Phát huy truyền thống 70 năm ngành quản lý đất đai
Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 09:00, 03/10/2015
Trong suốt 70 năm qua, tuy chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tên gọi có sự thay đổi, song ngành quản lý đất đai luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...
Ngành quản lý đất đai của tỉnh đã thực hiện tốt việc quản lý, bố trí sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong ảnh: Hải Dương tích cực giải phóng mặt bằng, bố trí đất xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Cách đây 70 năm, ngày 3-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 41-SL chuyển giao toàn bộ tài sản, tài liệu, đội ngũ nhân viên của cơ quan quản lý đất đai thuộc Phủ toàn quyền Đông Dương (Pháp) là Sở Trước bạ, Văn tự, Quản thủ điền thổ và Thuế trực thu giao cho Bộ Tài chính của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tiếp quản để triển khai nhiệm vụ quản lý đất đai, tiền thân của ngành quản lý đất đai (NQLĐĐ) ngày nay. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 3-10 hằng năm là Ngày truyền thống của NQLĐĐ Việt Nam.
Ngay sau khi Sắc lệnh số 41 ban hành, Ủy ban Hành chính kháng chiến lâm thời tỉnh Hải Dương đã xây dựng cơ quan quản lý đất đai của tỉnh trên cơ sở tiếp quản cơ quan địa chính Hải Dương trước đây của thực dân Pháp và đổi tên thành Ty Địa chính Hải Dương. Trong giai đoạn này, tuy điều kiện làm việc ban đầu còn rất khó khăn nhưng NQLĐĐ tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng về xóa bỏ tình trạng đế quốc, phong kiến chiếm hữu ruộng đất, bảo đảm người cày có ruộng, khai hoang, huy động thuế nông nghiệp phục vụ kháng chiến...
Ngày 9-12-1960, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 70/CP quy định nhiệm vụ tổ chức ngành quản lý ruộng đất. Ngành địa chính từ Bộ Tài chính được chuyển sang Bộ Nông nghiệp và đổi tên thành ngành quản lý ruộng đất. Ở tỉnh đã sáp nhập cơ quan địa chính vào Ty Nông nghiệp. Giai đoạn 1960-1978, NQLĐĐ của tỉnh đã phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sản xuất lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ngày 24-5-1979, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 548/NQ-QH về việc thành lập Tổng cục Quản lý ruộng đất, là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, thống nhất quản lý Nhà nước đối với toàn bộ ruộng đất trên lãnh thổ cả nước. Hệ thống của ngành được thiết lập ở 4 cấp. Ở Trung ương là Tổng cục Quản lý ruộng đất, ở cấp tỉnh là Ban Quản lý ruộng đất, cấp huyện là Phòng Quản lý ruộng đất và cấp xã có cán bộ quản lý ruộng đất. Bộ máy NQLĐĐ được tổ chức quản lý theo ngành dọc, tạo thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện chủ trương trên, UBND tỉnh Hải Hưng đã quyết định thành lập Ban Quản lý ruộng đất tỉnh Hải Hưng, là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của UBND tỉnh. NQLĐĐ của tỉnh giai đoạn năm 1979-2002 đã phục vụ tích cực cho công cuộc đổi mới đất nước, góp phần quan trọng cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Năm 2002, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) được thành lập, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực TNMT. Ở tỉnh, ngày 1-7-2003, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 1593/2003/QĐ-UB về việc thành lập Sở TNMT tỉnh Hải Dương trực thuộc UBND tỉnh. Trong giai đoạn từ năm 2002 đến nay, NQLĐĐ đã tập trung tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
NQLĐĐ tỉnh Hải Dương được thành lập và phát triển cùng với truyền thống của NQLĐĐ Việt Nam. Trong suốt 70 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, nhưng dù ở bất kỳ giai đoạn nào, trong hoàn cảnh khó khăn nào, tuy chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tên gọi có sự thay đổi tùy theo yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng mỗi thời kỳ song dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, quản lý của Ủy ban Hành chính, nay là UBND tỉnh, NQLĐĐ tỉnh Hải Dương luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao cho, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cả nước nói chung và của tỉnh Hải Dương nói riêng. Ghi nhận những kết quả đóng góp của toàn ngành trong 70 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân trong ngành đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen.
Phát huy truyền thống vẻ vang của toàn ngành, trong thời gian tới, NQLĐĐ tiếp tục đổi mới toàn diện, kiện toàn công tác tổ chức cán bộ, nâng cao chất lượng công tác, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh. Toàn ngành tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức NQLĐĐ trong ngành TNMT từ tỉnh đến cơ sở theo quy định của pháp luật. Chú trọng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ làm công tác quản lý đất đai, bảo đảm đội ngũ có trình độ nghiệp vụ chuyên môn vững vàng, có ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Hai là, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đất đai phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ba là, thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đến năm 2020 đã được phê duyệt, công tác đánh giá đất đai, thống kê và kiểm kê đất đai; đẩy nhanh việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa; tiếp tục xử lý những tồn tại, vướng mắc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đô thị, đất ở nông thôn, đất tôn giáo; đẩy mạnh việc xử lý đất "xen kẹp", đất "dôi dư" trong khu dân cư gắn với việc thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới của từng địa phương; thực hiện tốt công tác giá đất và đấu giá quyền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Bốn là, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về pháp luật đất đai cho mọi đối tượng trong tỉnh. Xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu địa chính phục vụ cho yêu cầu quản lý của ngành và phát triển kinh tế - xã hội.
Năm là, tăng cường trao đổi thông tin, quy chế phối hợp liên ngành, liên tỉnh, liên vùng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai. Chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể cùng tham gia vào công tác quản lý đất đai, giám sát việc thực hiện.
Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai; tập trung kiểm tra, thanh tra, xử lý những tổ chức, cá nhân đã được giao đất, cho thuê đất nhưng sử dụng đất không đúng mục đích, còn bỏ đất hoang hóa.
Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện thủ tục về đất đai, trong đó tập trung thực hiện tốt cơ chế "một cửa" và nâng cao năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh công tác thi đua, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; từng bước áp dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý đất đai, tạo sức mạnh tổng hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
NGUYỄN ĐÌNH KIÊM
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường