"Lục địa già" mở lòng

Bình luận - Ngày đăng : 08:09, 08/09/2015

Cái chết thương tâm của em bé 3 tuổi người Syria trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ mới đây dường như đã hồi tỉnh cả châu Âu và khiến họ mở lòng hơn trước làn sóng người nhập cư...



Hàng nghìn người nhập cư đã vào Đức sau khi chính phủ nước này quyết định mở cửa biên giới

Chào đón người tị nạn

Từ ngày 5 đến 7-9, bất chấp trời mưa, khoảng 15.000 người dân Thụy Điển đã tập trung ở Thủ đô Stockholm để chào đón dòng người tị nạn.

Nhắc lại hình ảnh cậu bé 3 tuổi người Syria, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ biến đau thương thành hành động và tất nhiên chúng ta phải hành động ngay lúc này. Liên minh châu Âu cần phải tăng đáng kể số người tị nạn mà khối này có thể tiếp nhận và Thụy Điển sẽ hoàn thành phần trách nhiệm của mình trong một cam kết như vậy”. Xét về tương quan dân số, Thụy Điển tiếp nhận số người xin tị nạn đông hơn bất cứ quốc gia châu Âu nào và điều này khiến đất nước này trở thành một trong những đích đến của nhiều người nhập cư.

Tại Áo, người dân cũng mang theo hoa quả, bánh kẹo, thực phẩm, nước uống để chào đón những người nhập cư đến đây sau nhiều ngày bị mắc kẹt ở Hungary.

Đến thời điểm này, Đức là quốc gia trong liên minh châu Âu (EU) trách nhiệm cao nhất với làn sóng người di cư. Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã quyết định mở cửa biên giới đón người di cư. Theo thông tin từ cảnh sát Đức, riêng trong ngày 6-9, khoảng 8.000 người di cư đã vào biên giới nước này. Ga đường sắt Munich đã đón khoảng 6.800 người. Những người này sau đó được đưa lên xe bus để tới các khu nhà ở tạm thời đặt tại các tòa nhà công cộng, các khách sạn và doanh trại. Hàng trăm người Đức đã tập trung để giúp đỡ những người mới đến. Tại nhà ga Frankfurt, thực phẩm, nước uống và quần áo được chuẩn bị sẵn cho những người tị nạn.

Nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức) số ra ngày 7-9 ước tính chi phí của Đức tiếp nhận người tị nạn vào khoảng 10 tỷ euro (11 tỷ USD) trong năm nay, gấp 4 lần con số nước này đã tiêu tốn để thu xếp 203.000 người nhập cư trong năm ngoái. Berlin dự kiến ngân sách khoảng 5,6 tỷ euro để hỗ trợ cho 450.000 người tị nạn. Tuy nhiên, lượng người tị nạn đổ vào Đức năm nay ước tính tăng lên con số kỷ lục khoảng 800.000 người. Các chính quyền địa phương dự kiến phải chi khoảng 12.000-13.000 euro cho mỗi người tị nạn, bao gồm chi phí ăn ở và chăm sóc y tế trong thời gian chờ đơn xin tị nạn được giải quyết và hỗ trợ mỗi tháng 143 euro/người.

Mặc dù không bị tác động nhiều bởi làn sóng người di cư, kể cả thời điểm Hungary đóng cửa biên giới và Macedonia tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới với Hy Lạp, Ngoại trưởng Slovenia Karl Erjavec tuyên bố quốc gia này sẵn sàng tiếp nhận tối đa 2.000 người nhập cư và không phản đối các hạn ngạch phân bổ người nhập cư theo yêu cầu của EU. Cùng ngày, chính phủ Anh tuyên bố sẽ tiếp nhận 15.000 người tị nạn Syria.

Không thuộc EU nhưng Thủ tướng Australia Tony Abbott cũng khẳng định sẽ từng bước tăng tiếp nhận số người tị nạn từ Syria. Theo ông Abbott, trong năm tài chính vừa qua, Australia đã cho định cư hơn 4.400 người từ Syria, Iraq và dự kiến tăng số người tiếp nhận từ 13.750 đến 18.750 vào năm 2018. Ông Abbott cho hay Bộ trưởng Nhập cư Australia Peter Dutton tối 6-9 đã lên đường sang Geneva để thảo luận với Liên hợp quốc cách thức mà chính phủ Australia có thể hỗ trợ trong cuộc khủng hoảng di cư hiện nay ở châu Âu.

Cần kế hoạch dài hơi

Ngày 6-9, Thủ tướng Áo Werner Faymann kêu gọi EU tổ chức cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng người di cư, đồng thời cho rằng các biện pháp hỗ trợ mà Vienna đang tiến hành hiện nay chỉ mang tính tạm thời.

Thủ tướng Anh Cameron cho biết sẽ phát động chiến dịch quân sự nhằm đập tan các tay súng thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các tổ chức buôn người - một phần nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng di cư trở nên trầm trọng. Còn theo Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne, một phần ngân sách viện trợ nước ngoài của Anh, tương đương 0,7% tổng sản phẩm quốc nội sẽ được sử dụng để giúp chi trả những chi phí trong việc tiếp nhận người di cư từ Syria. Ông Osborne cũng nói thêm rằng Anh đã tăng ngân sách viện trợ nước ngoài và ngân sách này có thể dùng để hỗ trợ trong năm đầu tiên cho những người nhập cư. Ngân sách này cũng có thể dùng để giúp các chính quyền địa phương trang trải chi phí nhà ở cho người tị nạn.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao tạm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ Feridun Sinirlioglu cũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chia sẻ trách nhiệm trong việc cung cấp viện trợ cho người tị nạn Syria. Ông Sinirlioglu cho biết đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã chi tới 6 tỷ USD cho các chương trình dành cho người tị nạn Syria, trong khi con số này của cộng động quốc tế chỉ là 417 triệu USD.

PHƯƠNG LINH (tổng hợp)


Liên minh cầm quyền Đức rạn nứt vì chính sách nhập cư

Tờ Bild am Sonntag số ra ngày 6-9 đưa tin Đảng xã hội Cơ đốc giáo (CSU) trong liên minh cầm quyền của Đức cho rằng Thủ tướng Angela Merkel đã có quyết định không đúng đắn khi đồng ý để nước này tiếp nhận người tị nạn. Tại một hội nghị của CSU diễn ra trước đó, các thành viên đảng này đã nhất trí quan điểm coi việc cho phép người tị nạn nhập cảnh vào Đức là "một bước đi sai lệch của chính phủ".

Bộ trưởng Nội vụ bang Bavaria Joachim Herrmann (thuộc CSU) cũng chỉ trích chính sách nhập cư của chính quyền trung ương. Theo ông Herrmann, quyết định cho phép người tị nạn từ Hungary đến Đức đã không được thông qua với chính quyền các bang.