Mắt sáng lại nhờ cấy chip sinh học

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 16:38, 05/01/2016

Lần đầu tiên sau nhiều năm, thị lực của Rhian Lewis được khôi phục và bà sung sướng khi lại nhìn thấy rõ ràng chiếc kim đồng hồ.

mat-sinh-hoc-dem-anh-sang-cho-nguoi-mat-thi-luc-6-nam

Bà Lewis đọc tấm bìa hình đồng hồ. Ảnh: BBC

Theo Guardian, Lewis, 49 tuổi, được cấy ghép một con chip điện tử siêu nhỏ vào phía sau võng mạc mắt phải giúp khôi phục thị lực, do bệnh viện mắt Oxford thực hiện.

Bà bị viêm võng mạc sắc tố - một bệnh thoái hóa võng mạc dạng di truyền tại màng nhạy cảm ánh sáng ngay phía sau mắt, dẫn tới mù lòa từ khi mới 5 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh này ở Anh là 1/3-4.000 người, hiện chưa có thuốc chữa.

Mắt phải của Lewis mù hoàn toàn, còn mắt trái thị lực rất kém. Con chip do công ty Đức Retina Imlant AG sản xuất, được cấy vào mắt bà từ tháng 6 trong một ca phẫu thuật kéo dài 6-8 giờ.

Lewis được theo dõi sau đó. Bác sĩ yêu cầu bà nhìn vào một tấm bìa lớn in hình đồng hồ và đọc giờ. Trước đó, Lewis không thể đọc giờ bằng mắt phải trong 16 năm, và mắt trái trong 6 năm.

"Lạy Chúa", Lewis thốt lên, khi nhận ra mình đọc được đồng hồ đang chỉ 3 giờ. "Cảm giác như ngày Giáng sinh vậy".

Vật cấy là một mảnh 3 mm2 chứa 1.500 bộ cảm biến ánh sáng - gửi tín hiệu điện tới tế bào thần kinh - được kết nối với một máy tính nhỏ xíu nằm dưới lớp da sau tai. Máy hoạt động nhờ một cuộn dây từ tính đặt ngoài da. Nhìn bên ngoài, giống như bà đang đeo máy trợ thính.

Lần đầu tiên bật thiết bị, bệnh nhân sẽ nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy. Qua vài tuần, khi bộ não học được cách chuyển đổi tín hiệu nhấp nháy thành vật thể và hình dạng rõ ràng. Tuy nhiên, hình ảnh nhìn thấy chỉ có màu đen trắng và hơi vỡ.

Mô tả khoảnh khắc thiết bị được bật lên, Lewis nói:

"Họ từng nói rằng tôi có thể không đáp ứng với thiết bị nhưng rồi trong vài giây, tôi thấy ánh chớp trong mắt - điều chưa từng xảy ra trong 16 năm. Lạy Chúa, cảm giác đó thật tuyệt vời!".

Lewis được dẫn tới tu viện New College ở Oxford, để kiểm tra phản ứng của bà với thiết bị mới.

"Tôi bước đi trên đường. Cô nhân viên bảo trợ xã hội yêu cầu tôi chỉ ra bất cứ thứ gì tôi nghĩ rằng có hoặc không có trên đường. Điều đầu tiên tôi nghĩ là 'có thứ gì đó', có một cái ôtô, màu bạc. Tôi thật không dám tin, nhưng tín hiệu rất mạnh và tôi còn thấy cả tia nắng trên chiếc xe bạc".

"Tôi thực sự rất phấn khích, suýt khóc. Khi về đến nhà, tôi vỡ òa ra, cuối cùng thì tôi cũng chỉ được vào những thứ mà trước đây tôi không thể".

mat-sinh-hoc-dem-anh-sang-cho-nguoi-mat-thi-luc-6-nam-1

Con chip thế hệ thứ hai cấy vào mắt Lewis. Ảnh: PA

Lewis điều khiển con chip nhờ sóng phát ra thao tác một thiết bị nhỏ cầm tay mặt kính. Bà có thể điều chỉnh độ nhạy sáng, độ tương phản và tần số. 

"Không nhìn thấy gì cũng có nghĩa là mất đi sự tự tin", Lewis nói. "Những việc đơn giản như mua bán, sắm sửa quần áo cũng không làm được vì không nhìn rõ mình trông thế nào".

"Đã 8 năm rồi tôi không rõ mặt con. Giờ đây, việc xác định đồ vật, đặc biệt như thìa hay dĩa trên bàn ăn, cũng làm tôi vui sướng", Lewis nói, bà đã có hai con.

"Mắt sinh học" được thử nghiệm trong điều trị bệnh viêm võng mạc sắc tố từ năm 2012. Lewis là bệnh nhân đầu tiên ngoài Đức được cấy thiết bị mới nhất, thuộc thế hệ thứ hai.

Giáo sư Robert MacLaren, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu ở Oxford cho biết, công nghệ này có tiềm năng to lớn.

"Quá trình đó thật kỳ diệu, vì Lewis và những người khác đang cố gắng kích hoạt lại phần não đã không dùng tới trong 10 năm hoặc hơn", ông nói. "Đó là sự hồi phục to lớn vì về cơ bạn, họ đang học cách nhìn một lần nữa".

Theo VnExpress