Những người thầy của trẻ
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 08:22, 20/11/2015
Tuy không có nhiều lợi thế bằng nữ giới song với lòng yêu nghề, mến trẻ, các thầy giáo tiểu học vẫn làm tốt vai trò để lại những dấu ấn đặc biệt với trẻ.
Thầy giáo Chu Văn Chiến (Trường Tiểu học Lê Lợi, Chí Linh) đóng vai trò “bảo mẫu” trong giờ nghỉ trưa của học sinh
Nhắc tới giáo viên tiểu học, người ta thường nghĩ ngay tới câu hát “cô giáo như mẹ hiền”. Tuy không có nhiều lợi thế bằng song với lòng yêu nghề, mến trẻ, các thầy giáo tiểu học vẫn làm tốt vai trò để lại những dấu ấn đặc biệt với trẻ.
Vừa là bạn, vừa là cha
Đến lớp 5A, Trường Tiểu học Lê Lợi (Chí Linh) vào lúc 10 giờ 30 sáng một ngày giữa tháng 11, tôi đã thấy những cặp lồng cơm được xếp trong thùng ngay ngắn trước cửa. Kết thúc giờ học buổi sáng, thầy giáo Chu Văn Chiến, giáo viên chủ nhiệm lớp điều hành và hỗ trợ các học sinh mang cơm vào phát cho từng bàn. Trong lúc các em ăn, thầy Chiến đi vòng quanh lớp quan sát. Những học sinh còn vụng về, lóng ngóng được thầy hướng dẫn cách lấy cơm ra bát, cách cầm đũa, tư thế ngồi ăn sao cho đúng... Vừa hướng dẫn học sinh thầy Chiến vừa trò chuyện, kể những câu chuyện cười nhẹ nhàng. Cả lớp ngồi ăn trong trật tự và vui vẻ. “Học sinh lớp 5 đều đã được rèn nền nếp từ những năm học trước nhưng vẫn phải uốn nắn, chỉ bảo nhiều. Cách hướng dẫn phải tế nhị, vui vẻ để học sinh không xấu hổ với các bạn xung quanh. Hôm nào cũng phải cho các em ăn xong, sắp xếp chỗ ngủ đâu vào đấy thì giáo viên chủ nhiệm mới được về ăn cơm”, thầy Chiến nhẹ nhàng tâm sự về “công việc đặc biệt” của mình.
Xã Lê Lợi ở vùng sâu của thị xã Chí Linh, học sinh về nhà buổi trưa không thuận tiện nên tất cả các em đều ăn bán trú. Điều đó đồng nghĩa với việc thầy Chiến trở thành “bảo mẫu” cho học sinh vào các buổi trưa đã 12 năm, tính từ khi thầy về trường công tác. Gắn bó với học sinh như vậy nên các em đều rất thương mến thầy. Nguyễn Thị Mai Trinh, học sinh lớp 5A cho biết: “Chúng em rất thích học giờ thầy Chiến vì thầy hay kể chuyện và tính thầy hài hước. Học giờ của thầy hào hứng và dễ hiểu. Giờ ra chơi thầy còn hay ngồi trò chuyện với chúng em”.
Không chỉ lên lớp giảng dạy, các giáo viên tiểu học còn chăm sóc, gần gũi với học sinh ở ngoài giờ để lắng nghe ý kiến, tâm tư của các em như thế. Nếu như các cô giáo được trìu mến nhắc đến “cô giáo như mẹ hiền” thì các thầy giáo ở tiểu học đóng vai trò như là người bạn, người cha của trẻ lúc ở trường. Thầy giáo Vũ Quốc Huy (Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, TP Hải Dương) thường hòa mình vào các trò chơi với học sinh trong giờ ra chơi. Không chỉ đá cầu, đá bóng với các bạn nam, thầy Huy còn không ngại ngần chơi cả nhảy dây cùng các học sinh nữ. “Đó là một cách để tạo mối quan hệ hài hòa với học sinh như là người anh, bạn bè. Tôi không muốn học sinh phải sợ thầy mà luôn cố gắng để các em cảm thấy vui vẻ, từ đó các em lại dễ nghe lời thầy hơn”, thầy Huy nói về phương châm giáo dục của mình.
