Chí Linh vươn mình
Kinh tế - Ngày đăng : 05:23, 17/10/2015
Từ một huyện miền núi, Chí Linh đã phát huy nội lực, thế mạnh, vươn lên trở thành đô thị phát triển.
Diện mạo thị xã Chí Linh khang trang hiện đại
Thị xã trẻ
Ngày 12-2-2010, Chính phủ ra quyết định nâng cấp Chí Linh thành thị xã. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn khẳng định vai trò, vị thế của Chí Linh trong sự phát triển của tỉnh.
Với 20 đơn vị hành chính (8 phường, 12 xã), kể từ khi được nâng cấp lên thị xã, Chí Linh đã có những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực. Công nghiệp địa phương tăng trưởng bình quân trên 11%/năm. Riêng năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp địa phương đạt 3.285 tỷ đồng. Thị xã hiện có 1 khu và 6 cụm công nghiệp, thu hút 22 dự án đầu tư mới, nâng tổng số lên 1.680 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho 14.200 lao động. Nông nghiệp phát triển ổn định, đã hình thành một số vùng chăn nuôi tập trung như gà đồi, cá lồng... Mạng lưới bán buôn, bán lẻ, siêu thị được hình thành và mở rộng đến các điểm đông dân cư. Với trên 303 di tích, di chỉ, trong đó có khu di tích quốc gia Côn Sơn, Kiếp Bạc, mỗi năm Chí Linh thu hút hàng triệu lượt khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2014, thị xã đã huy động trên 200 tỷ đồng đầu tư xây dựng các đề án, công trình. Đến nay, xã Tân Dân đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Sau khi được nâng cấp lên thị xã, Chí Linh đã lập, phê duyệt quy hoạch, thành lập Đội Quản lý trật tự đô thị và Công ty TNHH một thành viên Quản lý giao thông môi trường và đô thị. Điểm nhấn là cơ sở hạ tầng với hệ thống giao thông, khu đô thị mới, hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, công viên, cây xanh... được đầu tư xây dựng, nâng cấp quy mô, đồng bộ. Nhiều công trình quy mô lớn, kiến trúc đẹp mới mọc lên. Nhiều dự án dân cư được đầu tư xây dựng như các khu đô thị mới Hồ Mật Sơn, Trường Linh, Chúc Cương, khu dân cư phía đông đường Yết Kiêu, cụm du lịch biệt thự nhà vườn Côn Sơn - Kiếp Bạc, khu sinh thái Phú Gia...
Nhiều hệ thống đèn tín hiệu giao thông, bến xe phía đông thị xã, Trạm kiểm định xe cơ giới đường bộ đã được xây dựng. Thị xã đã nâng cấp mở rộng 30 km quốc lộ, tỉnh lộ, duy tu bảo dưỡng trên 100 km đường xây dựng 13 km hè phố, 12 km rãnh thoát nước và kiên cố hóa 287 km đường giao thông đô thị. Tổng kinh phí đầu tư cho giao thông lên đến 1.200 tỷ đồng. Trước kia, cây xanh ở thị xã chủ yếu mọc tự nhiên. Sau khi lên thị xã, diện tích cây xanh được quy hoạch, trồng bổ sung, tạo cảnh quan đô thị thân thiện. Thị xã đã huy động các nguồn lực bổ sung, thay thế 50 trạm biến áp, xây mới 50 km mạng lưới chiếu sáng công cộng cùng hàng trăm km điện chiếu sáng ngõ xóm. Thị xã cũng đã thành lập 21 công ty, HTX, tổ thu gom rác tại các xã, phường, xây mới 7,2 km kênh mương, hệ thống thoát nước đô thị, cải tạo 13 hồ đập...
Giới thiệu về Công viên Quảng trường Sao Đỏ được quy hoạch đẹp đẽ, ông Nguyễn Văn Thắm, Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Chí Linh cho biết: Đây là công trình trọng điểm trong xây dựng đô thị của thị xã. Công trình có diện tích 65.658 m2, giáp hồ Mật Sơn, trong đó khu trung tâm quảng trường rộng trên 24.400 m2. Ngoài ra, từ khi được nâng cấp lên thị xã, Chí Linh đã đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình văn hóa, điểm vui chơi giải trí như trung tâm văn hoá thể thao, nhà thiếu nhi, sân vận động, bể bơi và một số công trình phúc lợi. Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội, y tế cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Với những nỗ lực không ngừng, năm 2015, thị xã Chí Linh đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III.
Thành phố tương lai
Quy hoạch vùng tỉnh Hải Dương đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định thị xã Chí Linh trở thành thành phố thuộc tỉnh, trung tâm du lịch thương mại dịch vụ, công nghiệp, đào tạo và đặc biệt là trung tâm văn hoá - du lịch - dịch vụ - vui chơi giải trí tầm quốc gia, quốc tế. Ông Nguyễn Đức Hóa, Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh cho biết, sự kiện Chí Linh được công nhận là đô thị loại III có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó đánh dấu chặng đường phát triển toàn diện, đồng thời mở ra thời kỳ phát triển mới, nhanh và bền vững, hướng tới xây dựng Chí Linh trở thành thành phố trước năm 2020, đô thị loại II trước năm 2030.
Để làm được điều đó, thời gian tới, Chí Linh tập trung đầu tư và thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển mạng lưới giao thông đô thị, cấp nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng công cộng, cây xanh… Về phát triển kinh tế - xã hội, thị xã tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch vùng Côn Sơn - Kiếp Bạc để xây dựng thị xã là nơi du lịch hấp dẫn, an toàn, văn minh, sạch đẹp. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đô thị, thu hút các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, ngành nghề không gây ô nhiễm môi trường, ngành công nghiệp có sử dụng nhiều lao động.
Thị xã tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi, nâng cao chất lượng thương hiệu gà đồi Chí Linh, vải thiều, na dai phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2020 toàn thị xã có 50% số xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Quản lý chặt chẽ tài nguyên, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, thực hiện có hiệu quả các giải pháp ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị. Vận động nhân dân cùng tham gia xây dựng phát triển hạ tầng đô thị theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Có cơ chế khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Trung ương và của tỉnh, từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Chí Linh tiếp tục đẩy mạnh công tác an ninh, quốc phòng, quân sự địa phương, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Chí Linh thân thiện, nếp sống văn minh đô thị. Tiếp tục tu bổ, tôn tạo các khu di tích lịch sử và quản lý nhà nước đối với các khu di tích, phát huy tiềm năng du lịch tâm linh, sinh thái. Đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là nhân dân vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
NGỌC HÙNG