Nặng lòng với chiếng chèo Đông

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 09:11, 25/01/2016

TS. Trần Đình Ngôn được mệnh danh là “vua chèo” với số lượng vở diễn viết ra và được dàn dựng kỷ lục.

Được mệnh danh là “vua chèo” với số lượng vở diễn viết ra và được dàn dựng kỷ lục, TS. Trần Đình Ngôn dành một góc trong gia tài đồ sộ ấy cho mảnh đất quê hương Hải Dương ông hằng yêu quý.



“Trinh phụ hai chồng” là vở chèo mới nhất Nhà hát Chèo Hải Dương dàn dựng
 từ kịch bản của TS. Trần Đình Ngôn


Mối duyên bền chặt

Từ khi còn là học sinh ở xã An Bình (Nam Sách), cậu bé Trần Đình Ngôn đã biết làm thơ và say mê học lỏm hát chèo từ những buổi tập, buổi diễn của bà con trong thôn, trong xã. Những giai điệu ngọt ngào và tình yêu chèo của những diễn viên không chuyên ở chiếng chèo Đông đã nhen nhóm trong lòng cậu học trò ngọn lửa say mê loại hình nghệ thuật dân tộc này. Đến với chèo, ở lại và gắn bó với nó suốt cuộc đời, với TS. Trần Đình Ngôn dường như là việc tất yếu, như đói phải ăn, khát phải uống. Và với chèo, ông đã trả được món nợ tình cảm cho mảnh đất ông hằng yêu dấu.

“Năm 1962, tôi bắt đầu gia nhập Đoàn Chèo Hải Phòng với vai trò là tác giả của đoàn thì đến năm 1963, tôi đã có vở dài đầu tiên được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó được nhiều đoàn biểu diễn trên sân khấu. Đó là vở “Chị Dậu” được chuyển thể từ tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố. Đoàn Chèo Hải Dương cũng là một nơi sớm dựng vở diễn của tôi, vở “Con gà chân chì” năm 1967. Trong thời gian dàn dựng, tôi đã về xem và góp ý cho đoàn. Thật xúc động khi thấy tác phẩm của mình trên sân khấu quê hương”, TS Trần Đình Ngôn bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của ông. Bẵng đi một thời gian khá dài mê mải với công việc ở Đoàn Chèo Hải Phòng, đến năm 1983 ông mới trở lại cộng tác với Đoàn Chèo Hải Hưng với 2 vở diễn “Đứa con tôi” và “Ni cô Đàm Vân”, sau đó là vở “Tiên Dung công chúa” dựng năm 1988. Trong hơn 50 năm miệt mài lao động nghệ thuật, dù dừng chân ở đơn vị công tác nào, ông cũng vẫn gắn bó với chèo và hướng về nơi mình đã được sinh ra, lớn lên. Những khi có dịp về Hải Dương xem dựng vở của mình hoặc xem các đội văn nghệ quần chúng biểu diễn, ông thấy như được sống lại quãng đời thơ ấu đắm chìm trong sức sống mãnh liệt của chèo trong dân gian. Người dân Hải Dương bây giờ vẫn yêu chèo lắm, các đội chèo có đến tận các thôn. Ông muốn góp thêm sức mình cho ngọn lửa tình yêu ấy luôn cháy sáng.



TS. Trần Đình Ngôn và tác giả Phương Hạnh (Trung tâm Văn hóa tỉnh), một học trò đang được ông truyền nghề

TS. Trần Đình Ngôn chính thức cộng tác liên tục với Đoàn Chèo Hải Dương, sau này đổi tên thành Nhà hát Chèo Hải Dương từ năm 2000. Trong 16 năm, ông đã sáng tác hàng loạt vở chèo dài về các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa là người Hải Dương hoặc gắn bó với quê hương Hải Dương như: “Vạn Kiếp truyền thư” (về Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo), “Côn Sơn hiền sĩ” (về Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi), “Nam Dược thánh nhân” (về danh y Tuệ Tĩnh), “Nữ sĩ Ngọc Toàn” (về Bà chúa Sao Sa Nguyễn Thị Duệ), “Lưỡng quốc trạng nguyên” (về Mạc Đĩnh Chi), “Tâm đức Phật hoàng” (về vua Trần Nhân Tông), “Chuông ngân rừng trúc” (về Pháp Loa), “Huyền Quang tôn giả” (về Huyền Quang), “Đào lý một cành” (về Nghệ sĩ Nhân dân Minh Lý). Trong các dịp lễ lớn, khánh thành xây mới, trùng tu các công trình kiến trúc tại các khu di tích văn hóa, lịch sử, ông cũng có những vở chèo ngắn chào mừng như “Hiền nhân trở lại Mao Điền”, “Tùng quân trên núi Phượng Hoàng”, “Động Thanh Hư”, “Khúc hát tri ân”, “Côn Sơn in dấu chân Người”, “Uy linh Vạn Kiếp”, “Linh khí Côn Sơn”, “Kể từ ngọn lửa đầu tiên”… Chỉ riêng những vở chèo ông viết cho Hải Dương cũng đủ để tạo thành một sự nghiệp dày dặn, đáng tự hào. Tất cả những vở chèo ấy được ông viết từ khi chớm bước sang tuổi 60 và miệt mài trong hơn mười lăm năm sau đó. Sức sáng tạo mạnh mẽ ấy được tạo nên bởi niềm đam mê với chèo và tấm lòng chưa bao giờ nguôi khắc khoải nỗi nhớ quê. Những vở chèo ông viết riêng cho Hải Dương, “đo ni đóng giày” cho Nhà hát Chèo của tỉnh nhưng đều có giá trị vượt qua giới hạn vùng miền, mang tính mẫu mực của loại hình nghệ thuật truyền thống đậm màu sắc dân tộc. Vở “Chuông ngân rừng trúc” đã đoạt huy chương vàng trong Liên hoan sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc. Vở “Tâm đức Phật hoàng” được Đoàn Chèo Quảng Ninh dàn dựng. Tất cả những vở chèo khi công diễn đều nhận được sự yêu mến, ủng hộ nhiệt tình của người xem, tạo nên “thương hiệu Trần Đình Ngôn” gắn bó với các danh nhân đất Hải Dương.

