Mời gọi doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư
Kinh tế - Ngày đăng : 08:14, 27/11/2015
Chiều 26 - 11, gần 40 doanh nghiệp Nhật Bản đã tham dự Hội thảo xúc tiến đầu tư Nhật Bản vào tỉnh Hải Dương do UBND tỉnh tổ chức.
Các doanh nghiệp sang Hải Dương lần này đều sở hữu công nghệ sản xuất tiên tiến trong các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, năng lượng... và thực sự mong muốn được UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để tìm hiểu, đầu tư. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Nhật Bản khởi đầu việc đầu tư vào Hải Dương.
Thiện chí từ hai phía
Tỉnh ta hiện có 60 dự án đầu tư của Nhật Bản với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1,1 tỷ USD, xếp vị trí thứ 2 trong tổng số 24 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Hải Dương |
Theo thông tin từ cuộc hội thảo, toàn tỉnh hiện có 60 dự án của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, linh kiện cơ khí, thiết bị viễn thông, khuôn đúc, dây và cáp điện ô tô… với tổng vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ USD, xếp vị trí thứ 2 trong tổng số 24 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Hải Dương.
|
Đánh giá về các doanh nghiệp Nhật Bản, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương các doanh nghiệp triển khai đầu tư đúng tiến độ cam kết, hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định và hiệu quả, chấp hành tốt quy định của pháp luật. Đặc biệt, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp Nhật Bản đạt tới 80% so với tổng vốn đầu tư đăng ký, cao nhất trong khối các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại địa bàn tỉnh. "Với nhiều nét tương đồng về văn hóa, lịch sử giữa hai dân tộc, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ có nhiều cơ hội thành công tại Việt Nam nói chung và tại Hải Dương nói riêng. Chúng tôi hoan nghênh các nhà đầu tư vào các ngành và lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các dự án công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường như: sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi mới, các ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp hỗ trợ; thương mại, dịch vụ và chế biến nông sản thực phẩm. Hải Dương ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị dịch vụ và văn hoá đã được quy hoạch”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển nói. Người lãnh đạo cao nhất của tỉnh cũng khẳng định Hải Dương sẽ luôn tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư Nhật Bản đến nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội và đầu tư.
Tham gia hội thảo có cả doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư và những doanh nghiệp đã làm ăn phát đạt tại Hải Dương. Là một doanh nghiệp có mặt trên địa bàn tỉnh cách nay gần 20 năm, Công ty TNHH Bơm Ebara Việt Nam ngày càng phát triển, khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Ông Tanaka, Giám đốc công ty đã đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân lực… Tuy nhiên, theo ông Tanaka còn một số vấn đề cần nhanh chóng khắc phục như: tình trạng ùn tắc trên quốc lộ 5, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ gây nên tình trạng ngập lụt kéo dài khi có mưa lớn. Ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển cũng ảnh hưởng đến hoạt động của công ty... "Nếu những hạn chế trên nhanh chóng được khắc phục, chúng tôi tin tưởng sẽ có rất nhiều doanh nghiệp đến Hải Dương để đầu tư”, ông Tanaka nói.
Cơ hội rộng mở
Theo ông Minoru Maki, đại diện Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp vùng Kyushu, Nhật Bản, mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu lớn của Nhật Bản. Bộ coi Việt Nam là thị trường phát triển và có vị trí rất quan trọng trong khu vực châu Á.
Nhật Bản đã trải qua giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ trong những năm 50 - 60 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển kinh tế là những vấn đề ô nhiễm môi trường. “Từ kinh nghiệm của mình, các doanh nghiệp Nhật Bản tích cực đưa các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực môi trường vào Việt Nam. Những nỗ lực của chúng tôi triển khai các hoạt động sản xuất an toàn và thân thiện với môi trường, mong muốn giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường một cách triệt để”, ông Minoru Maki cho biết.
Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư lần này gồm gần 20 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến môi trường, năng lượng, tái chế rác thải, xây dựng hạ tầng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... Ông Kentaro Uchiyama, Giám đốc Công ty Syudensya, doanh nghiệp chuyên chế biến rác thải thành phân bón cho biết, doanh nghiệp rất muốn được đầu tư vào lĩnh vực chế biến rác thải, chủ yếu là rác thải hữu cơ thành phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn được tạo điều kiện trong quá trình tìm hiểu, đầu tư vào lĩnh vực này trong thời gian tới.
Ông Hiroki Kitano, Giám đốc Công ty DFK Việt Nam chuyên hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kế toán và kiểm toán cho biết trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp Nhật Bản, một số doanh nghiệp phản ánh về tình trạng khó khăn, vướng mắc khi thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục trong lĩnh vực thuế. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn UBND tỉnh nhanh chóng cải thiện vấn đề này để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất.
Đại diện Công ty EIS Việt Nam, ông Katsuzo Suwahita cho biết công ty chuyên sản xuất đèn led cho đường giao thông và các tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, sản phẩm của công ty chưa thực sự phù hợp với thị trường Việt Nam do chi phí cao. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn UBND tỉnh giới thiệu doanh nghiệp trên địa bàn Hải Dương hợp tác cùng sản xuất sản phẩm có giá thành phù hợp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mong muốn UBND tỉnh có những cơ chế, chính sách cụ thể khi những doanh nghiệp này đầu tư vào lĩnh vực sản xuất phân bón, chế tạo máy nông nghiệp loại nhỏ hoặc một số lĩnh vực liên quan đến môi trường, xử lý rác thải, thiết bị tiết kiệm năng lượng…
Tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp Nhật Bản, đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định nhu cầu của tỉnh về vốn, công nghệ hiện đại, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất lớn. Hải Dương có tiềm năng về đất đai, trình độ lao động. Tuy nhiên, có những lĩnh vực, những ngành chưa đáp ứng được yêu cầu như sản xuất cây, con giống, cơ giới hóa nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp hoặc các sản phẩm, thiết bị bảo vệ môi trường... Bên cạnh đó, Hải Dương còn là địa bàn trọng điểm công nghiệp, nhưng phải là công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Cơ hội đầu tư còn rất rộng mở, tỉnh sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.
VỊ THỦY