70 năm từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên

Tin tức - Ngày đăng : 13:54, 31/12/2015

Quốc hội khóa XII (2007-2011) tiếp tục đổi mới theo hướng ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả.


Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XII diễn ra ngay sau Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng với những nội dung hết sức quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Với tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận dân chủ bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 18 thành viên do đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch, 13 ủy viên. Quốc hội thành lập Hội đồng Quốc phòng và an ninh; thành lập Hội đồng Dân tộc và 9 ủy ban của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập 3 cơ quan chuyên môn trực thuộc.

So với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, số lượng các ủy ban của Quốc hội khóa XII tăng lên với việc Quốc hội thành lập mới Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Tài chính và ngân sách trên cơ sở Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội khóa XI. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng được tăng cường với 145 đại biểu, chiếm 29,41% tổng số đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, kiện toàn bộ máy của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII hoạt động 4 năm (2007-2011) trải qua 9 kỳ họp trong bối cảnh vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn thách thức. Mặc dù quỹ thời gian hoạt động ít hơn so với nhiệm kỳ khóa XI, nhưng những kết quả đạt được của Quốc hội khóa XII là đáng ghi nhận. Điểm đáng lưu ý, hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả, có nhiều đổi mới. Những kết quả đó thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, nhưng rõ nét nhất là trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát chuyên đề, chất vấn, trả lời chất vấn, quyết định nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, công trình quan trọng quốc gia và đẩy mạnh hoạt động đối ngoại.

Quốc hội khóa XIII (2011-2016)

Lần đầu tiên cử tri cả nước với trách nhiệm và lòng yêu nước nồng nàn đã tích cực tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 trong cùng một ngày với quy mô lớn. Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp với 99,51% cử tri đi bỏ phiếu, bầu ra 500 đại biểu Quốc hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kết quả này đã khẳng định bước tiến mới trong quá trình sinh hoạt dân chủ của nước ta, thể hiện rõ ý thức chính trị, trách nhiệm công dân, trình độ dân trí, sự gắn bó và niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước ta.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 17 thành viên do đồng chí Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và 12 ủy viên. Sau đó, tại Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã bầu bổ sung thêm 1 ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nâng số thành viên của cơ quan này lên thành 18 thành viên.

Quốc hội cũng đã thành lập Hội đồng Quốc phòng và an ninh; thành lập Hội đồng Dân tộc và 9 ủy ban của Quốc hội gồm: Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính và ngân sách, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Ủy ban Về các vấn đề xã hội; Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường; Ủy ban Quốc phòng và an ninh, Ủy ban Đối ngoại. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn duy trì 3 cơ quan chuyên môn trực thuộc, đó là: Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện và Viện Nghiên cứu lập pháp.

Được bầu ra và hoạt động trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi cơ bản nhưng cũng không ít khó khăn thách thức, Quốc hội khóa XIII có vinh dự và trách nhiệm lớn trong việc kế thừa và phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng và thực tiễn sinh động của cuộc sống, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đây cũng là nhiệm kỳ đầu tiên Quốc hội cùng nhân dân cả nước thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được bổ sung, phát triển tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ  11 năm 2011. Đến tháng 10-2015 , Quốc hội khóa XIII đã trải qua 9 kỳ họp với nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Với nhiều nỗ lực đổi mới, trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, cùng với nhân dân cả nước vượt qua nhiều khó khăn để đạt được nhiều mục tiêu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập với cộng đồng quốc tế.

(Theo Văn phòng Quốc hội)