Lỏng lẻo quản lý tài chính công đoàn cơ sở

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 09:06, 23/09/2015

Việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn ở cơ sở còn nhiều sai sót, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động...




Liên đoàn Lao động tỉnh tập huấn kỹ năng tư vấn pháp luật và sử dụng tài chính công đoàn cho cán bộ công đoàn các cấp


Nhiều vi phạm

Anh Vũ Văn Bính vào làm cho một công ty cơ khí tư nhân ở TP Hải Dương có khoảng 100 công nhân lao động đã hơn 4 năm nay. Theo anh Bính thì anh là một trong những công nhân có thâm niên cao nhất ở công ty. Chính vì vậy, mọi hoạt động của công đoàn từ trước đến giờ anh đều nắm rất rõ. Anh Bính cho biết: "Chưa năm nào công đoàn tổ chức các cuộc họp tổng kết đánh giá và công khai các khoản thu, chi cho hoạt động công đoàn trước toàn thể công nhân. Hằng năm, chỉ có dịp Tết Trung thu là chúng tôi được công đoàn tặng một cặp bánh, còn lại vào các ngày lễ, Tết khác chúng tôi không nhận được bất kỳ món quà nào. Trước đây chưa thành lập công đoàn, mỗi khi công nhân chúng tôi bị tai nạn nhẹ trong quá trình làm việc đều được công ty hỗ trợ tiền băng bó. Nhưng khi đã có tổ chức công đoàn thì chủ sử dụng lại thỏa thuận với công đoàn chỉ có công đoàn hỗ trợ, còn công ty sẽ cắt giảm khoản chi phí trên. Biết rõ điều này là thiệt thòi cho công nhân nhưng công đoàn vẫn làm nên chúng tôi rất bức xúc. Tôi được biết theo quy định, công đoàn phải dành kinh phí chi cho các hoạt động phong trào. Tuy nhiên, ở chỗ tôi làm chưa bao giờ công đoàn tổ chức bất kỳ một hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nào cho người lao động tham gia. Về phần chi hỗ trợ, theo quy định của công đoàn công ty, mỗi công nhân lập gia đình hoặc sinh con sẽ được hỗ trợ một khoản tiền nhất định. Tuy nhiên, nhiều khi công nhân có việc kể trên nhưng cũng phải đến nửa năm sau nhắc công đoàn mới thanh toán".

Những sai sót, vi phạm trong quản lý và sử dụng tài chính công đoàn ở cơ sở (CĐCS) không phải là cá biệt. Theo Ủy ban Kiểm tra Liên đoàn Lao động (UBKT LĐLĐ) tỉnh, trong 6 tháng đầu năm nay, UBKT công đoàn các cấp đã tiến hành 625 cuộc kiểm tra về việc thu, sử dụng, quản lý tài chính, tài sản công đoàn, trong đó có 383 cuộc kiểm tra đồng cấp và 242 cuộc kiểm tra cấp dưới. Kết quả kiểm tra cho thấy, công tác quản lý tài chính công đoàn ở một số nơi vẫn còn nhiều hạn chế, vi phạm. Việc trích nộp kinh phí công đoàn chưa đủ 2% quỹ tiền lương (căn cứ theo mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động) ở một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng, vẫn còn tình trạng nộp chậm, thất thu kinh phí, đoàn phí công đoàn, nhất là ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Cùng thời điểm trên, UBKT công đoàn các cấp đã kiến nghị truy thu nộp bổ sung từ những đơn vị vi phạm số tiền hơn 1,23 tỷ đồng. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng một số CĐCS chi chưa đúng với quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh như: chi nhiều tiền cho việc tổ chức hội nghị, chi tham quan du lịch vượt tỷ lệ... Công tác kế toán tài chính ở một số CĐCS còn nhiều thiếu sót, như chưa mở sổ sách kế toán ghi cụ thể các mục thu chi, chưa vào sổ kịp thời các khoản thu chi của công đoàn, chứng từ chi chưa đúng nội dung, thiếu thủ tục, còn vào lẫn mục chi, không báo cáo dự toán và quyết toán ngân sách công đoàn với công đoàn cấp trên. Các Công ty TNHH: Nam Yang Delta, Nam Lee International, PNG Việt Nam, Sao Vàng, Quốc tế Đông Tài, Vietory, Quốc tế Jaguar... là những đơn vị đã từng vi phạm một trong những lỗi trên. Trong tháng 8 vừa qua, sau khi kiểm tra, UBKT LĐLĐ tỉnh cũng đã phát hiện CĐCS Công ty TNHH Shints - BVT thực hiện ký kết hợp đồng mua dầu ăn và tạm ứng tiền không đúng quy định làm thất thoát nguồn quỹ công đoàn.



Sử dụng tài chính công đoàn đúng mục đích, hiệu quả thì quyền lợi của người lao động sẽ được đáp ứng đầy đủ


Cần kiểm tra, xử lý

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc quản lý và sử dụng tài chính CĐCS hạn chế. Theo ông Nguyễn Văn Nam, Chủ nhiệm UBKT LĐLĐ tỉnh thì trước hết do cán bộ CĐCS, đặc biệt là cán bộ công đoàn ở các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước hầu hết là kiêm nhiệm. Họ chỉ được tiếp cận công việc thông qua các hướng dẫn của cấp trên chứ chưa được đào tạo về nghiệp vụ công đoàn một cách bài bản, chưa hiểu đúng, đầy đủ và kịp thời. Cán bộ làm công tác tài chính CĐCS do Ban Chấp hành công đoàn công ty cử hoặc được bầu ra do sự tín nhiệm của công nhân. Những người này nếu không làm ở bộ phận tài chính của công ty thì sẽ rất khó trong việc quản lý thu chi tài chính, dễ gây ra nhầm lẫn, sai sót, thậm chí là làm thất thoát nguồn quỹ. Ngoài ra, lực lượng cán bộ CĐCS cũng thường xuyên biến động. Vì vậy, có tình trạng Ban Chấp hành CĐCS  liên tục phải thay đổi người làm công tác kế toán công đoàn. Thường thì những người mới tiếp nhận nếu không am hiểu công việc cũng dễ gây ra sai sót...

Tài chính CĐCS được tính theo các nguồn thu chính là mức đoàn phí công đoàn của người lao động theo quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam và kinh phí công đoàn do đơn vị đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Các khoản thu này sau khi trích nộp vào ngân sách công đoàn cấp trên theo quy định, phần còn lại CĐCS sẽ giữ để chi cho các hoạt động công đoàn. Trong đó, ngoài phần nhỏ chi phụ cấp cho cán bộ công đoàn, thì còn lại chủ yếu tập trung cho các hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho họ. Chính vì có ý nghĩa hết sức quan trọng như vậy nên việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn cần được bảo đảm đúng quy định, đặc biệt là tránh thất thoát để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Để tài chính CĐCS được sử dụng đúng và hiệu quả, không có sai sót, vi phạm thì các công đoàn cấp trên cần tăng cường kiểm tra. Khi phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm và yêu cầu đơn vị kịp thời khắc phục. Đồng thời cần thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể về lĩnh vực này; định hướng cho các CĐCS lựa chọn cán bộ làm công tác tài chính công đoàn, bảo đảm có chuyên môn nghiệp vụ. Các doanh nghiệp cần hợp tác, tạo điều kiện trong việc phân công cán bộ hỗ trợ công đoàn. Những cán bộ mới tiếp nhận công việc kế toán công đoàn hoặc thiếu kinh nghiệm cần tăng cường học hỏi nâng cao trình độ, nếu còn vướng mắc có thể nhờ công đoàn cấp trên can thiệp...

- Tài chính CĐCS là một bộ phận của tài chính công đoàn, được sử dụng cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm và duy trì hoạt động của CĐCS theo quy định của Luật Công đoàn và Tổng LĐLĐ Việt Nam. CĐCS phải thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu theo phân cấp; chi đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, thực hiện chế độ quản lý theo quy định của Nhà nước và quy định của Tổng Liên đoàn.

- CĐCS, cán bộ, đoàn viên công đoàn khi vi phạm trong việc thu, chi, quản lý tài chính công đoàn tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

(Nguồn: Quyết định Số 272/QĐ-TLĐ ngày 7-3-2014 của Tổng LĐLĐ Việt Nam)


PV