Gian nan “tìm” con
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:02, 16/11/2015
Có giọt nước mắt vỡ òa vì hạnh phúc, nhưng cũng có những giọt nước mắt lặn sâu trong tâm can vì khắc khoải, mong ngóng...
Hai thiên thần bé nhỏ của vợ chồng chị Lê Thị Thùy ở xã Thanh Hải (Thanh Hà)
trong vòng tay hạnh phúc của bà nội và mẹ
Đó là cảm xúc, là tâm trạng của những cặp vợ chồng hiếm muộn trong hành trình đi tìm con.
Hành trình đầy khó khăn
|
Đầu năm 2008, chị Lê Thị Thùy, xã Thanh Hải (Thanh Hà) kết hôn với anh Lê Văn Sỹ trong niềm hân hoan của hai bên gia đình. Một năm sau ngày cưới, chị Thùy vẫn chưa có thai. Mong ngóng, chờ đợi, chị đi kiểm tra sức khỏe tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, bác sĩ nói sức khỏe chị bình thường. Năm 2010, chị bàn với chồng cùng lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để khám. Kết quả cho thấy nguyên nhân không có con do anh Sỹ khiến vợ chồng chị bị sốc nặng. Sau một thời gian tuân thủ phác đồ điều trị nhưng sức khỏe của anh vẫn không được cải thiện, anh Sỹ chuyển sang dùng thuốc đông y. Hai năm dùng thuốc đông y nhưng vẫn không thành công, không ít lần anh Sỹ muốn buông bỏ để chị Thùy đi tìm hạnh phúc mới. Được gia đình hai bên động viên, đầu năm 2014, vợ chồng chị quyết định nghỉ làm, một lần nữa lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương để kiểm tra lại từ đầu. Tại đây, các bác sĩ cho anh Sỹ uống thuốc điều trị còn chị uống thêm thuốc bổ để tăng kích thích trứng nhưng vẫn không có kết quả. Bác sĩ hướng dẫn vợ chồng chị áp dụng phương pháp bơm tinh trùng vào cổ tử cung, nhưng cả hai lần bơm đều thất bại. Cuối cùng bác sĩ khuyên hai vợ chồng làm thụ tinh trong ống nghiệm. Vợ chồng chị Thùy liên tục di chuyển từ Thanh Hà lên Hà Nội trong vòng 1 tháng, để chị được kích thích buồng trứng, còn anh Sỹ thực hiện chế độ ăn uống theo chỉ dẫn. Mặc dù đồng ý phương pháp có con bằng thụ tinh trong ống nghiệm nhưng vợ chồng chị vẫn được các bác sĩ chia sẻ sự lo ngại về khả năng có con rất thấp do tinh trùng của anh Sĩ yếu và ít. Sau các xét nghiệm chuyên khoa, bệnh viện quyết định dùng kỹ thuật mở tinh hoàn của người chồng để lấy tinh trùng. Cuối tháng 10 -2014, chị Thùy được chuyển phôi vào cơ thể.
Cháu Nguyễn Thu Hương, con chị Nguyễn Thị Thúy ngày càng khôn lớn
và ngoan ngoãn (ảnh do nhân vật cung cấp)
Hạnh phúc đến muộn
Những ngày chờ đợi phôi phát triển trong cổ tử cung là những ngày chị Thùy hồi hộp lo âu. Sau hai tuần, chị được bác sĩ thông báo đã có thai. Nước mắt vỡ òa. Một thời gian ngắn sau, chị được thông báo tiếp mình đã mang thai đôi, phát triển bình thường. "Không hạnh phúc nào sánh bằng chị ạ! Chỉ với ba phôi được cấy vào nhưng tôi đã đậu được hai thai" chị Thùy chia sẻ. Giữa tháng 8 - 2015, khi thai được 36 tuần tuổi, các bác sĩ quyết định mổ đẻ để bảo đảm sức khỏe cho cả mẹ lẫn con. Ca mổ đã thành công. Lần đầu tiên trong suốt 7 năm qua, chị mới cảm nhận được thế nào là hạnh phúc làm mẹ. Hạnh phúc càng được nhân lên gấp bội bởi cặp song sinh của vợ chồng chị Thùy là một trai, một gái. Nhìn hai thiên thần bé bỏng nằm trong vòng tay của bà nội và mẹ, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn hạnh phúc của vợ chồng chị Thùy.
Dù gặp nhiều đớn đau, nước mắt và tốn kém không biết bao nhiêu tiền bạc, nhưng chị Nguyễn Thị Thúy ở phố Bình Lộc (TP Hải Dương) chưa bao giờ hết hy vọng trên hành trình “tìm” con. 29 tuổi mới lập gia đình, chồng lại hơn chị tới 12 tuổi nên anh chị luôn mong mỏi sớm có con. Tuy nhiên, hơn 3 năm chạy chữa, áp dụng nhiều biện pháp mà anh chị vẫn không thể có con. Năm 2007, chị quyết định lựa chọn phương pháp thụ tinh nhân tạo song cả 3 lần thụ tinh trong ống nghiệm đều thất bại. Mệt mỏi, thất vọng, năm 2009 chị tiếp tục thực hiện biện pháp đông, tây y kết hợp, cuối cùng chị đã có được hạnh phúc làm mẹ. Con gái chị giờ đây đã học lớp 1. Nhìn con khôn lớn mỗi ngày, niềm hạnh phúc trong chị không thể nào nói hết...
Hành trình gian nan đầy nước mắt, tốn kém cả về thời gian và tiền bạc của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã được đền đáp xứng đáng trong hạnh phúc làm mẹ, làm cha. Nhưng hằng ngày, hằng giờ vẫn có biết bao gia đình, cặp vợ chồng vẫn gian nan trên con đường “tìm” con.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Dương cho biết: "Tình trạng hiếm muộn, vô sinh ở Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Tại Bệnh viện Phụ sản Hải Dương số lượng các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đến khám tư vấn, điều trị đang gia tăng, người trẻ tuổi mắc vô sinh ngày càng nhiều. Nguyên nhân dẫn đến vô sinh, hiếm muộn rất đa dạng, trong đó xuất phát có thể từ vợ hoặc chồng, hoặc cả vợ lẫn chồng. Nổi bật là hiện tượng viêm nhiễm ở phụ nữ, rối loạn nội tiết, do cơ học, cụ thể bị tắc dính vòi trứng và dính buồng tử cung, do dị dạng bẩm sinh, chất lượng, số lượng tinh trùng của nam giới... Điều đáng nói, hiếm muộn xuất phát từ nam giới chiếm tỷ lệ không nhỏ, khoảng 40%, tương đương với tỷ lệ của nữ, còn lại không rõ nguyên nhân".
Những cặp vợ chồng chung sống với nhau không áp dụng các biện pháp tránh thai, sau 1 năm mà không có thai cần đến các bệnh viện chuyên khoa thăm khám để sớm phát hiện và điều trị. "Vô sinh, hiếm muộn không phải là bệnh không có cách điều trị vì vậy các cặp vợ chồng đừng bỏ lỡ cơ hội làm mẹ, làm cha khi khoa học ngày càng phát triển", bác sĩ Huy khẳng định.
HÀ VY