Phát triển bền vững các khu công nghiệp

Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 15:56, 29/10/2015

Thời gian qua, tỉnh ta đã chủ động quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp (KCN) để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.


Quy hoạch phát triển tổng thể các KCN đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt với 18 KCN, diện tích quy hoạch trên 3.500 ha. Tỉnh ta coi việc quy hoạch, phát triển các KCN là khâu đột phá để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp. Ðây là nguồn lực quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XV.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, việc hình thành và phát triển các KCN còn một số hạn chế như: Khả năng huy động vốn đầu tư còn ở mức thấp, hiệu quả đầu tư chưa cao; các ngành công nghiệp công nghệ cao còn ít, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển; tiến độ thực hiện một số dự án còn chậm; chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn thấp; tình hình trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp; việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn chậm, chưa đồng bộ...

Ðể các KCN phát triển, phát huy vai trò trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Ðảng bộ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2015 - 2020, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Về huy động và sử dụng vốn đầu tư:

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trên cơ sở phát huy các nguồn nội lực. Tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, thu hút mọi nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhằm tăng tổng vốn đầu tư, tạo động lực để phát triển.

Xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN. Ðẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các KCN. Tập trung thu hút các tập đoàn đầu tư lớn có công nghệ hiện đại, đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ xây dựng và phát triển liên kết giữa các tập đoàn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm hỗ trợ, tạo đà cho các doanh nghiệp trong nước phát triển.

Về nguồn nhân lực:

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Phát triển các mô hình đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ. Tạo mối liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp để người lao động có thể tham gia vào sản xuất ngay sau khi hoàn thành các khóa đào tạo. Xây dựng chiến lược, kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cho từng chuyên ngành để có định hướng ngành nghề theo học cho học sinh tốt nghiệp THPT.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các cơ sở đào tạo trong việc mở lớp chuyên ngành công nghiệp, đào tạo kỹ năng về công nghệ, các lớp học ngoại ngữ, để từng bước bổ sung các kỹ năng mềm cho cán bộ quản lý, người lao động của tỉnh, đáp ứng các tiêu chuẩn lao động quốc tế.    

Về đất đai:

Tập trung hỗ trợ và đôn đốc các doanh nghiệp hạ tầng trong công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng KCN, tạo quỹ đất sạch với giá cạnh tranh để có thể tạo điều kiện tốt nhất cho các dự án đầu tư triển khai thực hiện. Trước hết tập trung cho các KCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết như các KCN: Cẩm Ðiền - Lương Ðiền, Ðại An mở rộng, Phú Thái, Kim Thành...

Khuyến khích các nhà đầu tư hạ tầng xây dựng các khu nhà xưởng cho thuê để thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong việc cho thuê, giao đất cho các dự án trong KCN, đặc biệt là các dự án xây nhà ở cho công nhân trong các KCN.

Về tổ chức và quản lý:

Thực hiện nhất quán, ổn định các chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương và của tỉnh theo đúng quy định.

Tăng cường phân cấp quản lý nhà nước đối với các KCN. Nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ về việc xây dựng cơ chế "một cửa" tại Ban Quản lý các KCN, khẳng định tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư của tỉnh Hải Dương nói riêng, Việt Nam nói chung.

Có chính sách khen thưởng, động viên kịp thời các cá nhân, tổ chức có thành tích, đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bảo đảm an ninh trật tự cho các KCN, giải quyết dứt điểm các tồn đọng trong giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN triển khai đúng tiến độ.

Tổ chức cung cấp các dịch vụ công nhằm hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp hiểu, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp triển khai đầu tư.

Các doanh nghiệp xây dựng bộ máy quản lý gọn nhẹ, có hiệu lực; ứng dụng công nghệ mới trong công tác quản lý.

Về bảo vệ môi trường:

Tăng cường công tác thẩm định, quản lý phương án bảo vệ môi trường của các dự án cả trước và sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Ðôn đốc và yêu cầu các KCN phải xây dựng các khu xử lý chất thải, đặc biệt là xử lý nước thải bảo đảm đúng quy định trước khi thải ra môi trường. Ðến năm 2020, tất cả các KCN đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn, có lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường để kịp thời có hình thức khen thưởng hoặc xử lý.


(Trích tham luận của đồng chí Phạm Minh Phương, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh)