000 đồng/sào. Tính cả chi phí màng phủ ni-lông thì người dân phải đầu tư hơn 1 triệu đồng/sào, cao hơn trồng dưa lê, dưa hấu từ 2-3 lần.
Quan tâm hỗ trợ nông dân
Năm 2015, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) đã thực hiện đề tài khoa học xây dựng mô hình trồng dưa KCN tại huyện Gia Lộc vụ xuân hè và vụ hè thu. Ông Vũ Văn Tân, Phó Giám đốc trung tâm, Chủ nhiệm đề tài cho biết: "Đề tài được thực hiện với quy mô 1 ha tại 4 hộ dân ở thôn Hoàng Xá (xã Hồng Hưng); khảo sát 2 phương thức là trồng giàn và trồng bò để tìm ra cách trồng thích hợp nhất. Thực hiện đề tài, các hộ dân đã được hỗ trợ về chi phí, giống vốn cũng như kỹ thuật để trồng đạt hiệu quả cao nhất".
Đề tài đã đưa ra những thông tin hữu ích để nông dân áp dụng vào thực tế. Theo đó, đất trồng dưa là loại đất cát pha, cần tơi xốp, thoát nước tốt, tưới nước thuận lợi. Trước khi trồng, đất phải luân canh với lúa nước hoặc một số loại rau để cải tạo đất, phòng ngừa sâu bệnh. Mỗi cây chỉ nên giữ 1 quả để phát triển tốt, tỉa bớt lá để dưa được thông thoáng, quả có màu vàng đẹp. Phương thức trồng giàn cho năng suất cao hơn trồng bò do quả không tiếp xúc trực tiếp với màng che phủ mặt luống, nhận được ánh nắng đều nên quả ít bị thối hỏng, màu vàng đều đẹp hơn. Từ kinh nghiệm thực tế của các hộ dân, mật độ trồng chỉ từ 400-420 cây/sào mới cho quả to, đều từ 1,5-2,2 kg/quả và bán được giá cao.
Ông Lê Mạnh Hùng, một người dân ở thôn Hoàng Xá cho biết: “Vụ xuân hè vừa qua, tôi trồng 1,7 mẫu dưa lê KCN thu được kết quả tốt, năng suất đạt gần 1 tấn/sào. Với giá bán 13.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi thu lãi 9 triệu đồng/sào. Sau đó tôi phơi đất để tháng 7 âm lịch này tiếp tục tham gia đề tài, trồng dưa vụ hè thu”. Ngoài những hộ tham gia đề tài được hỗ trợ chi phí, nhiều nông dân đã tự đầu tư trồng giống dưa này. Ông Lê Thạc Oai ở thôn Lúa (xã Đoàn Thượng) cho biết: "Những năm trước tôi làm giàn tre, chi phí 1 triệu đồng/sào chỉ dùng được 1 năm. Năm ngoái tôi đầu tư làm giàn, khum che bằng sắt, dù chi phí tới 2 triệu đồng nhưng có thể dùng được từ 4-5 năm. Sau khi đầu tư làm giàn thì năng suất tăng lên rõ rệt, hiện nay gia đình tôi thu được từ 0,9-1 tấn/sào, quả to hơn nên bán được giá hơn, mỗi vụ thu lãi từ 7-10 triệu đồng/sào".
Để tiếp tục phát triển diện tích dưa KCN, người dân mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm hỗ trợ giống, kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả cây trồng. Ngoài ra, huyện Gia Lộc cần có quy hoạch để đưa giống dưa lê KCN vào đồng ruộng nhưng không nên mở rộng diện tích quá lớn để tránh tình trạng cung vượt cầu.
VIỆT QUỲNH