Ở các trường tiểu học, giáo viên nam dạy các môn văn hóa thường được bố trí dạy lớp 4 lớp 5 là những lớp học sinh đã lớn, không cần phải chăm sóc nhiều như khi mới đến trường. Nhưng giáo viên dạy bộ môn như mỹ thuật, thể dục thì phải dạy tất cả các khối lớp do số tiết học các môn này ít. Giáo viên bộ môn có những cách riêng để “làm bạn” và dạy học sinh. Thầy giáo Nguyễn Tiến Quân dạy môn mỹ thuật (Trường Tiểu học thị trấn Nam Sách) cho biết: “Đa số học sinh tiểu học thích học vẽ nhưng nhiều em không kiên trì nên giáo viên phải tìm cách tạo hứng thú cho các em. Trong lớp học không được nghiêm khắc quá mà phải tạo cơ hội cho các em được trao đổi với nhau. Dạy nhiều học sinh nên trong giờ học tôi tranh thủ trò chuyện với các em về mỹ thuật và sở thích, ước mơ để thầy trò gần gũi nhau hơn”.
Chưa từng nản chí
Ở các trường tiểu học, số lượng giáo viên nam thường rất hiếm hoi so với nữ, có những trường còn không có giáo viên nam. Quan niệm chung của nhiều người trong xã hội là công việc giảng dạy ở bậc tiểu học phù hợp với nữ giới hơn là nam. Quan niệm ấy vô hình trở thành một sức ép khó khăn cho các giáo viên nam dạy tiểu học. Thầy giáo Bùi Quang Huyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TP Hải Dương) nhớ mãi một kỷ niệm không mấy vui khi mới ra trường: “Mấy chục năm trước, khi tôi bắt đầu dạy tiểu học, trở về làng quê tôi thường được mọi người hỏi Bây giờ cậu làm thầy giáo làng thật đấy à? Sự ngạc nhiên rất thành thật đó cũng làm tôi đôi chút chạnh lòng”.
Song sự chạnh lòng đó cũng như những khó khăn trong công việc không khiến các thầy giáo tiểu học bỏ cuộc giữa chừng mà càng thôi thúc họ khẳng định mình trong công việc. Không có tính kiên trì, khéo léo thiên bẩm như nữ giới nên các thầy không ngần ngại rèn luyện để có được những đức tính này. Thầy giáo Vũ Quốc Huy đã gắn bó với nghề 18 năm tâm sự: “So với trước kia, bản thân tôi có nhiều thay đổi để phù hợp với nghề nghiệp. Nam giới thường ăn to nói lớn nhưng vào nghề thì phải nhẹ nhàng với học sinh. Có những em nghe giảng một lần chưa hiểu, tôi phải giảng đi giảng lại 2-3 lần. Nhiều học sinh phải dỗ, nịnh, động viên đủ kiểu mới có hứng thú học bài. Nhờ vậy tính khí của thầy cũng mềm đi rất nhiều”.
Tất cả những giáo viên nam chọn nghề dạy học sinh tiểu học đều xuất phát từ lòng yêu quý trẻ em. Tình cảm này cộng với niềm vui được thấy học sinh trưởng thành hơn mỗi ngày là động lực lớn lao để các thầy giáo gắn bó với nghề và trau dồi kiến thức. “Gắn bó với nhiều thế hệ học sinh, được thấy sự thay đổi trong nhận thức của các em là một điều rất thú vị. Yêu cầu chung của chương trình đào tạo, của xã hội cũng như học sinh ngày một cao nên tôi luôn phải học hỏi, trau dồi kiến thức. Học sinh tiểu học thường coi thầy giáo như là thần tượng nên không thể để các em thất vọng, từ những việc nhỏ nhất như hỏi mà thầy lại không có câu trả lời thỏa đáng”, thầy Chu Văn Chiến cho biết.
Giữ hình ảnh mẫu mực của người thầy, từ trang phục tới tác phong, lời nói là tâm niệm của các thầy giáo dạy tiểu học. Với các thầy, đó không phải sự bó buộc con người mà là vinh dự lớn lao khi lựa chọn công việc “làm thầy - làm bạn - làm cha”.
VIỆT HÒA