Doanh nghiệp lo giữ chân lao động
Công nghiệp - Ngày đăng : 08:28, 07/11/2015
Doanh nghiệp thành lập nhiều trong khi lao động khan hiếm dẫn đến tình trạng nhiều công nhân “nhảy việc”, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để giữ chân lao động, các doanh nghiệp phải tạo môi trường làm việc tốt và áp dụng các chế độ đãi ngộ phù hợp
Thường xuyên "nhảy việc"
Hiện tại anh Ngô Văn B. đang là tổ trưởng một tổ sản xuất tại Công ty TNHH Hitachi Cable Việt Nam (khu công nghiệp Tân Trường, Cẩm Giàng). Anh đã từng 4 lần chuyển công ty để có vị trí và mức lương trên 5 triệu đồng như hiện nay. Đi làm từ năm 2007, cứ mỗi lần thấy công ty khác tuyển dụng với chế độ đãi ngộ tốt hơn, vị trí làm việc cao hơn một chút là B. lại xin chuyển việc. “Tôi lấy mọi lý do để xin nghỉ. Có chỗ giữ lại, có chỗ xin là họ cho nghỉ ngay. Chẳng ai muốn đổi công ty liên tục, nhưng do nhu cầu cuộc sống nên tôi phải chuyển chỗ làm để có mức lương cao hơn, vị trí việc làm nhàn hơn. Gần 10 năm đi làm, đây là lần thứ 5 tôi chuyển công ty”, anh B. cho biết.
Theo chị Đặng Thị Hồng Vinh, phụ trách nhân sự Công ty CP May Hải Anh (Bình Giang), số lượng công nhân hiện tại của doanh nghiệp là 500 người. Mỗi năm, công ty giải quyết cho khoảng 150 lao động xin nghỉ việc vì nhiều lý do như đi xuất khẩu lao động, chuyển việc về gần nhà, đi học nâng cao trình độ hoặc nghỉ do không sắp xếp được việc gia đình… Nhiều lao động trong số đó xin nghỉ để chuyển sang doanh nghiệp khác. “Lao động nghỉ việc, nhảy việc gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất buộc doanh nghiệp phải tìm lao động thay thế, mất thêm thời gian và chi phí đào tạo lao động mới. Lao động nghỉ việc cũng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của những người ở lại”, chị Vinh cho biết.
Công ty CP Trúc Thôn (Chí Linh) hiện có 500 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 400 công nhân trực tiếp sản xuất. Mỗi năm, doanh nghiệp này có từ 40 - 50 lao động xin nghỉ việc, chiếm khoảng 10% tổng lao động với nhiều lý do khác nhau. Một trong những nguyên nhân khiến người lao động (NLĐ) nghỉ việc là họ tìm được một công việc khác với thu nhập và điều kiện làm việc tốt hơn. Theo anh Trần Văn Dũng, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính công ty, khi lao động nghỉ việc khiến một số bộ phận sản xuất thiếu lao động cục bộ. Lao động mới tuyển còn hạn chế về tay nghề nên công ty lại mất thời gian và chi phí đào tạo. Sau khi đào tạo, số lao động này phải mất một thời gian dài mới theo kịp cường độ lao động. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Không chỉ doanh nghiệp trong nước, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có điều kiện làm việc, chế độ phúc lợi tốt cũng rơi vào tình trạng nhiều lao động nghỉ việc, "nhảy việc". Mặc dù không nói rõ số lượng lao động xin nghỉ việc hằng năm, nhưng theo ông Vũ Ngọc Linh, Tổng Trưởng phòng, Phòng Hành chính tổng hợp Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (khu công nghiệp Đại An), hằng năm tỷ lệ lao động thay đổi chiếm 2 - 3% tổng số lao động. Như vậy, với lượng lao động lên đến gần 9.000 người thì số lao động xin nghỉ việc của doanh nghiệp này không hề nhỏ. Xin nghỉ việc, chuyển việc là nhu cầu hết sức bình thường của NLĐ. Theo ông Linh, lao động "nhảy việc", nghỉ việc do nhiều nguyên nhân như sức khỏe không bảo đảm, đi xuất khẩu lao động hoặc tìm được công việc mới phù hợp hơn với bản thân và gia đình. Nhiều lao động "nhảy việc" chưa hẳn đã do doanh nghiệp khác trả lương cao hơn. Có thể họ tìm được một môi trường làm việc phù hợp, khả năng của họ được ghi nhận. Điều này buộc người quản lý phải suy nghĩ, xem xét, điều chỉnh chính sách phù hợp để người lao động an tâm, gắn bó với doanh nghiệp.
