Kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia
Tin tức - Ngày đăng : 07:55, 19/11/2015
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu 3 điểm liên quan đến bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Ảnh: TTXVN
Quan điểm trong quan hệ với Trung Quốc
Đề cập đến vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã nhiều lần trình bày trước Quốc hội (QH) về vấn đề tranh chấp chủ quyền, các diễn biến phức tạp trên Biển Đông và quan hệ Việt - Trung. Quan điểm, lập trường, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là rõ ràng, nhất quán, cơ bản phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng còn không ít khó khăn, thách thức. Việt Nam cần kiên trì, kiên định thực hiện sáng tạo, hiệu quả các lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng với các vấn đề mà các đại biểu đã nêu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh 3 điểm trong quan hệ với Trung Quốc và xử lý vấn đề tranh chấp Biển Đông. Thứ nhất, chúng ta chân thành làm hết sức mình để tăng cường hữu nghị hợp tác, bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Thứ hai, chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước cũng như luật pháp quốc tế. Thứ ba, đồng thời với phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường cho quốc phòng, an ninh, nâng cao công tác đối ngoại, giữ vững trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý, lẽ phải của chúng ta, gìn giữ hòa bình và ổn định, tạo thuận lợi cho xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trước đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đã nêu câu hỏi chất vấn đề tình trạng nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng phụ thuộc ngày càng sâu vào Trung Quốc trên hầu hết lĩnh vực. "Cử tri đề nghị không vay tiền và không nhận viện trợ từ Trung Quốc, ít nhất là trong thời điểm này", đại biểu Nghĩa đề nghị. Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) gửi câu hỏi chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước việc Trung Quốc bồi đắp và xâm lấn nghiêm trọng hơn trên biển Đông, Chính phủ có chủ trương, giải pháp nào?...
Chủ tịch Quốc hội cũng trả lời chất vấn
Cũng trong buổi sáng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lần đầu đăng đàn trả lời 3 câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng phiên chất vấn; xử lý bồi thường oan sai; tác động từ phía luật pháp đối với doanh nghiệp tư nhân; quy trình xây dựng luật...
Về đề xuất xây dựng luật để phân cấp trách nhiệm của Chính phủ và địa phương, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ, kể cả Luật Tổ chức QH liên quan đến HĐND địa phương thì đã có những quy định về phân cấp, phân nhiệm để Chính phủ, Thường vụ QH có hướng dẫn phân cấp. Những việc đó, QH vừa thảo luận và ban hành xong, nhưng chưa có hiệu lực thi hành ngay. Bởi vậy, Chủ tịch QH cho rằng không cần phải ban hành một luật riêng về vấn đề này mà cần tổ chức thực hiện tốt các luật sắp có hiệu lực.
Về phân định lỗi cá nhân hay lỗi công vụ trong xử lý oan sai để tiến hành bồi thường hay lấy tiền ngân sách nhà nước, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng các luật liên quan đến bồi thường đã có phân biệt khá rõ các hình thức lỗi như lỗi do cá nhân thẩm phán; lỗi cá nhân nhưng là do cố ý, do trình độ, năng lực; lỗi do công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án... Khi xét xử, quyết định bồi thường, thẩm quyền thuộc về cơ quan xét xử tòa án. Như vậy, có thể nói Luật Bồi thường, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và Luật Cơ quan điều tra sắp thông qua đều quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, tổ chức, cá nhân...
Dự án nghìn tỷ "đắp chiếu"
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
về những yếu kém của nền kinh tế
Đầu giờ sáng, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn các đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) về dự án polyester Đình Vũ và gang thép Thái Nguyên, vốn đầu tư 7.000 - 8.000 tỷ đồng nhưng "đắp chiếu".
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết dự án xơ sợi ở Đình Vũ (Hải Phòng) đã chính thức vận hành vào ngày 29-5-2014 và đến hết năm 2014 vận hành đạt 48% công suất. “Việc này so với kế hoạch là không đạt. Năm 2014, bước đầu xác định lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng, trong khi nộp ngân sách là 212 tỷ đồng. Nguyên nhân cũng đã được xác định, trước hết là các định mức và chi phí vận hành tăng hơn so với tính toán trong báo cáo nghiên cứu khả thi”, Bộ trưởng Hoàng nói.
Về dự án polyester Đình Vũ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết hiện những sản phẩm sản xuất ở đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam vẫn phải nhập từ nước ngoài. "Giá bên ngoài có cạnh tranh hơn, nhưng trước mắt cố gắng tiêu thụ khoảng 50% sản phẩm của nhà máy, sau này khi mặt bằng giá cân bằng sẽ mua nhiều hơn. Kế hoạch đặt ra cho năm 2015 giảm lỗ xuống còn 600 tỷ đồng, năm 2016 cố gắng cơ bản cân đối được thu và chi", Bộ trưởng Hoàng nói.
