Những người vợ, người mẹ liệt sĩ ở Bạch Đằng
Việc tử tế - Ngày đăng : 09:18, 28/11/2015
Họ là những phụ nữ đã trải qua nhiều đau thương, mất mát trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc.
Mẹ liệt sĩ Trần Thị Ngung đã 90 tuổi song vẫn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới
Còn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), họ lại hăng hái đi đầu...
Về xã Bạch Đằng (Kinh Môn), chúng tôi được tận mắt chứng kiến nhiều đổi thay của một vùng quê thuần nông nhờ xây dựng NTM. Theo ông Phạm Quang Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã, Bạch Đằng là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn NTM mặc dù không phải là địa phương đăng ký xây dựng đợt đầu. Có được kết quả đó, ngoài nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể còn có sự chủ động, tích cực vào cuộc của các tầng lớp nhân dân, nhất là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ, vợ liệt sĩ.
Con đường NTM được bê tông hóa to đẹp dẫn chúng tôi đến nhà mẹ liệt sĩ Trần Thị Ngung ở thôn Trạm Lộ. Mẹ Ngung đã 90 tuổi nhưng vẫn cần mẫn chăm sóc vườn rau. Ngừng lại tiếp chuyện chúng tôi, dòng hồi ức về một thời quá vãng ùa về trên gương mặt hằn vết thời gian. Mẹ sinh được 4 người con trai thì hai người từ nhỏ đã tật nguyền vì bạo bệnh. Hai người còn lại đã xung phong nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Hòa bình lập lại một người mãi mãi nằm lại tại chiến trường Tây Ninh. Sau bao lần khóc cạn dòng nước mắt, năm 1995, mẹ Ngung cùng gia đình mới đưa được hài cốt liệt sĩ Trần Xuân Mừng về nghĩa trang liệt sĩ xã. Tâm nguyện hoàn thành, giờ mỗi dịp 27-7 hoặc lễ, Tết mẹ lại bảo đứa cháu nội chở lên đó để thắp hương cho con trai và đồng đội. Việc gia đình đã yên tâm, năm 2008, mẹ đứng ra vận động nhân dân trong thôn, con em xa quê đóng góp công của, khôi phục xây lại đình và chùa làng. Công trình hoàn thành, mẹ tình nguyện ra đó trông nom, hương khói. Khi Bạch Đằng xây dựng NTM, mẹ Ngung tích cực hưởng ứng. Mặc dù kinh tế gia đình không thuộc diện khấm khá, con trai tật nguyền, con dâu làm nông nghiệp, ngôi nhà xây còn chưa hoàn thiện, song năm 2014, mẹ Ngung đã dành 20 triệu đồng ủng hộ thôn lấp sông làm đường giao thông, trồng cây xanh ven đường làng và ở các công trình công cộng. Mẹ Ngung cũng nhận hỗ trợ 1 tủ sách và tượng Bác Hồ cho nhà văn hóa thôn Trạm Lộ. Khi thôn làm đường giao thông, ngoài trách nhiệm đóng góp, mẹ vận động con trai út Trần Văn Quyền tham gia giám sát thi công. Mẹ Ngung còn được bà con tin tưởng bầu làm tổ tưởng tổ vận động xây dựng NTM của thôn. Mẹ Ngung tâm sự: “Tại cuộc họp thôn, được mọi người bầu làm tổ tưởng, tôi rất lo mình tuổi cao quá không làm được. Nhưng nghĩ bà con tín nhiệm phải cố làm cho tốt’’. Mẹ Ngung viết thư ngỏ gửi tới các con cháu mình và người dân thôn Trạm Lộ đang sinh sống trên các miền đất nước đóng góp xây dựng quê hương. Từ những lá thư của mẹ, nhiều người đã gửi tiền về. Mẹ còn trực tiếp vận động những du khách đến chiêm bái cảnh đình, chùa ủng hộ thôn xây dựng NTM. Có đoàn về thăm, được mẹ vận động đã ủng hộ 10 triệu đồng. Bằng hình thức trên từ năm 2011 đến nay, mẹ đã vận động được 100 triệu đồng. Số tiền trên được mẹ lập tổ tiếp nhận ghi chép cẩn thận, gửi vào ngân hàng để làm đường giao thông của thôn.
Cũng như mẹ liệt sĩ Trần Thị Ngung, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Sóng được người dân biết đến như tấm gương mẫu mực trong xây dựng NTM ở thôn Kim Lôi, xã Bạch Đằng (Kinh Môn). Trong chiến tranh chống Mỹ, mẹ tiễn chồng và em chồng lên đường chiến đấu, một mình tảo tần chăm sóc bố mẹ chồng, nuôi dạy các con. Năm 1972, người chồng là Nguyễn Công Đoàn hy sinh. Đau khổ còn chưa nguôi, vài năm sau, mẹ lại nhận thêm tin dữ người em chồng cũng vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nén đau thương, mẹ lại tiếp tục động viên các con tiếp bước cha chú. Năm 1988, tin dữ lại giáng xuống: con trai mẹ là Nguyễn Ngọc Khoa hy sinh tại chiến trường Campuchia. Ngần ấy nỗi đau dồn nén nhưng mẹ Sóng vẫn kiên cường, trở thành chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình. Mẹ thầm lặng nuôi dạy con cái trưởng thành.
Mẹ là người tận tình với quê hương, làng xóm. Thôn vận động người dân tham gia các hoạt động vì người nghèo, khuyến học, khuyến tài, tổ chức Trung thu cho các cháu... mẹ đều đi đầu ủng hộ. Trong cuộc sống hằng ngày, mẹ luôn gương mẫu và động viên các con chấp hành nghiêm các quy định, đóng góp của địa phương. Khi Bạch Đằng xây dựng NTM, mẹ cùng gia đình con trai Nguyễn Văn Lãnh hiến 2 thửa ruộng, tổng diện tích 1 sào để làm đường nội đồng. Năm 2014, thôn Kim Lôi xây dựng đường giao thông và cổng làng văn hóa, mẹ đã dành số tiền tích cóp 5 triệu đồng ủng hộ. Các con mẹ ngoài đóng góp theo quy định, mỗi gia đình còn ủng hộ từ 2-5 triệu đồng. Được Nhà nước trợ cấp gia đình thuộc diện chính sách 3 triệu đồng, mẹ liền hiến tặng số tiền này để xây dựng đường vào nghĩa trang... Năm 2014, mẹ Sóng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ở tuổi 85, sức khỏe mẹ đã yếu đi nhiều. Thế nhưng, hằng ngày ngoài hương khói thờ phụng 3 liệt sĩ, mẹ vẫn quan tâm đến sự đổi thay, phát triển của quê hương. Mẹ Sóng tâm sự: “Tôi già rồi, tiền dành dụm chẳng đáng là bao. Thế nhưng nếu địa phương cần tôi vẫn tham gia. Vừa là tấm lòng với quê hương vừa để khích lệ phong trào’’.
Về Bạch Đằng, chúng tôi còn được nghe những câu chuyện xúc động về 10 mẹ, vợ liệt sĩ đã tham gia vận động, tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức, tiền của cho quê hương trong công cuộc xây dựng NTM. Có sự góp phần của những người phụ nữ đặc biệt ấy, Bạch Đằng đã có tới 572 hộ hiến trên 50.000 m2 đất mở đường, 19 người con xa quê hỗ trợ từ 10 - 200 triệu đồng, 32 gia đình vận động con cháu đóng góp từ 10 - 50 triệu đồng, hoàn thành trên 35 km đường giao thông... trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM của tỉnh.
NGỌC HÙNG