Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 10:28, 21/01/2016

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài cần được thường xuyên đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm, nâng cao.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định: "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tái cơ cấu các ngành trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn; tái cơ cấu các ngành trong sản xuất nông nghiệp đi đôi với đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, sản phẩm sạch, chất lượng cao..." Thực hiện nghị quyết này, tỉnh ta đang tập trung, nỗ lực cao trong tái cơ cấu (TCC) ngành nông nghiệp, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng đổi mới mô hình tăng trưởng.

Nhìn lại những năm qua, tỉnh ta đã có những cố gắng và đã đạt được nhiều thành tựu trong việc TCC ngành nông nghiệp. Từ chỗ nông nghiệp chiếm tỷ trọng 20,1% (năm 2010) trong nền kinh tế của tỉnh, đến năm 2015 giảm còn 15,9% và đến năm 2020 sẽ là 11%. Nhằm TCC nông nghiệp, tỉnh đã có những bước đi vững chắc trong ba khâu đột phá chiến lược: Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính.

Trong kết cấu hạ tầng, đã bê tông đường nông thôn, đường nội đồng, đường điện, trạm bơm, kiên cố hóa kênh mương, đồng thời đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Cơ cấu lại giống cây trồng, vật nuôi, phát huy lợi thế cây vải thiều, nếp cái hoa vàng, hành tỏi, ổi... Đã có nhiều cánh đồng mẫu lớn phục vụ cho việc đưa cơ giới vào sản xuất trong các khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch sản phẩm. Một số doanh nghiệp đã đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Đã hình thành những trang trại, gia trại thực hiện những công nghệ tiên tiến cho năng suất, chất lượng cao, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, TCC nông nghiệp đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ. Việc dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng hình thành những cánh đồng mẫu lớn chưa đạt kết quả như mong muốn; tổ chức sản xuất chậm đổi mới về quy mô, phương thức sản xuất, trình độ quản lý, hiệu quả thấp, nông dân không mặn mà làm nông nghiệp. Năm 2015, toàn tỉnh bỏ ruộng hoang cả hai vụ chiêm, mùa lên tới 415,5 ha. Các chi phí cho sản xuất như làm đất, gieo cấy, phân bón, thuốc trừ sâu, thu hoạch, bảo quản... còn lớn. Trong khi đó giá đầu ra lại bấp bênh, giá bán không đủ chi phí. Lao động trong độ tuổi trẻ, khỏe thì vào làm ở các khu công nghiệp. Lực lượng lao động ở nông thôn làm nông nghiệp chủ yếu là những người trung tuổi, trình độ kỹ thuật thấp. Trang trại trồng trọt ít, chỉ giới hạn trồng rau màu, cây ăn quả, thiếu những trang trại trồng lúa quy mô lớn. Một số trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm vốn đầu tư ít, dịch bệnh, thị trường không ổn định, không mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ, hiệu quả không cao. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực có nhiều cố gắng nhưng còn bất cập. Hệ thống thủy lợi nội đồng, kênh mương xuống cấp chưa được cải tạo thường xuyên. Thiếu những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp gắn kết với nông nghiệp, nông dân, nên sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ.

TCC ngành nông nghiệp là một quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài cần được thường xuyên đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm, nâng cao. Cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đẩy mạnh TCC các ngành trong sản xuất nông nghiệp. Có đề án tổng thể để thực hiện TCC ngành nông nghiệp một cách bài bản, có những bước đi thích hợp và lộ trình cụ thể cho từng phân kỳ trong kế hoạch tổ chức thực hiện. Cần sớm hoàn thành kế hoạch dồn điền, đổi thửa, tạo cánh đồng mẫu lớn, kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nông dân sẵn sàng cho thuê lại ruộng đất của mình và làm công nhân cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư. Với chăn nuôi khuyến khích thành lập mới và mở rộng quy mô trang trại, gia trại sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích đầu tư tư nhân, nâng cao hiệu quả đầu tư công, huy động các nguồn lực xã hội vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, cải cách hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo tiền đề để đẩy mạnh TCC ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

VŨ HOÀNG LUYẾN (TP Hải Dương)