Về dự án gang thép Thái Nguyên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết dự án này được đầu tư vào cuối năm 2007 với vốn vay của Trung Quốc do Công ty Luyện kim Trung Quốc làm tổng thầu EPC. Trong quá trình triển khai dự án đã gặp một số khó khăn. Từ năm 2007 đến nay, phần thiết kế mới đạt được 88,3% khối lượng, phần mua sắm thiết bị đạt được 93,8%. Phần xây dựng đạt được hơn 1.000 tỷ đồng. Về giải pháp sắp tới, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phải rà soát lại các khoản còn thiếu trong vốn đầu tư và giao cho Tổng công ty Thép Việt Nam trao đổi với các ngân hàng như Viettinbank, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước của Bộ Tài chính có thể thu xếp cho chủ đầu tư vay một số khoản còn thiếu đối với vốn đầu tư. Bên cạnh đó, yêu cầu đàm phán lại với Công ty Gang thép của Trung Quốc. “Hai bên thống nhất được, khoảng cuối tháng 11 năm nay sẽ ký được phụ lục sửa đổi hợp đồng liên quan đến tổng thầu EPC và phấn đấu đến cuối tháng 3 - 2017 đưa toàn bộ các hạng mục của dự án vào chạy thử”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Buổi chiều, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
TTXVN-TT
Ý kiến cử tri Kiểm tra còn chồng chéo Trước câu hỏi truy vấn đến cùng trách nhiệm của từng bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời rất rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành và thẳng thắn chỉ ra kết quả chưa đạt mục tiêu của Chính phủ đề ra. Phó Thủ tướng cũng khẳng định việc phân công giữa các bộ, ngành không chồng chéo; quy định pháp luật về cơ bản là đầy đủ, đồng bộ, vấn đề là ngành dọc giải quyết ra sao, vai trò của các địa phương, sự giáo dục đạo đức, nhận thức xã hội thế nào... Tôi thấy phần trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ đã nêu trúng vấn đề. Tôi cũng cho rằng các vấn đề liên quan tới nhiều ngành dù đã có quy định cụ thể nhưng khi triển khai ở các địa phương thì còn chồng chéo. Riêng đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, tôi thấy trong khâu kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra tình trạng một cơ sở phải “tiếp” quá nhiều đoàn kiểm tra dù cơ sở ấy không vi phạm, nhưng có nhiều vi phạm ở những nơi khác thì không thấy ai kiểm tra phát hiện. VŨ XUÂN HỒNG Xử lý nghiêm đối tượng đưa chất cấm vào thức ăn chăn nuôi Tuy nhiên, tôi chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng khi nói: Bộ đã có một loạt những chỉ đạo rất quyết liệt, hàng loạt những văn bản đã được ban hành về vấn đề này. Thực tế tôi thấy các chỉ đạo của Bộ NN-PTNT hiệu quả chưa rõ. Cụ thể, nhiều cửa hàng vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi vẫn bán các sản phẩm chứa chất cấm, chất kích thích cho cây trồng. Nhưng tôi đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng khi đề nghị Quốc hội sửa đổi một số điều trong Bộ luật Hình sự theo hướng cụ thể hơn nữa. Chẳng hạn, điều 244 Bộ luật Hình sự quy định nếu buôn bán thực phẩm độc hại mà gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng thì mới xử lý. Trên thực tế, thực phẩm "bẩn", nông sản được chăm sóc bằng chất cấm thường không gây chết người ngay mà gây tác hại từ từ, nhiều năm sau mới biểu hiện ra. Bộ luật Hình sự cần bổ sung chế tài xử phạt nghiêm theo hướng những đối tượng sản xuất, buôn bán thức ăn chăn nuôi có chất cấm, chất kích thích kể cả trong trường hợp chưa gây thiệt hại tính mạng hoặc chưa ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe ngay. Nhà nước nên quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu về vấn đề này. Cơ quan nào phụ trách, địa phương nào để xảy ra tình trạng buôn bán, sử dụng chất cấm tràn lan thì cần xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. NGUYỄN VĂN HÙNG Tiếp tục kỳ vọng Tôi mong rằng trong các kỳ chất vấn sau các đại biểu Quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi cụ thể. Người được chất vấn cũng cần trả lời thẳng thắn, rõ ràng, đúng trọng tâm câu hỏi, tránh trả lời lòng vòng, không đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. PHẠM VĂN TĨNH Giảm chương trình, tăng hiệu quả Từ thực tế đó nên khi theo dõi Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII bàn thảo về việc gom nhiều chương trình mục tiêu quốc gia thành 2 chương trình là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo thì dư luận cử tri đồng tình cao. Bởi vì chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gồm 19 tiêu chí đã bao hàm toàn bộ đời sống vật chất và văn hóa ở nông thôn, trong đó có giảm tỷ lệ hộ nghèo, có nâng cao thu nhập của người dân. Như vậy, muốn đạt được các tiêu chí trên thì phải truyền dạy nghề, mở rộng sản xuất, kinh doanh… Giảm chương trình mục tiêu quốc gia nhưng được tập trung chỉ đạo và tạo điều kiện về nguồn lực thì hiệu quả toàn diện sẽ cao hơn, làm cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân ngày càng tiến bộ, vững chắc. NGUYỄN THẾ |
Sáng 19-11, QH làm việc tại hội trường nghe tờ trình về dự án Luật Dược (sửa đổi); báo cáo thẩm tra dự án Luật Dược (sửa đổi); biểu quyết thông qua Luật An toàn thông tin mạng; thảo luận về dự án Luật Đấu giá tài sản. Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ dự án Luật Dược (sửa đổi); dự án Luật về Hội. |