Lãnh đạo Phòng giáo dục lảng tránh

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 10:26, 01/11/2015

Xem trong clip, có thể dễ dàng nhận thấy, khi T bị đánh, không hề có một ai trong lớp vào can ngăn. Thậm chí, có em còn hò reo, vỗ tay cổ vũ...

Lãnh đạo phòng giáo dục lảng tránh

Điều nguy hiểm của nạn bạo lực học đường không chỉ là việc học trò lao vào đánh nhau mà đáng sợ hơn là thái độ nhởn nhơ trước vấn đề này, xem đó là chuyện… bình thường của các bạn học sinh. Xem trong clip, có thể dễ dàng nhận thấy, khi T bị đánh, không hề có một ai trong lớp vào can ngăn. Thậm chí, có em còn hò reo, vỗ tay cổ vũ cho hành động bạo lực này. 

Một nam sinh học cùng lớp với T hồn nhiên cho biết: “Chẳng ai vào can cả cô ạ. Các bạn còn ở ngoài hò reo cổ vũ ấy chứ”. Chua xót, nạn nhân T cũng cho biết, trong suốt quãng thời gian em bị đánh, thi thoảng có một vài bạn lên tiếng bảo đừng đánh nữa nhưng rồi cũng chẳng làm gì được, không ai vào ngăn cản cả. Lúc đó, em chỉ biết khóc thôi, T tâm sự.

Em T kể lại sự việc

Sau khi nhận được thông tin và đã xác minh sự việc, PV đến nhà trường và phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nhiều lần để trao đổi thông tin nhưng đều nhận được sự thờ ơ, lảng tránh.

PV liên tục đến cơ quan liên hệ làm việc, nhưng ông Ngô Tiến Sinh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình - đều cáo “bận họp” tại UBND huyện. Nhưng, tại nơi làm việc, PV thấy cửa phòng ông Sinh mở, vẫn có người ra, người vào và chính nhân viên cơ quan cũng khẳng định, "sếp" đang ở trên phòng. 

Bất lực trong liên hệ gặp mặt để trao đổi thông tin, PV đành cố gắng gọi điện thoại, nhắn tin cho ông Sinh, với mong muốn tiếp nhận thông tin từ hai chiều, nhưng lần nào vị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện vẫn khẳng định: “Không có hiện tượng này xảy ra trên địa bàn”. Khi PV chia sẻ đã có những thông tin cơ bản trong tay, xin liên hệ gặp mặt thì ông Sinh một mặt phủ nhận. 

Theo ông Sinh, ông không biết PV nhận được nguồn thông tin này từ đâu, có chính thống không, mà theo ông thì đó là nguồn thông tin không chính thống. PV tiếp tục hỏi thế nào là nguồn thông tin chính thống và không chính thống thì ông Sinh từ chối trả lời. 

Không gặp mặt được lãnh đạo phòng, PV cố gắng xin giấy giới thiệu để được về làm việc với nhà trường nhưng ông Sinh vẫn tiếp tục từ chối.

Sự thờ ơ của nhà trường

Kiên trì liên hệ với bà Lê Thị Thu Ái – Hiệu trưởng trường THCS Kha Sơn  -để trao đổi về vụ việc này nhưng bà Thu Ái liên tục khẳng định, khi nào có giấy giới thiệu từ phòng Đào tạo thì phía nhà trường mới có thể làm việc, dù PV có giấy giới thiệu công tác của Báo. Trao đổi qua điện thoại, vị Hiệu trưởng chỉ vỏn vẹn: “Tôi bận quá chưa điều tra và cũng chưa thấy có hiện tượng gì xảy ra”. 

N.T.T bị các bạn trong lớp đánh (Ảnh cắt từ clip) 

Tuy nhiên, trước đó, trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện gia đình nạn nhân cho biết, cách đây khoảng hơn 2 tháng tức là vào cuối năm, em N.T.T học lớp 7, sau khi gia đình biết sự việc đã có phản ánh với giáo viên và Ban Giám hiệu nhà trường. Sau đó, sự việc không hề được giải quyết triệt để mà bị chìm vào quên lãng. 

Đáng buồn, PV đã cố gắng liên hệ nhiều lần nhưng đều nhận thấy sự thờ ơ của các cấp lãnh đạo khi chưa điều tra thông tin, chưa gặp mặt PV để trao đổi đã một mực khẳng định “Không có hiện tượng đó xảy ra”. Phía lãnh đạo cũng không hề có bất cứ cuộc liên hệ lại với PV để nắm bắt tình hình. 

Trước đó, như Lao Động đã đưa tin, nữ sinh N.T.T lớp 8. trường THCS Kha Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) bị các bạn trong lớp dồn vào góc tường và đạp, đánh, đá túi bụi, thậm chí, có cả một bạn nam đã ngồi lên đầu cô bé. Đáng nói, sự việc diễn ra ngay tại lớp học nhưng từ đầu đến cuối clip, không một ai đứng ra ngăn cản dù nạn nhân chỉ biết ôm mặt khóc. Phẫn nộ hơn, hiện tượng này đã xảy ra liên tiếp trong vòng 2 năm qua.

Theo Lao động