Giúp trẻ viết văn tốt hơn
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 17:37, 24/09/2015
Đó là khi các em không viết hoặc không biết viết theo cảm nhận của mình mà chỉ dập khuôn theo một mẫu sẵn có, gây sự nhàm chán cho chính người viết và cả người đọc. Viết văn theo khuôn mẫu đánh mất khả năng tư duy và sáng tạo, khiến các em không nhận thức được vẻ đẹp của thế giới xung quanh. Nguy hiểm hơn là lâu dần sẽ làm các em thụ động, ỷ lại vào những bài văn mẫu sẵn có.
Vì vậy khá nhiều “bài văn đặc biệt” đã ra đời với những câu văn kiểu như: “Nhà em có nuôi một ông nội; nhà em có trồng một cây chuối, mỗi lần trèo lên em thấy tàu lá rung rinh; nhà em có nuôi một con trâu, mỗi khi thấy em đi học về nó mừng quýnh, vẫy đuôi ra chào”... và cũng có nhiều bài văn mẫu dập khuôn chép từ các sách “văn mẫu”, tài liệu tham khảo khiến nhiều cha mẹ, thầy cô thất vọng.
Bài văn thường là những cảm nhận từ tác giả. Chính vì thế, một em học sinh suốt ngày đóng cửa ngồi trong nhà cầm bút sẽ không bao giờ cho ra các câu, đoạn cũng như bài văn hay, mang hơi thở cuộc sống. Bởi em học sinh đó không có đối tượng, không gian, thời gian để quan sát, cảm nhận sự vật, sự việc, hiện tượng.
Chính vì thế, thay vì bắt con ngồi trau dồi vốn từ ở các lớp học thêm, hay tìm cảm xúc qua song cửa sổ, cha mẹ học sinh cần hướng và cho con em mình tham gia các hoạt động ngoại khóa, vui chơi, dã ngoại. Trong các buổi đi chơi, cha mẹ học sinh cần chú ý hướng dẫn con mình quan sát. Nếu như đứa trẻ được người lớn chỉ cho xem con trâu, con ngựa, phân biệt màu sắc, hình dạng, tập tính sinh hoạt của con vật thì học sinh sẽ đam mê hứng thú hơn, sẽ quan sát và phát hiện ra nhiều điều thú vị hơn cả sự tưởng tượng của cha mẹ. Nếu như những đám mây được mẹ bình phẩm như đám bông xôm xốp thì bé sẽ còn phát hiện ra vô khối hình thù thú vị khác như hình con chó bông, hình con rồng, hình bóng bay. Nếu như hình ảnh vội vã, tấp nập của cổng trường giờ tan học được mẹ chỉ dạy thêm thì bé sẽ còn phát hiện ra nét ưu tư hoặc hớn hở trên từng gương mặt của các bạn học sinh, của các bác phụ huynh… Với cây bút và tờ giấy trắng của mình, bé sẽ ghi lại những cảm nhận đó mà không một cuốn sách hay người nào dạy được.
Ngoài ra, hướng các con vào việc đọc sách, báo cũng là một việc mà cha mẹ cũng như giáo viên cần rèn. Khi đến trường, phụ huynh và giáo viên giới thiệu, định hướng cho con tới thư viện đọc các loại sách, báo vào giờ giải lao. Giới thiệu cho con những cuốn sách văn chương phù hợp với lứa tuổi như "Dế mèn phiêu lưu ký", "Kính vạn hoa"... cũng là cách để con học viết văn. Ngoài ra, phụ huynh cần hướng dẫn con sau khi đọc sách có thể ghi lại cảm nghĩ của mình vào một cuốn sổ tay để làm tư liệu sau này.
Việc rèn luyện kỹ năng viết văn cho trẻ, đặc biệt ở bậc tiểu học, là một quá trình lâu dài, cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Điều này cũng phụ thuộc vào khả năng của học sinh đó, kết hợp với những lời giảng trên lớp của thầy cô. Việc hướng các em hình thành kỹ năng viết văn chính là giáo dục tính trung thực, kỹ năng giao tiếp, cảm nhận xung quanh cho trẻ. Có một điều quan trọng nữa mà các bậc phụ huynh nên nhớ là cần bắt đầu hướng việc đọc của con em từ những cuốn sách mỏng để trẻ đỡ nản, dần dần trẻ sẽ đam mê đọc sách hơn các trò chơi điện tử.
PHẠM LƯƠNG THIỆN(Ninh Giang)