Sáng suốt khi giữ nguyên môn học lịch sử
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 08:33, 14/12/2015
Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 10 diễn ra chiều 27-11, với 90,69% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết, trong đó nêu rõ: “Tiếp tục giữ môn lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới”.
Quyết định ấy đã chấm dứt cuộc tranh cãi tốn bao giấy mực của các học giả, nhà giáo, nhà báo và cả những người dân yêu lịch sử. Cá nhân tôi, một nhà giáo đã 40 năm cầm phấn cho rằng đó là một quyết sách vô cùng sáng suốt, thỏa lòng dân.
Trong một lớp bồi dưỡng ngắn ngày về nghiên cứu văn hóa dân gian, tôi nhớ giáo sư Trần Quốc Vượng có nói đại ý là: Trong tất cả sinh vật trên Trái Đất, chỉ con người mới có quá khứ và biết trân trọng quá khứ của mình. Quá khứ ấy chính là lịch sử. Khi văn minh loài người còn thấp, chữ viết chưa ra đời thì người ta lưu giữ lịch sử bằng ngôn ngữ truyền miệng, đó là truyền thuyết. Đến khi có chữ viết thì nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng đã biết dùng chữ viết để chép sử. Thời phong kiến nước ta, triều đại nào cũng có quan chép sử. Nhờ truyền miệng và ghi chép nên chúng ta mới còn lưu được lịch sử dân tộc qua hàng nghìn năm. Từ khi trường học xuất hiện, môn văn là chủ công để dạy học trò. Lúc ấy trong văn có sử, có địa lý, có triết học, có đạo đức... Do quá trình phát triển, môn sử dần dần tách ra khỏi môn văn với những đặc điểm riêng của nó thành môn độc lập. Sang thời thuộc Pháp, trong nhà trường, môn sử vẫn tồn tại độc lập (mặc dù nội dung học do Pháp đặt ra, khác với bây giờ). Đến thời cách mạng (từ năm 1945 đến nay), môn sử vẫn được học trong nhà trường từ cấp II, cấp III. Một số trường đại học như Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Sư phạm... đều có khoa "Lịch sử".
Vai trò và tác dụng của môn lịch sử trong việc đào tạo giáo dục con người, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, phát triển kinh tế đã quá rõ ràng, không ai có thể chối cãi được. Vì vậy Bác Hồ đã dạy "Dân ta phải biết sử ta". Tuy vậy trong nhiều năm gần đây, học sinh không hào hứng học lịch sử (kể cả môn văn cũng vậy). Song cái đó không phải lỗi ở môn lịch sử mà là ở nội dung và cách dạy lịch sử trong trường học. Vì thế đã có nhiều cuộc hội thảo, chuyên đề và hàng trăm bài báo về môn lịch sử và dạy lịch sử trong nhà trường nhằm lấy lại vị thế cho môn học.
Hầu hết giáo viên mà tôi có dịp tiếp xúc và trao đổi, tâm tình đều cho rằng nên giữ môn lịch sử là môn độc lập bởi các lý do sau đây:
Đặc thù môn lịch sử là sự kiện có thật. Đã là sự kiện thì phải có con người thật làm nên sự kiện ấy; có diễn biến sự kiện, có thời gian và địa điểm xảy ra. Vậy đem gộp với địa lý thì thế nào? Sử là chính hay địa là chính? Có còn con người, thời gian, địa điểm, diễn biến nữa không? Có còn ý nghĩa và bài học nữa không?
Nếu môn lịch sử trong nhà trường không còn độc lập nữa thì khái niệm lịch sử dân tộc từ thời lập nước đến nay với tất cả những đau thương và hào hùng của nó làm thế nào truyền đạt hết thế hệ này đến thế hệ khác. Dân ta có còn biết sử ta như lời Bác Hồ dạy nữa không? Đặc biệt là ý nghĩa tự hào dân tộc sẽ phải thông qua môn học nào mà giáo dục học sinh? Một khi con người quên đi lịch sử cha ông thì hậu họa sẽ ập xuống khôn lường.
Lý luận về tích hợp trong giáo dục thực ra không phải là mới. Ngay từ Đại hội Đảng IV nêu ra 3 nguyên lý giáo dục: "Học đi đôi với hành; Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất; Nhà trường gắn liền với xã hội" đã thể hiện tích hợp rồi. Trong thực tế những năm bảy mươi thế kỷ XX các trường phổ thông đã có phong trào "Đưa thực tế cuộc sống vào bài giảng" là đã tích hợp rồi. Vả lại dù không nói đến tích hợp thì những giáo viên khá và giỏi khi dạy tự họ đã biết tích hợp. Thí dụ dạy hình học ở cấp II thì không thể không giải thích các từ Hán Việt: Tam giác, tứ giác, đa giác, đường trung tuyến, trung trực... Dạy lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ không thể không nói đến địa hình (núi, đèo, sông, suối, rừng...) ở vùng Điện Biên. Qua hai thí dụ trên, người dạy toán đã biết tích hợp với ngôn ngữ, người dạy sử đã tích hợp với địa lý. Song dù tích hợp gì đi nữa thì giờ toán vẫn là giờ toán, giờ sử vẫn là giờ sử chứ không phải "toán lai ngôn ngữ"; "sử lai địa". Ngành giáo dục và đào tạo đã không ít lần đề xuất đổi mới. Có cái thành công nhưng cũng có bài học như việc cải cách chữ viết từ năm 1980 đến năm 2001 lại quay về kiểu chữ truyền thống gây tốn kém bao nhiêu tiền của?
Thật may là Quốc hội đã lắng nghe và thấu hiểu nguyện vọng của đại đa số nhân dân.
VĂN DUY