Làng nghề khó giữ chân lao động trẻ

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:40, 21/12/2015

Với sự phát triển rầm rộ của các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ đa dạng ở các đô thị, nhiều lao động trẻ đã dần rời xa nghề truyền thống...




Lao động ở làng nghề chủ yếu là người trung tuổi và người già


Nếu như trước đây các làng nghề thu hút được đông đảo lao động thì nay với sự phát triển rầm rộ của các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ đa dạng ở các đô thị, nhiều lao động trẻ đã dần rời xa nghề truyền thống. Nhiều làng nghề giờ chỉ còn lại người trung tuổi và người già bám trụ.

Có lựa chọn khác

“Với sự đô thị hóa, lao động trẻ thường thích kinh doanh các dịch vụ và làm những ngành nghề năng động hơn là “ngồi yên” với nghề truyền thống”.

Đối với nhiều nơi, làng nghề từng một thời tạo nguồn thu nhập chính của người dân. Nhiều làng nghề ăn nên làm ra, là niềm tự hào của cả một vùng. Nhưng ngày nay làng nghề đang dần mai một.

Chúng tôi về xã Quốc Tuấn, một trong những xã có nhiều làng nghề nhất huyện Nam Sách. Xã có 4 thôn thì đến 3 thôn có làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Đó là làng nghề mây-tre đan và làm hương ở thôn An Xá, làng nghề làm hương ở thôn Trực Trì và làng nghề làm hương ở thôn Đông Thôn. Từ xa xưa, những nghề này mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân xã Quốc Tuấn. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, nghề làm hương trầm lắng hơn. Nguyên nhân bởi xung quanh xã Quốc Tuấn đều có các nhà máy, khu công nghiệp thu hút lao động với mức lương từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, làm nghề truyền thống, thu nhập bình quân chỉ được khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Nhiều thanh niên làm phụ cho gia đình nên không có thu nhập riêng. Sự phát triển của máy móc cũng giúp các hộ làm nghề tiết kiệm được nhân lực. Hiện tại, hầu hết làng nghề dùng máy móc để làm hương chứ không làm thủ công như trước. Vì thế, lao động trẻ càng rộng chân đi tìm cơ hội việc làm mới. Nếu như trước đây cả làng làm nghề thì đến nay cả xã Quốc Tuấn chỉ còn gần 25% số hộ giữ nghề. Những người làm nghề này chủ yếu lớn tuổi hoặc tận dụng lao động những lúc nông nhàn, thời vụ. Ông Lương Viết Trung, chủ cơ sở hương Đức Thọ ở thôn Đông Thôn cho biết: "Những lúc gấp rút chuẩn bị hàng để bán, tôi thuê 12 công nhân để làm, nhưng cũng chủ yếu là người lớn tuổi. Hiện đang vào mùa làm hương để chuẩn bị cho dịp cuối năm và đầu xuân mới nhưng nhiều lúc cũng bí lao động nên cơ sở của gia đình tôi sản xuất không được nhiều".

Khi được công nhận năm 2006, làng nghề bánh đa Lộ Cương ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) có 250 hộ làm nghề, nhưng đến nay chỉ còn gần 100 hộ. Người làm nghề chủ yếu cũng là lao động từ 50 tuổi trở lên. Ông Vũ Văn Dước đã có nhiều năm làm bánh đa cho biết: "Trên 50 tuổi, chúng tôi cũng không biết làm nghề gì khác ngoài việc giữ nghề truyền thống để có việc làm, thu nhập hằng ngày. Con cái chúng tôi đều đi làm ăn xa hoặc làm ở các khu công nghiệp". Nhiều hộ làm bánh đa Lộ Cương trước đây đã chuyển sang kinh doanh dịch vụ, thu lợi nhuận cao hơn. Anh Vũ Văn Kỳ, 28 tuổi ở khu 6, phường Tứ Minh cho biết: "Tôi chọn nghề cơ khí, làm tại nhà, thu nhập hằng tháng cũng ổn định. Các bạn tôi, người thì làm ở khu công nghiệp, người đi làm xa. Hầu hết ở lứa tuổi tôi không còn ai làm bánh đa". Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 60 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Tình trạng thiếu lao động trẻ cũng khá phổ biến ở các làng nghề khác. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho việc truyền nghề gặp khó khăn, nhiều làng nghề đã và đang mai một.



Hầu hết các làng nghề dùng máy móc chứ không làm thủ công như trước
nên lao động trẻ càng rộng chân đi tìm cơ hội việc làm mới


Cần sinh lực mới


Để làng nghề truyền thống thu hút lao động trẻ, trước hết phải có sự quan tâm, vào cuộc, giúp đỡ của các cấp, các ngành. Làng nghề cần được quy hoạch và đầu tư cơ sở vật chất, đăng ký nhãn hiệu, được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và đầu ra ổn định. Các làng nghề cần chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kết hợp với sự sáng tạo tinh tế của những thợ nghề chính có tay nghề cao để dần nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Hằng năm, Đoàn Thanh niên các cấp đều phối hợp với các đoàn thể khác như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tổ chức dạy nghề cho lao động tại địa phương, nhưng ít khi có những lớp dạy nghề truyền thống. Ông Đoàn Bá Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn (Nam Sách) cho biết: “Hiện nay, nhu cầu học nghề của thanh niên, lao động trẻ tại địa phương cũng không nhiều. Hầu hết người trẻ đều có xu hướng thoát ly, làm nghề phi nông nghiệp, ít quan tâm đến nghề truyền thống. Để kéo họ quay về làng nghề, các cấp, các ngành cần hỗ trợ địa phương thông qua việc tôn vinh nghề truyền thống, tổ chức hội thi tay nghề, tạo điều kiện cho người trẻ vay vốn phát triển kinh tế làng nghề và nhân rộng những mô hình hiệu quả…”. Lợi thế của lao động trẻ là nhanh nhạy, sáng tạo, năng động nên rất dễ tiếp cận với thị trường. Ngoài việc bán sản phẩm qua các kênh sẵn có, các bạn trẻ có thể giao bán hàng trên mạng, tự quảng bá sản phẩm làng nghề để mở rộng mạng lưới tiêu thụ.

Ngoài ra, các làng nghề cần được hỗ trợ phát triển hạ tầng ưu đãi, thu hút doanh nghiệp thuê đất để mở rộng mặt bằng sản xuất nghề truyền thống. Ông Phạm Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Minh cho biết: "Để thu hút lao động trẻ về làng nghề là một bài toán khó. Hiện tại, với sự đô thị hóa, lao động trẻ thường thích kinh doanh các dịch vụ và làm những ngành nghề năng động hơn là "ngồi yên" với nghề truyền thống. Để thu hút lao động trẻ làng nghề cần phải đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định thu nhập".

Thu hút lao động trẻ để làm sôi động những làng nghề "già" là vấn đề cần quan tâm. Các địa phương có làng nghề cần tích cực tuyên truyền về truyền thống của làng, kêu gọi, thu hút những doanh nghiệp trẻ đầu tư phát triển làng nghề, nghề truyền thống…

MINH NGUYỆT