Cơ sở vật chất trường lớp còn nhiều khó khăn
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 08:04, 23/09/2015
Năm học mới đã bắt đầu nhưng cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp ở huyện Tứ Kỳ vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học.
Nhiều trường học trên địa bàn huyện Tứ Kỳ xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp nghiêm trọng.
Trong ảnh: Phòng thiết bị - đồ dùng của Trường Tiểu học Phượng Kỳ
Trường Mầm non Nguyên Giáp là một ví dụ. Cô giáo Đỗ Thị Lý, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Xã đã quy hoạch được diện tích xây dựng điểm trường mầm non tập trung rộng 4.000 m2 từ nhiều năm nay, nhưng vì chưa có kinh phí nên không thể triển khai xây dựng. Hiện nay giáo viên, học sinh của trường phải giảng dạy, học tập phân tán ở 6 điểm trường với hệ thống cơ sở vật chất cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng. Năm học mới này, trường vẫn phải mượn 1 nhà dân và 4 nhà văn hóa thôn để làm văn phòng và nơi học tập cho trẻ".
Trong 6 điểm trường mầm non hiện nay ở xã Nguyên Giáp, duy chỉ có điểm trường tại thôn An Thổ có đủ diện tích nhưng vẫn thiếu phòng học. Nhà trường phải ngăn đôi căn phòng 48 m2 làm nơi học tập cho 1 lớp nhà trẻ và 1 lớp mẫu giáo 3 tuổi. Riêng các cháu lớp 5 tuổi thì học nhờ ở nhà văn hóa thôn. Tại điểm trường thôn An Quý, vì thiếu phòng học nên nhà trường phải lợp tôn ngoài sân và hàn sắt xung quanh để làm nơi học tập cho trẻ. Cô giáo Bùi Thị Toàn làm nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ tại điểm trường này cho biết: "Những hôm trời nắng, mồ hôi cô và trò nhễ nhại, việc chăm sóc, giáo dục trẻ gặp khó khăn. Phụ huynh các bé không yên tâm về chất lượng giáo dục". Các điểm trường mầm non còn lại ở xã Nguyên Giáp cũng đều xây dựng cách đây vài chục năm, phòng học chật chội, dột nát, xuống cấp và không bảo đảm yêu cầu. Việc học nhờ ở nhà văn hóa thôn và nhà dân cũng rất bất tiện, chật chội, thiếu thốn trang thiết bị. Mỗi khi các thôn có hội họp thì giáo viên và học sinh phải tạm di chuyển ra chỗ khác.
CSVC ở Trường Tiểu học xã Phượng Kỳ cũng trong tình cảnh thiếu thốn và xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay. Trường phân tán thành hai điểm học. Điểm trường chính có 10 phòng học nhưng không có bất kỳ một phòng chức năng nào. Nhà trường phải tận dụng hai nhà cấp 4 xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước để làm phòng thiết bị đồ dùng, phòng Đoàn, Đội, y tế và phòng nghệ thuật. Điểm trường phụ nằm ở thôn Tứ Kỳ Hạ, cách điểm trường chính gần 1 km. Ở đây có một dãy nhà mái bằng 4 phòng học được xây dựng từ năm 1970 đang xuống cấp nghiêm trọng. Thầy giáo Phạm Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phượng Kỳ than thở: "Chúng tôi chỉ dám cho học sinh học tập tại 2 trong tổng số 4 phòng học ở điểm trường này, vì tường, dầm xà và mái các phòng học bị bong tróc, nứt toác khắp nơi, rất nguy hiểm. Sân chơi ở điểm trường này đã bị hỏng, xung quanh còn có 2 cái ao, mỗi khi trời mưa nước ngập đến tận bậc lớp học. Học sinh thiếu sân chơi và phải học tập trong điều kiện không an toàn".
Trường THCS Đông Kỳ hiện vẫn còn một dãy nhà cấp 4 xây dựng cách đây 45 năm, hiện đã xuống cấp trầm trọng, tường bong tróc, mái bị nứt, không bảo đảm điều kiện học tập. Ngoài ra, trường còn một dãy nhà lớp học 2 tầng xây dựng từ năm 1990 cũng bị xuống cấp, mái, dầm xà bị nứt, thấm nước. Trường chỉ có đủ phòng học cho học sinh, không có phòng chức năng. Phó hiệu trưởng nhà trường và các bộ phận kế toán, văn thư, y tế học đường phải làm việc chung trong kho chứa sách rộng khoảng 10 m2.
Từ năm 2010 đến nay, huyện Tứ Kỳ đã huy động mọi nguồn lực đầu tư trên 176 tỷ đồng tăng cường CSVC cho các trường học. Nhiều trường tiểu học và THCS đã được xây mới, một số trường mầm non cũng được xây dựng theo quy mô tập trung như: An Thanh, Quang Trung, Minh Đức, Tái Sơn... Mặc dù nguồn vốn đầu tư cho giáo dục là khá lớn nhưng so với thực tế thì vẫn thiếu rất nhiều. Hiện nay, không ít công trình nhà lớp học ở nhiều địa phương vẫn đang xây dựng dở dang, khoảng 20 trường mầm non đã quy hoạch được diện tích đất xây dựng điểm trường tập trung nhưng chưa thi công được do chưa có kinh phí. Tại nhiều trường học, CSVC thiếu thốn, chật hẹp, xuống cấp, bố trí tạm bợ và không bảo đảm an toàn như: Trường Mầm non Phượng Kỳ phải tận dụng hành lang nhà lớp học và bếp ăn bán trú để cho bộ phận kế toán, giáo viên làm việc. Toàn huyện thiếu hơn 30 phòng học; các phòng bộ môn và phòng chức năng cũng còn thiếu nhiều. Ông Trần Văn Khái, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: "CSVC trường lớp ở Tứ Kỳ được đánh giá yếu kém nhất tỉnh. Những năm gần đây, các cấp luôn quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, nhưng vì kinh tế suy giảm nên nguồn vốn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Ở các xã, thị trấn, kinh phí dành cho sự nghiệp giáo dục chủ yếu dựa vào việc đấu giá quyền sử dụng đất, đất bán chậm nên không có kinh phí để xây dựng, nâng cấp các trường học...".
CSVC yếu kém không chỉ ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh mà còn khiến huyện chưa đạt được mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia. Giai đoạn 2010-2015, huyện chỉ có 6 trường học đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia, trong khi mục tiêu đầu nhiệm kỳ đưa ra là phấn đấu có thêm 29 trường, chỉ đạt 20,7% kế hoạch.
BÌNH MINH