Bảo vệ Tổ quốc là quyền và nghĩa vụ của công dân

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 07:18, 15/12/2015

Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật NVQS, giúp thanh niên thấy được trách nhiệm khi được đứng trong hàng ngũ Quân đội.


Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang triển khai công tác tuyển quân năm 2016. Theo Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) mới năm 2015 thì kể từ năm 2016 trở đi, toàn quốc sẽ chỉ diễn ra một đợt giao quân trong năm. Độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi, công dân đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Việc các xã, thị trấn triển khai khám sơ tuyển sức khỏe NVQS là nằm trong kế hoạch tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2016 theo luật định. Thế nhưng, qua thực tế ở cơ sở cho thấy một số thanh niên có lối sống lệch lạc, thiếu tinh thần trách nhiệm đã phớt lờ lệnh gọi điều động khám sức khỏe. Đáng chú ý trong số họ phần đông lại là những người đang trực tiếp lao động, đi làm kinh tế. Với suy nghĩ thiển cận, họ tự đem lòng yêu nước của mình ra để cân đo, đong đếm, quy đổi thành tiền. Họ thậm chí còn so sánh cả về mức độ “sướng, khổ”, “nhàn, khó” giữa một bên là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc với một bên là vun vén lợi ích cho bản thân mình. Theo họ, mỗi năm, một người đi lao động xuất khẩu có thể mang về cho gia đình vài ba trăm triệu đồng, một công nhân làm việc trong công ty, xí nghiệp gần nhà cũng cho thu nhập vài triệu đồng/tháng, cao gấp 5-10 lần so với đi NVQS…  Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có biết bao thanh niên sẵn sàng tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, có người còn viết thư bằng máu tình nguyện “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ấy thế mà khi đất nước hòa bình, nhân dân được sống trong no đủ, việc bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới cũng đặt ra nhiều thách thức thì buồn thay ở đâu đó vẫn còn có những thanh niên chỉ vì lợi ích trước mắt mà tìm đủ cách để trốn NVQS.

Những năm qua, công tác tuyển chọn và gọi công dân lên đường nhập ngũ tại nhiều địa phương đã nhận được sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân. Điều đó không chỉ được thể hiện ở việc bảo đảm quân số, chỉ tiêu, chất lượng nguồn mà còn bởi công dân có đơn xung phong nhập ngũ luôn chiếm tỷ lệ rất cao. Trong khi những công dân ấy cũng chỉ vừa tròn 18 tuổi, thậm chí có trường hợp gia đình rất khó khăn, họ là những cặp song sinh nhập ngũ cùng một ngày, là người đang trực tiếp lao động với mức thu nhập khá, những người vừa tốt nghiệp đại học, cao đẳng, hoặc đã có công ăn việc làm ổn định, là trụ cột kinh tế của gia đình... Họ đã nhận thức được trách nhiệm của mình với đất nước, một khi Tổ quốc cần và gọi, họ sẵn sàng gác hết việc tư để vác ba lô lên đường làm nhiệm vụ. Với họ, đấy mới là việc làm thiết thực nhất để thể hiện lòng yêu nước. Và chỉ có tình yêu nước mới giúp họ hiểu rằng tiền không mua được hòa bình cho dân tộc, không đổi được bình yên cho nhân dân và hạnh phúc cho chính người thân của họ.

Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2016 đang bước vào giai đoạn nước rút. Để thực hiện tốt công tác này, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật NVQS, từ đó giúp thanh niên thấy được trách nhiệm và niềm vinh dự khi được đứng trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Huy động có hiệu quả sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên trong việc động viên thanh niên phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ, quê hương, tự nguyện viết đơn xung phong nhập ngũ. Trong công tác triển khai thực hiện các bước, các địa phương cần bảo đảm công khai, công bằng, đúng luật. Mọi trường hợp trốn khám NVQS đều phải được thông báo rộng rãi, công khai và xử lý nghiêm trước pháp luật. Giải pháp quan trọng hơn cả là cần có nhiều hơn nữa chính sách ưu đãi để thu hút thanh niên tình nguyện gia nhập quân đội cũng như yên tâm phục vụ Tổ quốc, nhất là thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng.

HOÀNG NẾT(Thanh Miện)