Mặc dù rất quan tâm chăm lo đời sống người lao động, mỗi năm tỷ lệ lao động nghỉ việc
ở Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam cũng tới 2-3%
Giữ chân lao động
Do lượng lao động nghỉ hằng năm không nhỏ, Công ty CP May Hải Anh luôn xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo lao động bảo đảm hoạt động sản xuất được liên tục. Công ty chú trọng tuyển dụng lao động trực tiếp, lao động chưa có tay nghề, hỗ trợ lương cho những lao động này trong thời gian đào tạo. Đối với lao động có tay nghề, công ty sẽ có chính sách hỗ trợ để mức lương của họ tương đương với mức lương mặt bằng chung của công ty. Đối với lao động tiềm năng, công ty có thể luân chuyển, bố trí làm ở nhiều vị trí khác nhau để chủ động khi có lao động nghỉ việc. Theo chị Đặng Thị Hồng Vinh, phụ trách nhân sự, bên cạnh công tác tuyển dụng, công ty còn đưa ra nhiều chính sách giữ chân lao động trước sự cạnh tranh của các doanh nghiệp khác như cải thiện điều kiện làm việc, tạo môi trường làm việc gần gũi, thân thiện giữa NLĐ và quản lý, xây dựng mô hình làm việc và hình thức trả lương với các tiêu chí: công bằng với tất cả lao động, giảm giờ làm nhưng không giảm thu nhập, nâng cao tinh thần đoàn kết, đề cao tinh thần tập thể, xây dựng các “chuyền chế độ” (thai sản, con nhỏ) để tạo điều kiện về thời gian làm việc, nghỉ ngơi hoặc lao động có nhu cầu nghỉ dài hạn để chăm sóc con cái.
Ông Vũ Ngọc Linh trăn trở: tại sao điều kiện làm việc tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm nhưng nhiều lao động vẫn xin nghỉ việc, chuyển việc? Ngoài những nguyên nhân bất khả kháng thì sự nhận thức chưa đầy đủ là lý do quan trọng khiến NLĐ luôn có tâm lý chuyển việc. NLĐ luôn có tâm lý so sánh thu nhập giữa các doanh nghiệp mà không để ý đến môi trường và điều kiện làm việc. Vì vậy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp, môi trường lao động chuyên nghiệp, có cơ hội khẳng định mình là một trong những giải pháp giữ chân NLĐ của Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng, đào tạo lao động mới cũng được công ty chú ý. Ngay khi được tuyển dụng, lao động mới được đào tạo, phổ biến nội quy, quy chế, các chế độ, chính sách và văn hóa của công ty. Trong quá trình này, nếu thấy không phù hợp, NLĐ có thể xin nghỉ. Trong quá trình làm việc, công ty nghiên cứu, sắp xếp vị trí công việc phù hợp với năng lực của từng người để họ phát huy hết khả năng, tạo tâm lý thoải mái. Với những giải pháp đó, tỷ lệ lao động xin nghỉ việc, chuyển việc của công ty thấp hơn nhiều so với thời điểm trước.
Sự cạnh tranh lao động ngày càng lớn, các doanh nghiệp tìm mọi cách lôi kéo lao động của nhau. Tâm lý của NLĐ, nhất là lao động trẻ luôn muốn xê dịch. Họ luôn so sánh điều kiện làm việc, mức thu nhập giữa các doanh nghiệp để lựa chọn. Vì vậy, trách nhiệm của người quản lý là hiểu, chia sẻ, tạo điều kiện để NLĐ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Nâng cao thu nhập tương xứng với công sức của NLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhân văn là yếu tố quan trọng để giữ chân họ. Phải làm sao để NLĐ phát huy hết khả năng, nhận thấy cơ hội thăng tiến trong công việc, lúc đó họ sẽ an tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
VỊ THỦY