Ngày 20-10, phụ nữ không cần quà đâu, chỉ cần là chính mình

Đời sống - Ngày đăng : 15:55, 20/10/2015

"Đảm đang", "hy sinh", “giỏi việc nước, đảm việc nhà”... những mỹ từ đó chính là những gánh nặng nhẫn tâm đang đè lên vai phụ nữ Việt.

Niềm vui của người phụ nữ rất đơn giản

Niềm vui của người phụ nữ rất đơn giản

Ngày tôi có bầu, bên nội liên tục nhắc tới viễn cảnh một đứa cháu đích tôn để thờ cúng và nối dõi tông đường. Ngày Tết, khi thấy tôi ăn một cái kẹo, bố chồng mừng rỡ: "Nghén ngọt hả? Vậy là chắc con trai rồi đó".

Định kiến vẫn còn

Chồng tôi kể ngày mẹ chồng sinh lần thứ 3, hồi đó chưa có siêu âm, nên chưa biết là trai hay gái. Bố chồng ở nhà nhốt gà để đợi ăn mừng. Nghe tin bà sinh, ông ra trạm xá xã đón bà. Đi tới nửa đường thì gặp người thân vừa ở đó về, được thông báo là bà lại sinh cô con gái thứ 3, ông quay về ngay lập tức. Thả hết gà ra, rồi bỏ đi công tác luôn, một tháng rưỡi sau mới thèm về nhà ngó con.

Và khi tôi sinh hai con gái, cả bên nội hụt hẫng thấy rõ. Và thế là chồng tôi tự kết tội mình bất hiếu: "Con gái thì ai cho quyền được thờ cúng?"!

Giờ đã là năm 2015, nhưng định kiến vẫn còn đó. Một người bạn gái của tôi đã phải ăn kiêng suốt mấy năm trời để mong tìm con trai, và đã bị chồng ép bỏ thai tới 5 lần vì nghi là thai gái!

Để ý cách nói chuyện với một bà bầu sẽ thấy sau câu hỏi bé trong bụng là trai hay gái, nếu trai sẽ được nói ngắn gọn: “10 điểm nhá, chúc mừng”. Nhưng nếu là gái sẽ được an ủi: “Con nào chả là con”, hay “Có con gái càng nhàn, sau này nó… phụ việc cho”.

Ơ hay, vậy có con trai không nhàn sao, không biết phụ việc sao? Con trai không “cũng là con” sao?

Thậm chí, bây giờ thấy tôi dắt hai con gái đi tung tăng, nhiều bà vẫn nhảy vào khuyên "Ráng đẻ thêm không?", "Đẻ thêm đứa con trai không chồng nó bỏ đấy"!

Truyền thông dồn ép

Truyền thông cũng rất kỳ cục, họ đánh bóng phụ nữ bằng hàng ngàn mỹ từ, toàn những mỹ từ dính tới trách nhiệm nặng nề: "đảm đang", "hy sinh", “giỏi việc nước, đảm việc nhà”... Thực chất đó là những gánh nặng nhẫn tâm đang đè lên vai phụ nữ Việt.

Trong các shot quảng cáo, hình ảnh phụ nữ cũng hiện lên dày đặc ở các công việc trong bếp, trong nhà. Quảng cáo mì gói, hai cha con ngồi đợi và người vợ bưng ra hai tô mì húp sì sụp khen ngon! Quảng cáo máy giặt: phụ nữ, quảng cáo bột giặt: phụ nữ, quảng cáo hạt nêm: phụ nữ...

Hình ảnh phụ nữ Việt Nam đương nhiên bị gắn với bếp núc, phục vụ chồng con, cả nhà... Mà đã hết đâu, còn phải long lanh xinh đẹp, vừa nấu nướng vừa tươi óng ả, chân dài, eo thon... mới chịu kìa!

Chỉ cần thiếu cảnh giác là phụ nữ rơi vào cái bẫy của truyền thông ngay. Nấu ăn như bếp trưởng, váy áo chỉn chu như người mẫu, và nụ cười roi rói như tiếp viên hàng không, chăm sóc dạy dỗ con cái như một nhà sư phạm, đối nội, đối ngoại như một nhà ngoại giao! Cứ làm như thể phụ nữ là quái vật ba đầu sáu tay ấy nhỉ.

Trong khi, những bài học, bài nói chuyện về tình mẫu tử xúc động thì lại toàn lấy hình ảnh bà cụ lưng còng tóc bạc gánh hàng rong, hay cô lao công áo quần nhem nhuốc bên xe rác.

Vậy thì chúng tôi ở đâu? Chúng tôi, phần lớn là những phụ nữ không quá xinh đẹp, không 3 đảm đang? Khi tôi đứng thẳng lưng trên đôi giày cao gót, thương lượng với đối tác, hay khi tôi ngồi trước màn hình máy tính trong phòng lạnh... có nghĩa là không vất vả, không gây xúc động sao?

Hãy lo nạn "chảy máu nhan sắc"!

Có ai đặt câu hỏi, tại sao rất nhiều những nhan sắc và tài hoa được cả nước công nhận, những siêu mẫu chân dài, những hoa hậu nghiêng nước nghiêng thành, những ca sĩ ngôi sao, những phụ nữ giỏi giang, tinh hoa… đã và đang đi lấy chồng ngoại? Có phải đàn ông Việt đã và đang thất thế ngay trên sân nhà?

Các bố đi đâu? Hãy ra các quán nhậu, các nhà hàng, và tử tế hơn chút ít là các công sở ban đêm, sẽ thấy… các bố đang ngồi đấy. Có thể là giải trí, có thể là đối tác, có thể là công việc. Những công việc mà, trong quỹ thời gian ít hơn, điều kiện kém hơn, các bà mẹ vẫn phải hoàn thành như một file nén.

Công việc thì vẫn như một nhân viên nam, nhưng nhân viên nữ phải bớt xén chút ít thời gian để tìm kiếm trên mạng ra vài cách chế biến món ăn, tìm hiểu đôi nét về vài loại thuốc con phải uống, đi muộn chục phút để ghé qua chợ, về sớm nửa tiếng để đón con tới giờ tan trường.

Buổi tối, sau khi nấu ăn cho cả nhà, sau khi dọn dẹp nhà cửa, người phụ nữ lại lo cho con học bài. Đêm, con giật mình khóc, mẹ là người lục đục thức giấc.

Tôi chỉ tiếc rằng, khi nhiều nhan sắc, nhiều nữ tài năng tìm đường chạy trốn khỏi trai Việt, thì một cách thuần sinh học, một lượng lớn gien tốt đã âm thầm xuất khẩu!

Theo Tuổi trẻ