Nghề rèn - còn đâu thời vang bóng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:57, 24/08/2015

Nghề rèn từng là một nghề "ăn nên làm ra" của nhiều người, nhất là ở vùng nông thôn. Nhưng theo thời gian, nghề này đang bị mai một và có nguy cơ thất truyền.



Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thinh rèn dao

Thời vàng son

Từ 6 giờ sáng, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thinh ở thôn Duẩn Khê, xã Long Xuyên (Kinh Môn) đã đốt lò than đỏ rực. Theo ông Thinh, rèn phải làm thủ công thì sản phẩm mới sắc, nhọn chứ làm máy thì rất nhanh hỏng. Thế nên lâu nay vợ chồng ông Thinh vẫn miệt mài với nghề. Trước đây ở làng này có vài chục lò rèn. Ngày đó, nhiều người giàu lên vì nghề. Vừa đưa tay lau mồ hôi, ông Thinh vừa kể cho chúng tôi những gian truân, vất vả của nghề thợ rèn. "Tôi là đời thứ 5 được cha ông truyền lại cho nghề rèn. Đến nay đã hơn 35 năm tôi sống với nghề này. Trước kia, cụ tôi là người gốc Nam Định, mang nghề này sang Hải Dương sinh sống, sau đó mọi người trong gia đình đều được truyền nghề. Cụ tôi đã từng có xưởng rèn với 40 người làm thuê. Ngày xưa, nông nghiệp còn nhiều, người dân chủ yếu phụ thuộc vào con trâu, cái cuốc, cái cày", ông Thinh nói.

“Tôi có 2 con trai, đứa lớn thì đang công tác trên Hà Nội, đứa bé vừa tốt nghiệp đại học Hàng hải, giờ vợ chồng tôi đang lo xin việc cho cháu. Nghề rèn, hết đời tôi, e là bị thất truyền”.
Trước đây làm nhiều, ông Thinh còn phải thuê thêm 1-2 người đến phụ giúp, sau đó mang sản phẩm đi rao bán khắp nơi. Từng một thời "vàng son" nhưng đến thời của mình, ông Thinh chỉ nhớ sản phẩm rèn thịnh hành nhất vào khoảng năm 1996-1997. Trong ký ức của ông Thinh, khi nghề rèn còn nhiều người làm, làng xóm lúc nào cũng nhộn nhịp, tiếng mài dao, mài kéo cọ vào nhau nghe rất vui tai. Thời kỳ ấy, gia đình ông làm được 700.000-800.000 đồng/ngày, là hộ có kinh tế khá giả trong làng. Có nhiều hôm làm không hết việc, ông phải tranh thủ làm đêm để kịp giao hàng. Giờ thì khác xa. Với sức tiêu thụ như hiện nay, mỗi ngày vợ chồng ông chỉ làm được 5-6 con dao, sửa chữa được vài cái liềm, cái cuốc, thu nhập chả đáng là bao. Nhưng đây là nghề gia truyền nên ông Thinh không thể để mất. Với ông, nghề rèn không chỉ là một nghề nuôi sống cả gia đình, mà công việc này khiến ông luôn cảm thấy vui. Cũng chính vì có tay nghề, sản phẩm chất lượng nên ông được khách hàng xa gần tín nhiệm từ nhiều năm nay.

Khó duy trì



 Sản phẩm từ nghề rèn ngày càng ít đi


Rất lâu rồi, tôi không còn nghe thấy tiếng búa đập liên hồi lên thanh thép đỏ rực nữa. Cũng từ lâu, hình ảnh người thợ rèn lên lò đốt rất hiếm gặp. Nhiều người đã bỏ nghề rèn vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống hiện nay. Phải tìm rất lâu chúng tôi mới thấy vài nhà còn giữ lại nghề gia truyền này. Đến nay, quanh làng của ông Thinh chỉ còn 5-6 lò rèn, nhưng hầu hết đã dùng máy búa hỗ trợ, ít người còn làm thủ công. Ở thị tứ Đồng Gia, xã Đồng Gia (Kim Thành) cũng còn rất ít người thợ rèn còn giữ nghề. Ông Vũ Quang Mười, người đã 35 năm gắn bó với nghề rèn ở đây cho biết: "Làm nghề này cực kỳ vất vả. Trước kia chúng tôi làm nhiều, lấy hàng tấn than về để đốt lò, làm hết ngày này qua ngày khác mà không đủ hàng bán. Tôi là đời thứ tư làm nghề rèn, từ nhỏ đã được ông bà, bố mẹ dạy nghề. Trước đây, mỗi năm gia đình tôi làm và bán được hàng nghìn cái liềm, hàng trăm cái cuốc, con dao, cái cày, bừa. Nhưng nay tiêu thụ kém hẳn. Nếu như trước đây gia đình tôi chỉ làm một nghề rèn, thì nay còn phải làm thêm cả hàn xì mới bảo đảm cuộc sống". Do có ưu thế nhà nằm ở cạnh đường giao thông nên vợ chồng ông Mười rèn các sản phẩm rồi bày bán luôn, nhờ đó hàng hóa cũng tiêu thụ nhanh hơn. Giờ đây, gia đình ông Mười chỉ còn giữ lại một lò rèn nho nhỏ chứ không mở rộng như trước.

Thời buổi hiện đại, máy cấy có, máy gặt có, cái cày, cái bừa ngày càng ít đi. Người ta đã biết dùng công nghệ hiện đại sản xuất hàng loạt sản phẩm sắc nhọn bằng sắt, thép, khiến cho những sản phẩm thủ công từ rèn, đúc thất thế hẳn. Nghề rèn một thời thịnh hành và phát triển trong xã hội ta, nay do công nghiệp phát triển, những người thợ rèn thủ công khó duy trì nghề. Nghề rèn đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, sự khéo léo cũng như sự kiên trì và sáng tạo mới có thể cho ra lò những sản phẩm tinh xảo. Thế nhưng, khi lớp người cũ đã không còn gắn bó với nghề được nữa thì rất khó truyền nghề cho người trẻ kế nghiệp. Vì những người trẻ tuổi hiện nay đều muốn đi làm bên ngoài, vào các doanh nghiệp chứ không thích ngồi ở nhà làm nghề truyền thống. "Tôi có 2 con trai, đứa lớn thì đang công tác trên Hà Nội, đứa bé vừa tốt nghiệp Đại học Hàng hải, giờ vợ chồng tôi đang lo xin việc cho cháu. Nghề rèn, hết đời tôi, e là bị thất truyền", ông Mười ngậm ngùi.

Do yêu cầu của đời sống, rèn thủ công đã từng là một nghề hái ra tiền, nhưng nay chỉ còn "vang bóng một thời". Đó cũng là một quy luật tất yếu của cuộc sống, chứng tỏ sự đi lên của xã hội.

 MINH NGUYỆT