Cá chết do nguồn nước ô nhiễm

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:18, 13/12/2015

Hiện nay, nhiều hộ nuôi thủy sản ở huyện Gia Lộc đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nguồn nước ngày càng ô nhiễm.



Mỗi ngày, chị Thu vớt từ 5-10 kg cá bị chết do nước ao bị ô nhiễm


Cá chết nhiều

Đã hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá, nhưng chị Bùi Thị Thu ở thôn Đươi (xã Đoàn Thượng) chưa bao giờ bị thua lỗ nặng nề như hiện nay. Gia đình chị có hơn 1 mẫu ao nuôi chủ yếu các loại cá truyền thống như trắm, chép, trôi, rô phi. Những năm trước, mặc dù giá cả thị trường bấp bênh nhưng do cá ít bị thiệt hại bởi nguồn nước ô nhiễm nên chị vẫn thu lãi từ 60-70 triệu đồng/năm. Từ cuối năm 2014 đến nay, các lứa cá liên tục bị chết, vụ cá nào chị cũng lỗ vài chục triệu đồng. Giữa năm nay, hơn 2 tấn cá sắp được xuất bán của gia đình chị bị chết do nước bẩn, thiệt hại ước tính khoảng 70 triệu đồng. Hiện nay, tình trạng cá chết vẫn diễn ra thường xuyên. Chị Thu cho biết: "Sáng nào cũng thấy vài con cá chết phơi bụng dưới ao, con nào nhỏ thì nửa lạng, to thì tới gần 2 kg.  Không chỉ có gia đình tôi, mà ở đây hộ nuôi cá nào cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều nhà bị thiệt hại lớn như hộ nhà anh Úc, anh Nam, có hộ còn phải bỏ cả ao nuôi như nhà anh Hoài".

Anh Lê Văn Việt ở thôn Phương Hưng (xã Hồng Hưng) cũng từng thiệt hại nặng nề do bơm phải nước ô nhiễm vào ao. Khoảng tháng 6-2015, anh Việt cho công nhân bơm nước từ hệ thống kênh Chùa So - Quảng Giang vào ao nuôi cá cảnh. Buổi sáng hôm sau, hơn 1 tấn cá vàng trong ao bị chết, thiệt hại lên đến 100 triệu đồng. Anh phỏng đoán: "Nước kênh ở đây bị ô nhiễm, có màu đen và mùi thối bốc lên, rất có thể do nước xả thải của nhà máy chế biến thực phẩm trong khu vực. Nước thường bị xả trộm vào ban đêm". Những lần sau đó, anh rất cảnh giác khi bơm nước vào ao. Hiện tại, trang trại rộng 5 ha của anh không nuôi cá cảnh mà chuyển sang nuôi cá rô phi. Ngoài sử dụng hệ thống bể lắng để lọc nước, anh còn đào 10 giếng khoan, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu nước nuôi thủy sản của trang trại. Do chủ động được một phần nguồn nước nuôi thủy sản nên mức độ thiệt hại đã giảm so với trước.

Khó xử lý

Hiện nay, huyện Gia Lộc có hơn 1.000 ha nuôi thủy sản nằm rải rác ở các xã. Các vùng thủy sản chủ yếu được chuyển đổi từ diện tích cấy lúa không hiệu quả. Phần lớn những xã mới quy vùng nuôi thủy sản đều có hệ thống cấp nước riêng, nhưng do người dân chưa quan tâm nên hệ thống xuống cấp, kém hiệu quả. Do vậy, toàn bộ diện tích nuôi thủy sản phải dùng chung với nguồn nước tưới tiêu trồng trọt. Tuy nhiên, một số tuyến kênh chính chảy qua địa bàn huyện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là tuyến kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng và Chùa So - Quảng Giang.

Kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng là một trong những hệ thống cung cấp nước tưới quan trọng cho nhiều xã như Gia Khánh, Hoàng Diệu, Đoàn Thượng... Tuy nhiên, nước kênh thường xuyên có màu đen, nổi nhiều váng bọt và có mùi hôi khó chịu. Các ống nước thải sinh hoạt của người dân hai bên bờ đổ trực tiếp ra kênh, nhiều đoạn rác thải sinh hoạt nổi trắng mặt kênh gây ách tắc dòng chảy. Anh Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc cho biết: "Tình trạng ô nhiễm trên kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nguyên nhân do các khu kinh doanh dịch vụ và các khu dân sinh dọc theo tuyến kênh thường xuyên xả rác thải và nước bẩn xuống kênh làm cho tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm này khó xử lý do nằm ngoài khả năng giải quyết của huyện".

Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện đã nhiều lần phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra tình trạng  ô nhiễm nguồn nước tại các con kênh. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ kiểm tra được mức độ ô nhiễm nguồn nước, chứ không giải quyết dứt điểm tình trạng trên. "Huyện cũng như các hộ dân nuôi thủy sản chỉ dám nghi ngờ các công ty xả trộm nước thải xuống kênh mương, nhưng chưa có bằng chứng. Hơn nữa, huyện không đủ kinh phí và nghiệp vụ để điều tra các doanh nghiệp cố tình xả thải", anh Phạm Duy Hiển, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết.

TRẦN HIỀN