Doanh nhân thời hội nhập

Kinh tế - Ngày đăng : 06:07, 15/10/2015

Nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận thông tin, đổi mới tư duy... là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nhân hiện nay...




Công ty CP Hera Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã
sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường


Với việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc quá trình đàm phán căng thẳng và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập vào cuối năm 2015, cánh cửa hội nhập đã mở rộng hơn bao giờ hết. Cơ hội nhiều nhưng thách thức đặt ra không phải ít, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Nâng cao năng lực

Tiếp tôi tại trụ sở công ty trên đường Ngô Quyền (TP Hải Dương), anh Nguyễn Công Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hải Dương sôi nổi nói về TPP, AEC, WTO và những cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Hải Dương. Trong đó TPP đang là vấn đề nóng nhất, nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Đây thực sự là cơ hội cho một nền kinh tế yếu như Việt Nam xâm nhập vào những nền kinh tế lớn, khó tính như Nhật Bản, Úc, Canada và Mỹ. Nhấn mạnh đến những thách thức khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, anh Hải cho rằng, cơ hội và thách thức chia đều cho mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không nhìn rõ những thách thức, doanh nghiệp rất khó tìm ra hướng đi đúng trong sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, kiến thức về hội nhập của nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất hạn chế. Nhiều doanh nghiệp vẫn hài lòng với thực tại, thờ ơ với cơ hội mới. Điều này thể hiện tư duy và tầm nhìn ngắn hạn của các chủ doanh nghiệp. "Doanh nghiệp không nên chủ quan, không lạc quan tếu trước những cơ hội khi hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng cao năng lực hội nhập là điều sống còn hiện nay. Doanh nghiệp phải nhạy bén với thông tin mới, năng lực quản trị phải được nâng cao, sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp phải ngày càng chặt chẽ, đa dạng để doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường", anh Hải nhấn mạnh.

Cũng cùng quan điểm này, anh Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty CP Hera Việt Nam ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) cho rằng, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận thông tin, đổi mới tư duy của người đứng đầu doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển trong bối cảnh hiện nay. Thành lập từ năm 2010, Công ty CP Hera Việt Nam chuyên cung cấp các sản phẩm hóa mỹ phẩm gia dụng. Khi hội nhập, công ty gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vì vậy, ngoài nâng cao chất lượng, giảm giá thành, cải tiến mẫu mã sản phẩm, công ty tập trung quảng bá, xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng biết và sử dụng sản phẩm của công ty. "Việt Nam càng tham gia sâu vào thị trường thế giới, các sản phẩm của chúng tôi càng chịu sức ép cạnh tranh lớn. Là chủ doanh nghiệp, tôi thường xuyên cập nhật thông tin kinh tế trong nước và thế giới để nắm bắt xu thế, nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp", anh Thắng nói. Cũng theo anh Thắng, những doanh nghiệp nhỏ và vừa do hạn chế về trình độ quản trị, nguồn vốn ít, trình độ lao động thấp, sản phẩm chưa có thương hiệu... sẽ chịu nhiều sức ép cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp lớn. Vì vậy, đổi mới tư duy, dám dấn thân, không ngừng học hỏi, luôn chủ động trước mọi tình huống là điều lãnh đạo doanh nghiệp cần có trong bối cảnh hội nhập toàn cầu như hiện nay.

Bà Trần Thị Thu, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh cho rằng, hội nhập buộc các doanh nghiệp phải thay đổi, không thể tiếp tục kinh doanh theo kiểu truyền thống. Doanh nhân phải linh hoạt, thích ứng với thời cuộc. Muốn vậy, doanh nhân cần nỗ lực không ngừng, bổ sung kiến thức, nhất là kiến thức từ mạng internet phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặc dù chất lượng hàng Việt Nam không thua kém hàng nước ngoài nhưng vẫn chưa trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng vì hàng Việt chưa có thương hiệu, kể cả thương hiệu quốc gia và thương hiệu riêng của doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng thương hiệu, bảo đảm chất lượng, mẫu mã theo chuẩn quốc tế mới có thể cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. Bà Thu cho biết: "Hằng năm, Hội Nữ doanh nhân tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản trị, bán hàng, xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao nhận thức của hội viên trong quá trình tham gia thị trường".



Doanh nhân phản ánh những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ tại buổi gặp mặt, đối thoại với lãnh đạo UBND tỉnh


Cần sự trợ giúp từ chính quyền

Hội nhập đem lại rất nhiều cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp, nhưng nếu không có sự trợ giúp từ chính quyền, doanh nghiệp sẽ khó nắm bắt được cơ hội, thậm chí sẽ bị những thách thức bủa vây khiến doanh nghiệp chao đảo. Nói như anh Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty CP Hera Việt Nam: "Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa yếu về khả năng quản trị doanh nghiệp, trình độ lao động thấp và nguồn vốn hạn hẹp nên khả năng cạnh tranh không cao. Vì vậy, nếu thủ tục hành chính không thông thoáng, doanh nghiệp vẫn phải mất thời gian, công sức và chi phí không đáng có trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chắc chắn sức cạnh tranh của sản phẩm sẽ giảm đáng kể". Khi nào doanh nghiệp còn phải chi tiền cho các thủ tục hành chính hoặc tiếp cận nguồn vốn thì khi đó doanh nghiệp sẽ không thể giảm giá thành sản phẩm, khả năng cạnh tranh sẽ giảm sút, không còn sức để nắm bắt cơ hội hội nhập. Ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh bày tỏ mong muốn chính quyền cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới; coi cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá. Cải cách thủ tục hành chính phải thực chất, đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Chính quyền phải trở thành "bà đỡ" cho doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Theo ông Nguyễn Công Hải, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân cần được nhận thức đúng đắn. Doanh nghiệp đóng góp nguồn của cải chủ yếu để xây dựng địa phương, vì vậy công sức của doanh nghiệp cần được trân trọng. Sự trân trọng của chính quyền thể hiện trong việc cải cách thủ tục hành chính, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Chính quyền phải lấy tinh thần phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân là tôn chỉ hoạt động. Nếu được như vậy, doanh nghiệp, doanh nhân sẽ đủ sức vượt qua khó khăn, sẵn sàng đón đầu thách thức trong quá trình hội nhập.

VỊ THỦY