Nỗi niềm người làm nghề đan tre Phú An
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:35, 14/12/2015
Hằng ngày, những đôi tay khéo léo của người thợ đan lát làng Phú An, xã Cao An (Cẩm Giàng) vẫn tạo ra các sản phẩm từ tre, nứa - cái nghề đã có trên 200 năm tuổi của tổ tiên.
Nghề đan tre truyền thống ở Phú An đang ngày càng mai một
Miệt mài từng sợi đan
|
Sản phẩm của làng nghề Phú An đều được làm từ tre, nứa và rất đa dạng, từ những vật dụng truyền thống dùng trong gia đình như gùi, rổ, rá... cho đến các phương tiện mưu sinh như đó, đăng, nơm, gầu… Tất cả đều được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của những người nông dân nơi đây. Việc đan lát là công việc khá công phu, tốn nhiều thời gian và đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ. Để tạo nên một sản phẩm đan lát truyền thống phải mất rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn những cây tre, cây nứa có độ dẻo phù hợp. Việc này rất cần kinh nghiệm, vì nếu nguyên liệu không tốt, đồ dùng làm ra sẽ nhanh hỏng. Cây tre, nứa, mây sau khi chặt đem về thường được phơi khô, sau đó chẻ nhỏ thành sợi và được vót mỏng. Sau khi đan xong, sản phẩm tiếp tục được treo trên gác bếp để hun khói tránh mối mọt.
Vừa nhanh tay chẻ, vót những sợi lạt mềm, ông Nùng nói: “Muốn làm ra một sản phẩm tốt, bền, người đan không những phải khéo léo mà còn phải nhẫn nại. Như cái đó dùng để bắt cá bắt tôm chẳng hạn, trong quá trình chuốt nan cho đến khi lên khung, người thợ đan phải khéo léo để giữ cho khoảng cách giữa các lạt đan đều nhau, không có kẽ hở để tôm cá không bị lọt ra ngoài. Mỗi loại sản phẩm lại đòi hỏi phải có một cách làm phù hợp”.
Nghe các lão nông kể chuyện về quy trình để tạo ra một sản phẩm đan lát truyền thống có vẻ đơn giản nhưng thực tế lại rất công phu. Từ cách cài nan cho đến từng kiểu đan đều phải theo quy trình riêng. Khác với các sản phẩm là công cụ sản xuất như rổ, rá, nong nia, nơm... không đòi hỏi quá cầu kỳ, những vật dụng dùng lâu năm ít nhiều đều mang tính thẩm mỹ như gùi, mâm ăn cơm, giỏ đựng xôi... thường rất khó vì đòi hỏi phải tạo hoa văn, đường viền, màu sắc theo truyền thống. Với những sản phẩm này, kỹ thuật đan các kiểu lóng, kết nan, tạo màu tự nhiên rất phức tạp, không phải ai cũng làm được.
Thị trường bị thu hẹp là nguyên nhân khiến làng nghề đan tre khó phát triển
Đau đáu giữ nghề
Xã hội phát triển, nhu cầu cuộc sống của người dân càng được nâng cao. Nhiều sản phẩm làm từ vật liệu truyền thống đã được thay thế bằng nguyên liệu mới như nhựa, kim loại… Vì vậy, việc duy trì và phát triển làng nghề truyền thống ở Phú An gặp nhiều khó khăn. Gia đình ông Lê Duy Cảnh, Bí thư Chi bộ thôn Phú An gắn bó với nghề đan tre từ nhiều đời nay. Ông Cảnh trải lòng: "Lúc cao điểm, cả làng Phú An có trên 200 hộ làm nghề. Sau những năm 90, nghề dần mai một. Hiện nay, cả thôn chỉ còn hơn 10 gia đình làm nghề này, chủ yếu là những người đã lớn tuổi vì nhớ nghề và muốn lưu giữ nghề của tổ tiên nên vẫn gắn bó". Thị trường bị thu hẹp nên các sản phẩm truyền thống gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về đời, về nghề, người đàn ông tóc đã phai màu này chỉ biết bùi ngùi khi nhiều người quay lưng với sản phẩm truyền thống.
Bà Nguyễn Thị Huệ, vợ ông Nùng năm nay đã 69 tuổi. Biết đến nghề đan lát từ khi còn nhỏ tuổi, bà Huệ bật mí cho chúng tôi rằng trước đây đan lát đẹp là một trong những tiêu chuẩn để đàn ông ở làng Phú An chọn bạn đời cho mình. "Ngày nay những vật dụng truyền thống ít được người ta dùng nên rất khó bán và giá bán rất rẻ so với công lao động bỏ ra. Vẫn có một số người đến đặt làm nhưng tôi chỉ nhận làm để đỡ nhớ nghề thôi...", bà Huệ ngậm ngùi. Hiện nay, một đôi thúng, đôi sảo có giá bán từ 90.000-120.000 đồng/đôi, rá khoảng trên dưới 50.000 đồng/cái. Mỗi tháng, 2 người làm việc miệt mài mới đan được hơn 30 cái xảo, thu nhập gần 3 triệu đồng. Số tiền ấy chỉ đủ cho một người chi tiêu. Chính vì thế mà những đời sau, đa số người dân Phú An không còn mặn mà với nghề truyền thống. Vì mưu sinh, những nam, nữ thanh niên trong làng đều thoát ly ra ngoài tìm việc làm hết.
Lời tâm sự của các ông lão, bà lão vẫn ngày ngày miệt mài với từng sợi đan khiến chúng tôi không khỏi thấy ngậm ngùi. Mặc dù vậy, hằng ngày, những đôi tay gầy gò, run run của các cụ vẫn tạo ra những chiếc sàng, xảo, nơm, gầu… và đau đáu niềm mong mỏi gìn giữ nghề truyền thống của quê hương.
ÐỨC TÂM