Để lại ánh sáng cho đời
Tin tức - Ngày đăng : 05:49, 07/10/2015
Câu chuyện cô gái bị u tủy để lại ánh sáng cho đời được lan truyền rộng rãi trên báo chí đã thực sự gây xúc động và khơi dậy tinh thần thiện nguyện của biết bao trái tim nhân ái.
Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức tôn vinh chị Nguyễn Thị Nga - người đầu tiên ở Hải Dương
hiến giác mạc. Trong ảnh: Đại diện gia đình chị Nga nhận tôn vinh
Tháng giêng năm 1964, khi còn công tác tại Sư đoàn 312 ở thị trấn Ba Hàng (Thái Nguyên), cụ Vũ Quang (94 tuổi ở thôn Quàn, xã Minh Đức, Tứ Kỳ) cùng các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị vinh dự được Bác Hồ về thăm. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng hình ảnh, đặc biệt là những lời căn dặn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần đoàn kết, tình yêu thương và lòng nhân ái vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của người chiến sĩ năm xưa. Giờ đây, ở độ tuổi xế chiều, cụ Quang vẫn khắc cốt ghi tâm và không quên thực hiện những lời Bác đã dạy bằng những việc làm cụ thể. Mới đây cụ Quang đã viết đơn tự nguyện hiến giác mạc. "Bác Hồ dạy chúng ta là việc gì có lợi cho dân thì làm. Tôi có nghe nhiều người đã hiến giác mạc sau khi qua đời, đây là việc làm rất tốt, hơn nữa khi mình mất thì cũng bỏ đi thôi mà. Giúp người ta được thì làm sao mình không giúp. Người ta khổ sở mình cũng chẳng sung sướng gì", cụ Quang tâm sự.
Tròn 1 năm sau ngày chị Nguyễn Thị Nga ở thị trấn Tứ Kỳ - người đầu tiên của tỉnh tình nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời vì căn bệnh u tủy, chúng tôi có dịp trở lại thăm gia đình chị. Nhớ lại những kỷ niệm về người con gái bé bỏng, can trường và giàu lòng nhân ái, bà Vũ Thị Dụ (mẹ của Nga) rất đỗi tự hào. Bà Dụ cho biết: "Nga xem ti vi thấy một chị người Việt định cư ở bên Mỹ có con gái bị tai nạn giao thông đã tự nguyện hiến tặng giác mạc giúp một người ở tỉnh Phú Thọ tìm lại được ánh sáng nên đã đề nghị tôi được làm như vậy sau khi qua đời. Lúc đầu tôi và mọi người trong gia đình không đồng ý nhưng thấy đây là ý tốt nên đã để em thực hiện ý nguyện của mình. Giờ tôi rất vui và tự hào khi biết giác mạc của con gái mình đã giúp 2 người khác tìm lại được ánh sáng".
Câu chuyện cô gái bị u tủy Nguyễn Thị Nga để lại ánh sáng cho đời được lan truyền rộng rãi trên báo chí đã thực sự gây xúc động và khơi dậy tinh thần thiện nguyện của biết bao trái tim nhân ái trên khắp cả nước, trong đó có tỉnh ta. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết: "Đã đi nhiều nơi trong nước nhưng chúng tôi thực sự ấn tượng với tinh thần thiện nguyện của người dân Hải Dương. Sau trường hợp của em Nga đã có hàng trăm người khác ở Hải Dương gọi điện cho chúng tôi để hỏi về các thủ tục đăng ký hiến tặng giác mạc và các thủ tục khác. Ngân hàng mắt rất phấn khởi vì điều này và mong rằng thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ chúng tôi trong việc tuyên truyền để ngày càng có thêm nhiều người tham gia đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời, tạo cơ hội cho những số phận kém may mắn có thể tìm lại được ánh sáng".
Anh Lê Văn Doanh ở thôn Tiền Vĩ, xã Thanh Hải (Thanh Hà) là một trong những trường hợp may mắn ở tỉnh ta được hiến tặng giác mạc. Năm 2008, khi đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Xây dựng, anh Doanh phải bỏ học vì đôi mắt bị lòa. Tương lai tươi sáng tưởng chừng như đã khép lại với anh thì đúng một năm sau, nhờ được hiến tặng giác mạc, ánh sáng cũng như cuộc sống tươi đẹp đã trở lại với anh Doanh. Cùng năm đó, anh Doanh thi đỗ Trường Đại học Kinh tế quốc dân. "Tôi rất vui vì mình đã tìm lại được ánh sáng. Tôi sẽ học tập, lao động hết sức mình để giúp ích cho gia đình, xã hội và cũng là để tỏ lòng biết ơn với những người đã hiến tặng giác mạc cho tôi", anh Doanh tâm sự.
Để lại ánh sáng cho đời - nghĩa cử cao đẹp của những tấm lòng nhân ái đã, đang và sẽ tiếp tục lan tỏa. Và rồi đây sẽ có thêm nhiều người không may mắn mắc phải bệnh lý giác mạc như anh Lê Văn Doanh sẽ tìm lại ánh sáng.
TIẾN MẠNH