Giáo viên, học sinh đều hứng thú
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 06:43, 23/10/2015
Triển khai ở tỉnh ta từ năm 2011, Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã giúp khắc phục những hạn chế có tính “thâm niên” trong việc dạy và học tiếng Anh.
Nâng cao trình độ giáo viên
Học sinh Trường THCS Phú Thái (Kim Thành) trong giờ học tiếng Anh theo chương trình mới
Cô giáo Phạm Thị Nhàn (Trường THCS Phú Thái, Kim Thành) dạy tiếng Anh theo chương trình mới ngay từ khi bắt đầu triển khai tại tỉnh. Đến nay, cô Nhàn là một trong những giáo viên dạy nhiều lớp theo chương trình tiếng Anh mới nhất (cả 3 khối 6, 7 và 8). Cô Nhàn cho biết: “Ngay từ khi khảo sát năng lực giáo viên đợt đầu tiên, tôi đã đạt chuẩn nên được dạy chương trình này từ sớm. Tuy đủ khả năng để dạy ngay từ đầu nhưng quá trình dạy học cũng khiến tôi phải tự học hỏi, rèn luyện để nâng cao trình độ. Chương trình này có nhiều kiến thức liên môn như lịch sử, văn hóa, tự nhiên tích hợp với nhau nên giáo viên bắt buộc phải tìm hiểu thêm, đồng thời học thêm các từ vựng mới”. Nhờ quá trình tự học hỏi do yêu cầu chương trình phong phú hơn trước mà cô Nhàn ngày càng tiến bộ trong chuyên môn.
Cô Nhàn là một trong số ít giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn, đủ điều kiện dạy chương trình theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 ngay từ năm 2011. Khi bắt đầu khởi động dự án này, năng lực thật sự (chứ không phải bằng cấp) của đội ngũ giáo viên tiếng Anh trong tỉnh rất thấp. Trong đợt khảo sát đánh giá đầu tiên năm 2011, có 1.137 giáo viên được rà soát nhưng chỉ có 10 giáo viên THPT và 87 giáo viên THCS đạt trình độ năng lực ngoại ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cấp tiểu học không có giáo viên đạt chuẩn. Trước thực trạng đáng báo động này, Sở GDĐT đã tổ chức hàng chục lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên tiếng Anh, cử giáo viên tham dự các lớp học do Ban Quản lý đề án quốc gia tổ chức. Các giáo viên cũng tự học hỏi, nâng cao trình độ bằng nhiều cách. Tính đến tháng 6-2015, số lượng và tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đã được nâng lên một cách rõ rệt: cấp THPT có 92 giáo viên đạt trình độ C1 (đạt 32%); cấp THCS có 352 giáo viên đạt trình độ B2 (đạt 55%); cấp tiểu học có 99 giáo viên đạt B2 (đạt 26%).
Sau gần 4 năm thực hiện, sự tiến bộ này của đội ngũ giáo viên tiếng Anh là dấu hiệu đáng mừng, thể hiện sự cố gắng không ngừng từ phía cơ quan quản lý giáo dục cũng như chính đội ngũ giáo viên. Các phòng GDĐT, các trường đều tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn được tham dự các khóa học, động viên các thầy cô. Bên cạnh những giáo viên từ không đạt chuẩn đã nâng cao trình độ thành đạt chuẩn, nhiều giáo viên đã đạt chuẩn tiếp tục trau dồi vượt chuẩn và các giáo viên vượt chuẩn cũng không ngừng rèn luyện để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Có thể nói, Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã tạo một tiếng chuông cảnh tỉnh để ngành giáo dục thẳng thắn nhìn nhận lại trình độ của đội ngũ giáo viên tiếng Anh và quan trọng hơn cả là từ đó dần dần khắc phục điểm yếu này.
