Khai thác hạ tầng vùng rau an toàn chưa hiệu quả

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 18:27, 22/09/2015

Thực tế hạ tầng vùng rau hiện nay chưa được khai thác hiệu quả, thậm chí lãng phí, đòi hỏi ngành nông nghiệp nhanh chóng tìm ra giải pháp để sử dụng hiệu quả.

Năm 2012, Dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP) đã lựa chọn 4 xã gồm: Phạm Kha (Thanh Miện), Phạm Trấn (Gia Lộc), Thanh Xá (Thanh Hà) và Hiến Thành (Kinh Môn) để xây dựng vùng sản xuất rau và vải an toàn. Dự án được triển khai bài bản theo quy trình khép kín với mục tiêu giúp cho rau an toàn có cơ hội khẳng định chất lượng và thương hiệu trên thị trường. 3 năm đã trôi qua nhưng hiện nay một số vùng rau an toàn vẫn chưa phát huy được hiệu quả sản xuất như mong muốn.

Hạ tầng đồng bộ



Do nông sản ở vùng được hưởng lợi từ dự án QSEAP vẫn bí đầu ra nên nông dân không đưa rau vào nhà sơ chế


Năm 2013, vùng sản xuất rau an toàn (RAT) xã Phạm Trấn (Gia Lộc) được xây dựng với tổng diện tích 27 ha ở thôn Nam Cầu. Trước khi xây dựng, hơn 200 hộ dân trồng RAT đều được Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn và được cấp chứng nhận trồng rau theo mô hình VietGAP. Vùng sản xuất RAT này còn được tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí 13 tỷ đồng để kiên cố kênh mương phục vụ tưới tiêu, xây dựng 2,8 km đường giao thông nội đồng và nhà sơ chế. Chị Nguyễn Thị Hiền, hộ tham gia trồng RAT cho biết: "Dự án đã đầu tư làm đường ra đồng, kiên cố kênh mương tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân sản xuất. Việc vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn trước".

Cách xã Phạm Trấn không xa là vùng sản xuất RAT của xã Phạm Kha (Thanh Miện). Năm 2013, dự án QSEAP đã đầu tư gần 15 tỷ đồng để xây dựng khu nhà sơ chế RAT ở thôn Đỗ Hạ, làm đường ra đồng và kiên cố kênh mương. Năm 2014, các công trình này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Theo Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mục tiêu của dự án này là xây dựng 5 vùng sản xuất rau, vải thiều an toàn với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ. Nhận thức của người dân về sản xuất nông sản an toàn được nâng lên. Qua đó, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường và tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều địa phương một số hạng mục của công trình vẫn chưa được sử dụng hiệu quả như mục tiêu của dự án.

Nhà sơ chế bỏ không

Nhà sơ chế là một trong những hạng mục quan trọng và có vốn đầu tư lớn của dự án nhưng lại chưa được nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả. Anh Phùng Văn Ba ở đội 5, thôn Nam Cầu cho biết: "Dự án đã giúp chúng tôi có đường bê tông ra đồng để sản xuất thuận lợi. Kênh mương được kiên cố cũng giúp việc tưới, tiêu dễ dàng hơn. Duy chỉ có mỗi nhà sơ chế là chúng tôi chưa biết sử dụng để làm gì. Đến vụ thu hoạch, tư thương thu mua rau ngay tại ruộng thì cần gì phải mang vào nhà sơ chế cho mất công".



Nhà sơ chế vải thiều an toàn ở xã Thanh Xá (Thanh Hà) vẫn cửa đóng, then cài


Nhà sơ chế RAT của xã Phạm Kha (Thanh Miện) và vải an toàn ở Thanh Xá (Thanh Hà) hiện cũng trong tình cảnh cửa đóng then cài. Ông Nguyễn Văn Tú, đầu mối thu mua vải thiều ở xã Thanh Xá cho biết: "Nhà sơ chế đặt ngay gần khu đồng trồng vải, nông dân đến đây sơ chế vải không mất chi phí thuê mặt bằng nhưng vụ vải vừa rồi nhà sơ chế vẫn bỏ không. Nguyên nhân cũng dễ hiểu bởi đường vào nhà sơ chế nhỏ hẹp, xe container không thể vào để lấy hàng. Do đó nhiều người mang vải ra ngoài đường lớn vừa sơ chế, vừa đóng gói để thuận tiện cho việc giới thiệu sản phẩm và vận chuyển hàng lên container".

Một nguyên nhân khác khiến nhà sơ chế chưa phát huy được tác dụng do các địa phương vẫn chưa xây dựng được mô hình sản xuất RAT khép kín như mục tiêu đầu tư của dự án. Bởi lẽ để tận dụng được nhà sơ chế, phải có cá nhân hoặc tập thể đứng ra làm đầu mối thu mua và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Trong quá trình này, đơn vị đó có thể tận dụng nhà sơ chế để làm nơi tập kết, sơ chế, bảo quản và đóng gói nông sản theo một quy trình khép kín trước khi đưa đi tiêu thụ. Tuy nhiên, thực tế để làm được việc này cũng không dễ bởi mối liên kết "4 nhà", thậm chí "2 nhà" hiện nay còn lỏng lẻo. Lợi ích giữa các bên chưa hài hòa thì khó có thể liên kết chặt chẽ để phát huy hiệu quả của nhà sơ chế.

Bên cạnh đó, hiện nay RAT vẫn chưa xây dựng được thương hiệu và bí đầu ra nên người dân cũng chẳng mặn mà với việc sơ chế, đóng gói. Chị Nguyễn Thị Nga ở thôn Đỗ Hạ, xã Phạm Kha băn khoăn: "Hiện nay, RAT chủ yếu bán đại trà như rau thường chứ chưa được đưa vào bán ở siêu thị hay hệ thống cửa hàng hiện đại nên cũng không cần phải sơ chế, đóng gói. Mang rau vào nhà đó để sơ chế, đóng gói nhưng giá bán cũng chẳng hơn rau được trồng theo quy trình thông thường thì chúng tôi vào đó làm gì cho mất công. Nếu doanh nghiệp hoặc HTX dịch vụ nông nghiệp đứng ra thu mua nông sản đã qua sơ chế với giá cao hơn hẳn giá nông sản thông thường nông dân vẫn bán tại ruộng thì chúng tôi sẵn sàng làm".

Ông Phạm Bá Đang, Bí thư Đảng ủy xã Phạm Trấn cho biết: “Hiện nay, RAT của xã đều do nông dân tự bán nhỏ lẻ cho tư thương. Xã chưa có doanh nghiệp lớn đứng ra thu mua, thương hiệu sản phẩm cũng chưa có nên việc đóng gói, sơ chế không được các hộ dân quan tâm. Mặt khác, hiện nay khu nhà sơ chế cũng chưa được trang bị kho lạnh, có mang nông sản vào đây thì cũng không bảo quản được nên nhà sơ chế vẫn bỏ không".

Rõ ràng mục tiêu của dự án QSEAP là giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, xây dựng những vùng chuyên canh nông sản an toàn quy mô lớn. Trên cơ sở đó, giúp nông sản Hải Dương đưa vào bán tại hệ thống siêu thị và hướng đến xuất khẩu. Nhưng thực tế hạ tầng vùng rau hiện nay chưa được khai thác hiệu quả, thậm chí lãng phí, đòi hỏi ngành nông nghiệp cũng như các địa phương nhanh chóng tìm ra giải pháp để sử dụng hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, giá trị nông sản.

HIỀN ANH