Tiếng thét gào câm lặng

Đời sống - Ngày đăng : 15:14, 14/12/2015

Q. và tôi cùng lớn lên ở miền quê yên bình ấy. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua một tuổi thơ dữ dội với đói nghèo và bệnh tật của những năm đầu thập niên 90.



Hạn hán kéo dài, mùa màng gần như mất trắng nên những người dân quê tôi phải tìm đủ mọi cách để duy trì sự sống. Những người lớn nhảy tàu đi mót sắn trên Lào Cai, Yên Bái. Còn lũ trẻ chúng tôi thì đi hái rau rừng giúp gia đình sống qua ngày tháng. Khi đó sự khắc nghiệt của thiên nhiên và dịch bệnh đã không thể giết chết chúng tôi. Tôi và Q. vẫn vượt qua để trưởng thành như ngày hôm nay. Cuộc sống bây giờ đã no ấm, đủ đầy và tốt đẹp hơn nhiều. Vậy mà, đùng một cái, tôi nghe tin Q. tự hủy hoại mình bằng thuốc trừ sâu như một sự giải thoát. May mắn thay Q. được cứu sống nhưng sự việc ấy khiến tôi không nguôi ám ảnh. Người ta trách móc, thương hại và ân hận. Nhất là những người đã đẩy Q. vào sự bế tắc và tuyệt vọng ấy.

Q. học xong phổ thông thì xin đi làm cho một khu công nghiệp trong thành phố. Lương công nhân ngày làm tám tiếng không đủ sống nên Q. phải làm thêm bốn tiếng một ngày. May mắn thay Q. lấy chồng về làm dâu trong gia đình khá giả nên cuộc sống đỡ vất vả hơn. Q. sống đơn giản và không có mơ ước hay hoài bão gì lớn nên bằng lòng với cuộc sống của mình, nhất là khi hai đứa con lần lượt ra đời. Nhưng rồi tình hình kinh tế có nhiều biến động, giá cả leo thang, lạm phát tăng và tệ nhất là việc nhiều nhà máy, doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Những công nhân như Q. rơi vào cảnh thất nghiệp. Q. ở nhà nội trợ và chăm sóc con cái trong thời gian chờ việc. Tâm lý Q. bắt đầu lo lắng và bất ổn. Điều đó không có gì khó hiểu khi hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn học và còn hàng trăm khoản chi tiêu lớn nhỏ khác cần đến tiền, vậy mà Q. không có việc làm. Đúng lúc đó, công việc kinh doanh của chồng Q. cũng gặp không ít khó khăn. Thế nhưng tiền bạc không hẳn là vấn đề chính dẫn đến những biến đổi tâm lý bất ổn trong Q. Nhưng chắc rằng việc Q. tự sát sẽ không xảy ra nếu chính người chồng không đẩy cô đến bên bờ vực của sự hoang mang, tuyệt vọng. Bao nhiêu bực bội trong công việc anh ta đã trút thẳng vào vợ của mình. Kèm theo những lời mạt sát, chửi rủa không thương tiếc đã khiến Q. cùng quẫn. Tôi thấy Q. trầm tính và ít nói hơn xưa, như có gì đó bức bí trong lòng không cách nào giải tỏa.

Cho đến khi nhìn Q. nằm cấp cứu trong bệnh viện tôi mới hiểu tiếng thét gào câm lặng trong cô bạn bấy lâu nay. Những người hàng xóm nói rằng họ nghe thấy tiếng đổ vỡ thường xuyên trong nhà Q. và họ cũng nhìn thấy những vết thâm tím trên thịt da cô ấy. Vì người chồng luôn cho rằng vợ mình là gánh nặng, là nguyên nhân của mọi khó khăn trong thực tại. Tôi dám chắc khi đó người đàn ông mà Q. gọi là chồng đã không hề quan tâm đến tâm trạng của vợ mình thì còn trông mong gì sự cảm thông, chia sẻ. Tôi không khỏi xót xa khi bạn tìm cách kết thúc cuộc đời mình chỉ vì không chịu nổi sự cô đơn cùng quẫn. Một câu hỏi cứ trở đi trở lại trong đầu tôi rằng tại sao những năm tháng đói kém nhất, cơ cực nhất người ta không bao giờ nghĩ đến cái chết, chỉ thấy sự sống đang thúc giục từng giây phút? Vậy mà khi đời sống đã tốt hơn nhiều, chỉ cần vấp phải chút khó khăn, nghịch cảnh người ta lại dễ dàng buông xuôi đến thế? Phải chăng là do cuộc sống quá nhiều áp lực vô tình khiến con người ta không còn nhìn thấy những giá trị của chính mình. Cũng không đủ bình tĩnh, sáng suốt và lòng thương cảm để thấu hiểu những nỗi ưu phiền, đau đớn mà người khác mang vác trên vai. Nhiều người đã không đủ sức để kháng cự lại khi khó khăn và nỗi cô đơn ập đến. Và cũng có những bàn tay thân thuộc thay vì nâng đỡ, nắm níu lấy nhau để đi qua giông gió thì đã gián tiếp đẩy người thân mình xuống bờ vực thẳm.

Rất nhiều buổi sáng thức dậy, mở báo mạng là thông tin về một vụ tự sát do mâu thuẫn vợ chồng với các dòng tít đủ điếng lòng: Mẹ ôm con nhảy lầu tự tử vì mâu thuẫn với chồng; Mâu thuẫn với vợ chồng treo cổ tự tử… Không phải ai cũng may mắn được cứu sống như Q., bởi vậy nên có nhiều người đã kết thúc cuộc đời khi còn rất trẻ. Và cũng có nhiều người đã phải sống cả phần đời còn lại trong nỗi giày vò, ân hận khi đã quá muộn màng. Đành rằng những mâu thuẫn vợ chồng không phải lúc nào cũng phân định được đúng sai. Đôi khi cả hai đều là người có lỗi, đều mang đến những tổn thương cho nhau nhưng vấn đề nằm ở chỗ họ thường không lắng nghe nhau nói. Nên có những nỗi niềm không được giải tỏa, bao nhiêu oan ức không một ai thấu hiểu. Họ dùng cái chết vừa như một sự giải thoát để không phải đối mặt với những sự việc đang xảy đến với mình, lại vừa như một tiếng thét gào hả hê với đời và với người.

Khi để một người nào đó tự tìm đến cái chết thì đó là sự thất bại của gia đình và xã hội. Buồn thay khi nhận ra con người ta đang ngày càng khó thích nghi với những biến động của đời sống xã hội. Nên ý nghĩ tự sát lây lan như một thứ virus nguy hiểm cho xã hội. Hơn bao giờ hết con người cần đến sự lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm. Tôi luôn cho rằng sự kết nối tốt đẹp và tích cực ấy phải được bắt đầu từ chính trong mỗi gia đình...

VŨ THỊ HUYỀN TRANG