Cân bằng trong đổi mới giáo dục học sinh
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 18:49, 26/09/2015
Hiện nay, chúng ta đang thực hiện đổi mới giáo dục. Như mục tiêu của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo đã nêu: Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Để đạt được mục tiêu trên, chúng ta phải tiến hành đồng bộ bốn vấn đề cơ bản, đó là giáo dục thể chất, tinh thần, trí tuệ và quan hệ xã hội - tình cảm cho các em.
Trước hết, nói về việc rèn luyện thể chất cho học sinh, tức là tạo cho các em có được sức khỏe dồi dào, thân hình cân đối, thể lực cường tráng, thể hiện ở các phẩm chất: sức chịu đựng, sự dẻo dai và sức mạnh. Điều này được hình thành chủ yếu thông qua môn học giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng trong chương trình đào tạo của nhà trường. Sức chịu đựng có được khi các em thực hiện những bài tập thể dục tay chân, làm tăng hiệu quả hoạt động của hệ tim mạch. Sự dẻo dai có được nhờ các bài tập co giãn. Sức mạnh có được là nhờ luyện tập sức bền của cơ bắp. Khởi động trước khi tiến hành một hoạt động và thư giãn sau khi đã hoàn thành là một nguyên tắc cần được áp dụng đều đặn trong các hoạt động giáo dục thể chất của nhà trường. Sức khỏe là tiền đề của mọi sự phát triển. Có sức khỏe tốt, học sinh sẽ thực hiện các hoạt động khác một cách dễ dàng, củng cố và mở rộng được tầm nhìn về cuộc sống, tăng tính chủ động trong học tập. Thực tế hiện nay có nhiều học sinh chưa có ý thức tự giác, chưa tích cực học các môn giáo dục thể chất và quốc phòng, dẫn đến thái độ coi thường, lẩn tránh, thờ ơ, đại khái khi học các môn này. Nguyên nhân chủ yếu là vì các em chưa nhận thức được đầy đủ lợi ích của môn học; giáo viên quản lý học sinh trong giờ học chưa chặt chẽ...
Còn sự quan tâm giáo dục tinh thần là nhằm định hướng đầy đủ hơn cho các em trong sự lựa chọn lý tưởng cần phấn đấu, phương pháp cần thực hiện để đạt được những hoài bão, ước mơ mong muốn. Quan tâm giáo dục tinh thần cho học sinh, chúng ta cần chỉ dẫn cho các em việc xác định động cơ hoạt động mạnh mẽ, đúng đắn, vì động cơ lệch lạc, sai trái sẽ dẫn đến sự hủy hoại nhân cách. Cần khuyến khích học sinh dành nhiều thời gian suy nghĩ về những nhiệm vụ trọng tâm, về ý nghĩa tươi sáng của việc học, khi đó các em sẽ quyết tâm hơn. Lâu nay, hạn chế trong việc giáo dục tinh thần cho học sinh là còn nặng về triết lý, thuyết giáo, chưa tổ chức được nhiều hoạt động mang lại những lợi ích thiết thực cho từng lứa tuổi học sinh, do đó hiệu quả không cao.
Trí tuệ học sinh phát triển đến mức độ nào đa phần phụ thuộc vào việc lĩnh hội kiến thức thông qua chương trình giáo dục của nhà trường ở từng cấp học. Bởi thế, chúng ta cần tiến hành đổi mới đồng bộ phương pháp dạy và học ở tất cả các môn học trong nhà trường các cấp, nhằm hình thành cho học sinh phương pháp học tập đúng để có thể phát huy được các tiềm năng sẵn có của các em, chuyển nó thành những năng lực thực tiễn để vận dụng vào cuộc sống hằng ngày. Có nhiều biện pháp khác nhau để nâng cao phẩm chất trí tuệ cho học sinh, nhưng trong đó đọc sách là cách tốt nhất để tăng cường và mở rộng sự hiểu biết. Những cuốn sách có giá trị luôn là cẩm nang cho các em nâng cao nhận thức về văn hóa, đổi mới tinh thần và thanh lọc tâm hồn.
Xây dựng quan hệ xã hội và tình cảm cho học sinh là một vấn đề quan trọng, vì niềm vui đích thực trong cuộc sống của mỗi người chỉ có được khi biết sống vì mọi người, khi trở thành một phần của xã hội. Chúng ta cần giáo dục để học sinh nhận thức sâu sắc rằng: bản chất của con người là sự tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Vì thế, nhân cách của các em được định hình và phát triển một phần quan trọng là do những nhận xét, góp ý, đánh giá của những người xung quanh. Cần hình thành cho học sinh đức tính vị tha, rộng lượng trong quan hệ với mọi người, cần vui vẻ, hài lòng và thân thiện với bạn bè, có giải pháp để dắt tay nhau cùng tiến bộ. Mặt khác, cần đề phòng, khắc phục tư tưởng ích kỷ, hẹp hòi nảy sinh trong học sinh. Vì tư tưởng hẹp hòi sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc chia sẻ thành công, uy tín và lợi ích.
Mỗi mặt có một vị trí, ý nghĩa nhất định, nhưng chúng chỉ phát huy được hiệu quả tối ưu trong đổi mới giáo dục khi chúng ta xử lý một cách cân bằng, hợp lý cả bốn mặt trên, xem nhẹ mặt nào cũng dẫn tới tác động tiêu cực đối với các mặt còn lại.
TS. PHẠM TRUNG THANH(Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh)