Tư duy ông Đại luôn mới

Tin tức - Ngày đăng : 06:04, 22/10/2015

Ông Lê Trọng Đại ở thôn Đươi, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) luôn phấn đấu trở thành con người mẫu mực, cống hiến hết mình để xây dựng quê hương giàu đẹp.




Mặc dù tuổi cao nhưng ông Lê Trọng Đại vẫn hăng say sản xuất và góp phần quan trọng
trong xây dựng nông thôn mới ở xã Đoàn Thượng


Gần 60 năm trôi qua, lời dạy của Bác Hồ tại công trường đại thủy nông Bắc Hưng Hải đã trở thành động lực giúp ông Lê Trọng Đại ở thôn Đươi, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) luôn phấn đấu trở thành con người mẫu mực, cống hiến hết mình để xây dựng quê hương giàu đẹp.


Nhớ lời Bác dạy

Ông Đại nhớ lại: "Tiếng loa nhắc nhở: Bác Hồ tới thăm công trường gặp gỡ chúng ta, mọi người tập trung trật tự để Bác nói chuyện", vừa dứt thì Bác đã gần đến chỗ chúng tôi đang làm việc. Tôi cố kiễng chân thật cao, vỗ tay thật to để đón Bác. Sau lời thăm hỏi ân cần, Bác động viên mọi người bình tĩnh, sáng tạo, cương quyết làm vô hiệu những lỗ mạch nguy hiểm trên công trường đào đắp. Lời động viên của Người đã khích lệ tinh thần chúng tôi nên chỉ sau 48 tiếng, các lỗ mạch đã được xử lý, cống Xuân Quan tiếp tục được làm móng. Hạng mục đầu tiên của công trường đại thủy nông Bắc Hưng Hải sớm được hoàn thành, góp phần đưa phù sa sông Hồng tưới mát, nuôi dưỡng cho hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp của Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Lời Bác dạy ngày nào luôn thôi thúc tôi phấn đấu vượt qua khó khăn dù ở bất cứ hoàn cảnh nào".

Những ngày làm nhiệm vụ ông Đại luôn cố gắng tìm những từ ngữ gần gũi, thân thiết nhất để viết về những tấm gương tập thể, cá nhân làm việc tốt, hoàn thành tốt công việc nhằm tuyên truyền, khích lệ tinh thần làm việc của những đoàn dân công huyện Gia Lộc. "Lúc Bác đến thăm công trường, lời nói nhẹ nhàng, gần gũi của Bác đã cuốn hút chúng tôi. Sau lần ấy, tôi đã học được cách sử dụng từ ngữ giản dị để viết những bài tuyên truyền thấm sâu và dễ đi vào lòng người hơn. Dù gần 1 tháng phải sống trong thiếu thốn, dầm mưa, dãi nắng trên công trường cống Xuân Quan nhưng không ai nản chí, tiếng nói, tiếng cười luôn rộn ràng. Ai cũng quyết tâm làm cho nhanh, cho tốt như mong muốn của Bác", ông Đại nói.

Nhớ lời Bác dạy, khi trở về làm nhiệm vụ của một nhà giáo, ông Đại luôn cố gắng học tập, nghiên cứu để truyền thụ kiến thức cho học sinh. Anh Thảo, một học sinh của ông Đại hiện công tác tại TP Hải Dương vẫn còn nhớ như in những ngày được thầy Đại dạy học thể dục ở Trường Cấp 3 Đoàn Thượng: "Ngày ấy, sáng nào trước khi vào học, thầy Đại cũng yêu cầu cả lớp phơi nắng sớm. Thầy bảo nắng sớm sẽ giúp chúng ta hấp thu vitamin D, giúp xương chắc khỏe, vận động và làm việc tốt hơn. Thầy luôn đọc cho chúng tôi nghe những lời dạy của Bác về rèn luyện sức khỏe. Những lời dạy ấy đến bây giờ đã gần 30 năm nhưng chúng tôi vẫn luôn ghi nhớ".

Bản thân ông Đại, dù cao tuổi nhưng vẫn noi gương Bác sống tiết kiệm, tích cực rèn luyện sức khỏe. Mỗi sáng, sau khi đi bộ vài vòng, ông luôn dành thời gian để chăm sóc khu vườn nhỏ. Trồng rau, cấy lúa để tự trang trải cho cuộc sống của vợ chồng già. Mặc dù đã gần 80 tuổi nhưng ông Đại rất thành thạo máy tính. Nơi làm việc của ông ngoài giá sách với hàng trăm cuốn có giá trị về Bác Hồ mà ông đã dày công sưu tập, còn có nhiều sách về đất và người Hải Dương. Ông cho biết: "Tôi không cho phép mình lỗi thời. Do đó, tôi nhờ con cháu chỉ cho cách sử dụng máy tính, máy in. Tôi nghĩ học thì không bao giờ là quá muộn và để xây dựng thành công nông thôn mới phải cần có những con người mới".

Góp sức xây dựng nông thôn mới

Hiện nay, ông Đại là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học của xã Đoàn Thượng. Để khích lệ phong trào học tập ở địa phương, ông thường xuyên sưu tầm, nghiên cứu những bài viết hay về giáo dục, nhất là những bài về đổi mới phương pháp dạy và học. Từ đó ông trao đổi với thầy cô ở các trường học của xã. Những kiến thức về giáo dục còn được ông trao đổi trên bản tin của Hội Khuyến học tỉnh. Không chỉ khích lệ tinh thần hiếu học của học sinh trong xã, ông Đại còn thường xuyên răn dạy con cháu trong gia đình phải cố gắng học tập để làm gương cho người khác. Hiện nay, 4 người con của ông đều đã trưởng thành, làm bác sĩ, giáo viên. Các cháu nội, ngoại của ông đều có trình độ từ đại học trở lên. Anh Lê Thạc Bình, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học thôn Lúa (xã Đoàn Thượng) cho biết: "Mặc dù đã nhiều tuổi nhưng ông Đại vẫn luôn hăng say với phong trào khuyến học của địa phương. Ở mỗi chi hội khuyến học ông đều tư vấn cho chúng tôi cách làm, cách vận động để mọi người trong thôn tích cực tham gia khuyến học".

Hăng say với khuyến học nhưng ông Lê Trọng Đại cũng không quên việc tuyên truyền, khích lệ tinh thần của người dân trong phong trào xây dựng NTM. Những bài thơ về xây dựng NTM, bài viết về tấm gương điển hình trong làm đường, đóng góp quỹ khuyến học hoặc cách làm hay trong sản xuất nông nghiệp đều được ông Đại viết và đánh máy cẩn thận gửi đài truyền thanh xã đọc vào mỗi sáng sớm hoặc chiều tối. Đặc biệt, bài thơ "Đoàn Thượng quê hương tôi" của ông đã được phổ nhạc và biểu diễn tại các hội nghị triển khai xây dựng NTM của các thôn trong xã. Ông Vũ Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Đoàn Thượng khẳng định: "Ông Đại là con người mẫu mực, hăng hái tham gia các hoạt động của địa phương. Những bài viết tuyên truyền về NTM của ông đã giúp chúng tôi vận động nhân dân chung sức, đồng lòng cùng đoàn kết thực hiện nhanh và hiệu quả từng tiêu chí xây dựng NTM".

Mặc dù xã Đoàn Thượng đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM nhưng ông Đại dường như vẫn chưa hài lòng: "NTM không dừng lại ở 19 tiêu chí nên tôi vẫn sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền để bà con trong mỗi thôn, xóm cùng xây dựng nông thôn Đoàn Thượng ngày càng giàu đẹp, yên bình".

HẢI MINH