Rèn luyện kỹ năng toàn diện cho học sinh
Các hoạt động ngoại khóa về tiếng Anh giúp học sinh thêm tự tin và sáng tạo. Trong ảnh: Học sinh biểu diễn hát tiếng Anh trong lễ ra mắt Câu lạc bộ Tiếng Anh Trường THPT Thanh Hà
Đi đôi với việc nâng cao trình độ cho giáo viên, chương trình tiếng Anh mới theo Đề án ngoại ngữ quốc gia được đưa vào triển khai dần trong nhà trường với tiêu chí: cả giáo viên và học sinh đều đủ điều kiện đáp ứng được chương trình. Vì vậy, vào đầu cấp THCS, những học sinh như Nguyễn Đức Bình phải trả qua kỳ thi khảo sát, nếu đạt yêu cầu thì mới được xếp vào lớp học tiếng Anh theo chương trình mới. Cách làm này bảo đảm các em không bị “ngồi nhầm lớp” về môn tiếng Anh và tiếp thu được chương trình một cách tốt nhất. Từ năm học 2010-2011, tỉnh bắt đầu triển khai dạy chương trình tiếng Anh thí điểm ở tiểu học; từ năm học 2012-2013, thí điểm ở lớp 6 THCS và từ năm học 2013-2014 thì thí điểm lớp 10 THPT. Đến năm 2015, quy mô số trường, số lớp và học sinh thực hiện chương trình tiếng Anh mới đã tăng nhanh, với tổng số 223 trường (137 trường tiểu học, 73 trường THCS và 13 trường THPT). Các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường trung cấp chuyên nghiệp đang tích cực chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ và cơ sở vật chất để triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường vào các năm tới.
Được triển khai trước tiên ở bậc tiểu học, đến nay, những học sinh đầu tiên học chương trình tiếng Anh mới đã lên tới cấp THCS và thể hiện sự khác biệt so với những học sinh học theo chương trình cũ. Cô giáo Đồng Thị Mỹ Lương, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thái (Kim Thành) cho biết: “Đặc điểm của trường là tuyển sinh từ tất cả các xã, thị trấn trong huyện nên trình độ học sinh rất phong phú. Có học sinh đã học chương trình tiếng Anh mới ở bậc tiểu học, có em vẫn theo học chương trình cũ. Khi thi xếp lớp tiếng Anh, điểm của hai đối tượng học sinh này rất chênh lệch. Các em học chương trình cũ đa số được từ 18 tới dưới 50 điểm, các em học chương trình mới thường đạt 70-90 điểm. Học sinh của các trường tiểu học có giáo viên đạt chuẩn có trình độ tốt hơn ở trường chưa có giáo viên đạt chuẩn. Học sinh học chương trình mới còn mạnh dạn, tự tin hơn hẳn trong giao tiếp”.
Sự thay đổi về trình độ người dạy, nội dung chương trình đều hướng tới một mục tiêu: giúp học sinh phát triển toàn diện kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tiếng Anh, trong đó khắc phục điểm yếu phổ biến lâu năm trong dạy học tiếng Anh là học sinh yếu kỹ năng nghe - nói. Nhắc đến phương pháp dạy mới này, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hòa (Trường THPT Chí Linh) hào hứng chia sẻ: “Học chương trình này, các em được giao tiếp nhiều hơn: nói trước lớp, trao đổi với nhau, nói với giáo viên. Các chủ đề cũng đổi mới, phù hợp với lứa tuổi của các em như vấn đề tình cảm tuổi mới lớn, cách sử dụng mạng xã hội… khiến các em thích thú tìm hiểu và thể hiện. Được nghe băng do người bản xứ nói giúp học sinh có cách phát âm chuẩn hơn và nghe tốt hơn”. Bên cạnh việc dạy và học, nhiều trường còn tăng cường các sinh hoạt ngoại khóa về tiếng Anh như tổ chức giao lưu, hát tiếng Anh, thành lập câu lạc bộ nói tiếng Anh... Nhờ vậy, học sinh đã có những tiến bộ rõ rệt không chỉ trong kỹ năng nghe - nói tiếng Anh mà cả trong cách làm việc nhóm, sáng tạo ý tưởng và sự tự tin hơn.
VIỆT HÒA