Môn bóng chuyền đang bị mai một

Trong nước - Ngày đăng : 06:13, 06/10/2015

Ngược với một số môn thể thao khác như bóng đá, cầu lông ngày một phát triển, môn bóng chuyền đang bị mai một ở nhiều địa phương, kể cả những nơi có truyền thống.



Nhiều tháng nay, sân bóng chuyền của thôn Kim Xá, xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) bị bỏ hoang


Vắng người chơi

Do nhu cầu công việc nên hầu như năm nào chúng tôi cũng về thôn Kim Xá, xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) một lần. Những lần trước đi qua sân bóng chuyền nằm ngay trên trục đường chính của thôn, chúng tôi thấy không khí tập luyện ở đây luôn sôi động. Nhưng nay đi qua, sân đó đã trở nên xơ xác. Hai góc sân gần đường bị đổ bùn đất, gạch vụn và cành cây khô, xung quanh sân cỏ dại mọc um tùm, chứng tỏ sân đã không được sử dụng trong thời gian dài.   

Trước đây, nhiều người dân của xã Cổ Dũng (Kim Thành) cũng rất thích chơi bóng chuyền. Xã có 2 sân bóng chuyền. Một sân nằm trong khuôn viên của sân vận động xã và một sân ở trong Trường THCS xã. Nhưng hai năm nay, 2 sân này đều đã giải tán. Một phần do sân vận động xã cải tạo nâng cấp nên sân bóng chuyền chưa làm lại được, một phần do không còn người chơi, nhiều người chuyển sang đánh cầu lông.

Ngay cả những nơi có truyền thống bóng chuyền, người chơi cũng ngày một ít đi. Xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) là nơi có phong trào bóng chuyền mạnh của huyện nhưng hiện nay lượng người chơi đang giảm rõ rệt. Ông Nguyễn Văn Ngãi, cán bộ văn hóa, thể thao xã Cẩm Hoàng cho biết: "Nhiều năm nay, trên địa bàn xã duy trì 8 sân bóng chuyền ở 6 thôn. Trước đây, các sân đều thu hút đông đảo người dân đến chơi thường xuyên. Nhưng nay xã chỉ còn 5 sân có người tập luyện hằng ngày, còn các sân khác hầu như chỉ hoạt động vào những ngày lễ, Tết. Ở các sân hoạt động thường xuyên lượng người đến chơi cũng lèo tèo, không đủ đội, có khi chỉ 2 - 4 người một bên".

Trước đây, bóng chuyền và bóng đá là các môn phong trào phát triển rất mạnh trong cộng đồng dân cư. Môn bóng chuyền luôn cuốn hút người dân ở đủ lứa tuổi. Những năm trước, hầu như các xã, phường, thị trấn, cơ quan đều có phong trào chơi bóng chuyền nhưng nay chỉ còn vài cơ sở duy trì được.

Thiếu sân chơi hấp dẫn

Phong trào chơi bóng chuyền suy giảm do nhiều nguyên nhân. Những năm gần đây, người dân được tiếp cận với nhiều môn thể thao khác như cầu lông, bóng chuyền hơi, thể hình, thể dục thẩm mỹ, dưỡng sinh... Do đó, tùy vào điều kiện kinh tế, sức khỏe, sở thích, người dân có nhiều sự lựa chọn hơn. Môn bóng chuyền đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe nên chỉ phù hợp với đối tượng thanh niên, trung niên. Trong khi đó, lứa tuổi này đang là lao động chính, thường đi làm ăn xa, làm việc trong các công ty nên quỹ thời gian dành cho tập luyện không nhiều.

Thời gian qua, sân bóng chuyền lại ít được các địa phương quan tâm sửa chữa, nâng cấp. Hầu hết các sân đều bị xuống cấp, không bảo đảm điều kiện tập luyện. Các sân có chất lượng chủ yếu là dựa vào nguồn kinh phí xã hội hóa. Người chơi tự đóng góp kinh phí làm mặt sân, mua cột, lưới, bóng. Do chất lượng sân không bảo đảm nên người chơi chuyển sang môn khác.

Theo ông Nguyễn Văn Đạm, Trưởng thôn Kim Xá, xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng): "Năm 2014, người chơi đã đóng góp tiền đổ bê tông mặt sân. Nhưng lý do chính dẫn đến việc nhiều tháng nay không có người chơi là sân trũng, thấp hơn mặt đường mấy chục cm nên vào mùa mưa, sân thường bị ngập, đọng nước nên không thể chơi được. Do thôn không có kinh phí nên chưa thể nâng cấp".

Bên cạnh đó, nhiều địa phương thiếu những nhân tố tích cực vận động, phát triển phong trào. Do thiếu người tâm huyết, đam mê nên phong trào dần bị thui chột. Những người biết chơi, đam mê môn bóng chuyền nay đều có tuổi, trong khi không có thế hệ kế cận. Qua theo dõi một số giải đấu của cấp xã và cấp huyện, đội hình của các địa phương hầu như vẫn là những con người ấy, thiếu những nhân tố mới. Nhiều người có tuổi nhưng vẫn gắng chơi để duy trì phong trào.

Một trong những yếu tố quan trọng khiến môn bóng chuyền suy giảm là thiếu những sân chơi hấp dẫn mang tính động viên, khích lệ phong trào. Nhiều năm nay, chỉ còn ít xã, phường, thị trấn tổ chức được giải đấu cho các đội bóng của các thôn. Cấp huyện càng ít hơn. Nếu có hoạt động thì hầu như chỉ là thi đấu giao lưu vào dịp lễ, Tết nên chưa tạo được khí thế đua tranh mang tính "màu cờ sắc áo" của từng thôn, xã. Từ đó, các địa phương giảm dần sự đầu tư gây dựng phong trào. Ngay cả giải cấp tỉnh cũng rất ít. Giải của tỉnh chỉ tổ chức gắn với Đại hội Thể dục, thể thao. Nhưng khi tổ chức cũng không tạo được sự cuốn hút đối với các ngành, các địa phương. Điển hình như tại giải bóng chuyền của Đại hội Thể dục, thể thao tỉnh lần thứ VII năm 2014 chỉ có 3 đội tham gia vì những nơi khác không có người và không mặn mà với giải. Trong hệ thống giải bóng chuyền các cấp hiện chỉ còn giải "Bông lúa vàng" của Hội Nông dân là tạo được sự quan tâm của người yêu bóng chuyền. Nhưng giải 2 năm mới tổ chức 1 lần.

Môn bóng chuyền đầu tư ban đầu không nhiều, chỉ cần có sân bãi và mấy trăm nghìn đồng để mua bóng, cột, lưới là có thể chơi được mấy tháng. Quan trọng hơn, bóng chuyền thu hút được đông người chơi cùng lúc và tạo nên khí thế sôi nổi hơn nhiều môn thể thao khác. Nhiều người cho rằng hiện nay người dân không còn yêu thích môn bóng chuyền nhưng qua thực tế chúng tôi thấy, môn này vẫn thu hút được nhiều người. Mỗi khi địa phương, ngành, đoàn thể tổ chức giải luôn có số lượng lớn người đến cổ vũ.

Thời gian tới, để duy trì, phát triển môn bóng chuyền, ngành văn hóa, thể thao, du lịch cần phát huy mạnh mẽ vai trò quản lý nhà nước, thực sự trở thành đầu tàu dẫn dắt phong trào. Ngoài ra, các địa phương cần quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, hỗ trợ dụng cụ, tổ chức nhiều sân chơi, để cuốn hút, động viên người dân, nhất là lớp trẻ tham gia. 

DANH TRUNG