Cơ hội và thách thức

Kinh tế - Ngày đăng : 06:43, 08/01/2016

Hội nhập mang đến cơ hội cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, song cũng mở ra không ít thách thức...


Ngành dệt may hưởng lợi




Công ty TNHH May Tinh Lợi (100% vốn của Hồng Kông) ở khu công nghiệp Nam Sách có nhiều đơn hàng
xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ và EU. Ảnh: THÀNH CHUNG


Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức hình thành, sớm hơn 5 năm so với dự kiến ban đầu. Theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) được ký kết năm 2009, từ năm 2015-2018 có nhiều mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu trong khu vực được giảm thuế. Cùng với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được phê chuẩn sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận sâu rộng hơn vào các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tham gia một số hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, cùng với chính sách thu hút đầu tư ngày một thông thoáng, số lượng doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu trong tỉnh tăng lên đáng kể. Nếu năm 2011, Hải Dương mới có hơn 100 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu thì đến năm 2015, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã gấp hơn 2 lần. Năm 2015, giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2014. Bước đầu một số loại hàng hóa xuất khẩu của Hải Dương như đồ điện tử, dây và cáp điện, giày dép, hàng may mặc đã tìm được chỗ đứng trên các thị trường lớn và khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... Dệt may vẫn là một ngành xuất khẩu mũi nhọn. Theo Sở Công thương, Hải Dương có gần 500 doanh nghiệp dệt may. Năm 2015, dệt may đóng góp khoảng 1,2 tỷ USD vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Để đón đợi những lợi ích từ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay các doanh nghiệp dệt may đã chủ động mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Năm 2015, Công ty TNHH May Tinh Lợi duy trì và ký kết được nhiều đơn hàng xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ và EU, bảo đảm việc làm cho công nhân. Công ty giữ vững và không ngừng mở rộng thị trường để chủ động đón đầu TPP, duy trì quan hệ thương mại với nhiều thương hiệu phân phối nổi tiếng như Uniqlo, JCP, ANN.Inc, Target, AXE… Bên cạnh các dòng sản phẩm áo dệt kim truyền thống, doanh nghiệp này vừa ra mắt thị trường sản phẩm mới kết hợp dệt kim và len. Ngoài áo nữ, sản phẩm của Tinh Lợi cũng bước đầu hướng tới cả các đối tượng là nam giới và trẻ em. Bà Trần Thị Vượng, Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự  công ty cho biết: “Với hợp đồng sử dụng vải của Nhà máy Dệt Pacific liền kề, nhà máy Tinh Lợi 2 vừa chủ động nguồn nguyên liệu, vừa có thể tăng tỷ lệ nội địa hóa từ 30% như hiện nay lên 60% trong thời gian tới”.

Trong năm 2015, Công ty TNHH May mặc quốc tế Phú Nguyên đã sản xuất và xuất khẩu hơn 1,3 triệu sản phẩm, tăng 10% so với năm trước. Với thị trường độc nhất là Mỹ nên doanh nghiệp này đang rất mong chờ Hiệp định TPP được phê chuẩn. Ông Vũ Xuân Thành, đại diện công ty cho biết: “Chúng tôi đã mở rộng sản xuất tăng gấp đôi so với trước đây lên 48 dây chuyền, thu hút gần 2.000 công nhân. Để sản xuất mang tính chuyên môn hóa cao, đáp ứng các yêu cầu của TPP, Phú Nguyên chủ động chuyên may một dòng sản phẩm duy nhất comple nữ dành cho nhân viên văn phòng, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động ký hợp đồng với các thương hiệu phân phối nổi tiếng trên thị trường Mỹ như Tahari, Kasper, Judy, KC”.



Ngoài xuất khẩu sản phẩm sang Lào, Myanmar, Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương còn mở rộng xuất khẩu
sản phẩm sang Nhật Bản, Nga


Nông sản gặp khó

Trong khi các mặt hàng như điện tử, dệt may có kim ngạch xuất khẩu ở mức cao thì kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản còn rất thấp. Trong những năm tới, khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, việc các mặt hàng nông sản đều không phải chịu thuế là cơ hội song cũng là thách thức cho ngành nông nghiệp. Một trong những rào cản lớn hiện nay là nông dân vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng sản xuất manh mún, gặp cây gì trồng cây ấy, sản phẩm làm ra chưa chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ và chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, điểm yếu về chất lượng sản phẩm sẽ tạo ra thách thức lớn cho xuất khẩu nông sản. Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Mai, xã Nam Trung (Nam Sách) phân tích: "Mặc dù tỉnh ta có nhiều lợi thế để cung ứng nhiều loại nông sản cho các doanh nghiệp với khối lượng lớn nhưng không nâng cao chất lượng thì doanh nghiệp xuất khẩu vẫn khó khăn. Hiện sản lượng xuất khẩu nông sản vào các thị trường khó tính như Úc, Mỹ... chưa cao. Nhiều loại nông sản khác có điều kiện xuất khẩu nhưng vẫn phải xếp hàng chờ”.

Bên cạnh đó, vấn đề "đói" nguyên liệu sản xuất luôn là bài toán nan giải với những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của tỉnh ta. Nguyên nhân do nông sản sản xuất tại chỗ không đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu và nguồn cung luôn không ổn định. Ông Đoàn Bá Đàm, Giám đốc Công ty Xuất khẩu nông, lâm sản TMD (Gia Lộc) cho biết: "Tìm được đối tác có nhu cầu tiêu thụ nguồn hàng lớn đã khó nhưng tìm được nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định đủ để bảo đảm lượng hàng cung cấp cho họ còn khó hơn. Doanh nghiệp rất sợ phải ăn đong nguyên liệu bởi các đơn hàng đã ký kết phải bảo đảm giao đủ, giao đúng, nếu không sẽ bị phạt, thậm chí bị cắt hợp đồng và phải bồi thường".

Ngành dệt may được đánh giá là hưởng lợi lớn nhưng để hiện thực hóa những lợi ích từ hội nhập cũng không dễ dàng. Để được hưởng lợi từ TPP, ngành dệt may phải đáp ứng được các tiêu chuẩn lao động, tiêu chí về xuất xứ rất chặt chẽ, đây sẽ là thách thức không nhỏ. Nguyên liệu hàng dệt may phải có xuất xứ từ các nước trong TPP. Trong khi đó, dệt may Việt Nam nói chung và ở tỉnh ta nói riêng hiện phụ thuộc 60-70% nguyên, phụ liệu nhập từ các nước ngoài TPP, chủ yếu là Trung Quốc. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, quy tắc xuất xứ “Sản xuất tại Việt Nam” quy định hạn chế “từ sợi trở đi", cũng áp dụng ở cấp độ sản phẩm. Bên cạnh đó, giá trị gia tăng của ngành may tỉnh ta thấp, gần 80% chỉ đơn thuần cắt may, năng suất trung bình của công nhân may thấp. Để có vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư lớn cả về công nghệ và nhân lực.

THÀNH HOÀNG