Kon Tum đưa cồng chiêng vào giảng dạy trong trường học
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:11, 04/12/2015
Đặc biệt, để bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng một cách bền vững, hoạt động cồng chiêng đã được đưa vào giới thiệu, giảng dạy trong các trường học. Nhờ vậy, đến nay trong số các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, nghệ nhân ở độ tuổi thanh-thiếu niên đã chiếm 2/3.
Tính đến tháng 9, toàn tỉnh Kon Tum có 243/593 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số còn gìn giữ được nghệ thuật diễn cồng chiêng với 323 đội nghệ nhân cồng chiêng; các loại hình hát sử thi cũng được lưu giữ và phát triển.
Tỉnh Kon Tum có 43 nghệ nhân vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Các nghệ nhân được phong tặng lần này là những người đã có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian; loại hình ngữ văn dân gian, lễ hội truyền thống, trí thức dân gian.
Các loại hình nghệ thuật có nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú là những loại hình mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một.
Ngoài các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, toàn tỉnh Kon Tum còn có 10 nghệ nhân được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng, truy tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian; hai nghệ sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú...
Có thể khẳng định trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình văn hóa dân gian, yếu tố con người có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì vậy, các nghệ nhân dân gian cao tuổi đang nắm giữ những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật dân gian chính là những “báu vật sống" để trao truyền những giá trị của các loại hình nghệ thuật dân gian cho những thế hệ sau.
Theo TTXVN