Hồn gửi trong chèo

Trước khi bắt tay viết một vở chèo về các nhân vật lịch sử, TS. Trần Đình Ngôn thường bỏ nhiều thời gian nghiên cứu lịch sử, tìm đọc những tư liệu liên quan đến thân thế, sự nghiệp của nhân vật. Từ đó, ông nghiền ngẫm để tìm ra chủ đề có thể triển khai thành cái tứ xuyên suốt vở, tạo ra các mâu thuẫn, xung đột và hóa giải nó. “Yêu cầu tôi tự đặt ra trong những vở chèo về danh nhân là vừa phải chân thực với cuộc đời nhân vật, lại vừa khơi được những vấn đề có ý nghĩa đối với cuộc sống hôm nay. Dùng tích xưa để nói chuyện nay là vậy. Có như vậy vở diễn mới gần gũi với đời sống hiện tại và có sức sống lâu bền”, TS. Trần Đình Ngôn cho biết. Bởi vậy, hồn cốt mỗi vở chèo của ông không chỉ có một tầng ý nghĩa, mà ông dùng chuyện xưa, người xưa để gửi gắm trong đó những nỗi niềm của cuộc sống hôm nay. Như trong vở chèo “Chuông ngân rừng trúc”, câu chuyện những kẻ gian tham đánh tráo đồng bằng loại vật liệu rẻ tiền hơn không khỏi khiến người xem liên tưởng tới hiện tượng “rút ruột công trình” nhan nhản trong đời sống hiện tại. Hay trong vở chèo “Trinh phụ hai chồng”, vở chèo mới nhất Nhà hát Chèo Hải Dương dàn dựng, bài học về cái thiện - cái ác, về cuộc đấu tranh giữa chính và tà, về tình nghĩa vợ chồng, cha con, thầy trò chưa bao giờ cũ dù được dựng trên nền một câu chuyện xưa.



Trước khi sáng tác các vở chèo về nhân vật lịch sử, TS Trần Đình Ngôn thường nghiên cứu rất kỹ
 các tài liệu liên quan. Trong ảnh: Một cảnh trong vở “Tâm đức Phật hoàng”  của ông


Trong quá trình sáng tác, ông thường về thăm các di tích, vùng đất gắn bó với nhân vật. Ngắm nhìn quang cảnh của những vùng đất ấy, tìm hiểu đời sống của người dân hiện tại, nghe các câu chuyện còn lưu truyền trong dân gian gợi cho ông nhiều cảm hứng để sáng tác nên những vở chèo gần gũi với hiện thực. Ông đã viết những vở chèo ấy bằng tất cả kiến thức về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, âm nhạc… được gom góp trong suốt một đời nghiên cứu, tìm tòi, lăn lộn với sân khấu chèo. Bởi vậy, mỗi vở chèo không chỉ là kết tinh của tài năng, quá trình lao động nghiêm túc, miệt mài mà còn có cả tấm lòng ngưỡng vọng tiền nhân được TS. Trần Đình Ngôn gửi gắm. Những vở chèo viết về các danh nhân gắn bó với mảnh đất Hải Dương của ông không chỉ ca ngợi công đức của những người đi trước mà chứa chan trong đó tình cảm của những người con Hải Dương với những người có công với quê hương, đất nước. Viết chèo về các nhân vật lịch sử nhiều thử thách hơn so với các đề tài hiện đại là thế nhưng ông vẫn không quản ngại khó khăn, cống hiến tài năng của mình cho quê hương bằng những vở chèo xuất sắc.

Ở tuổi 75, gia tài nghệ thuật đã có 109 kịch bản dài cho sân khấu chuyên nghiệp, trong đó 100 vở đã được dàn dựng, TS. Trần Đình Ngôn vẫn đang bước tiếp trên con đường sáng tác của mình. Và trên con đường ấy, ông luôn dành chỗ cho mảnh đất quê hương, chiếng chèo Đông đã nuôi dưỡng tâm hồn yêu nghệ thuật chèo cho ông từ thuở nhỏ. Ông lo âu khi thấy đội ngũ những cây bút cứng trong nghề ngày một thưa thớt mà chưa có những người kế tiếp. Cũng bởi đau đáu với vùng đất ấy, ông luôn mong muốn được truyền nghề, truyền tình yêu chèo cho những thế hệ tác giả sau này. Trong những năm tháng về Hải Dương cộng tác, ông luôn có ý tìm kiếm những tác giả trẻ có tài năng, tâm huyết có thể tiếp bước ông trên con đường sáng tác kịch bản sân khấu chèo. Phương Hạnh, tác giả sân khấu kịch trẻ tuổi hiếm hoi ở Hải Dương đã bị thuyết phục bởi tấm lòng tha thiết với chèo của ông. Chị Hạnh vốn là cây bút viết kịch bản sân khấu kịch nói nhưng đã biết tài năng của “thầy Ngôn chèo” từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, nơi TS. Trần Đình Ngôn giảng dạy. Được tiếp xúc, học hỏi nhiều ở thầy, chị đã ngấm tình yêu chèo từ lúc nào không hay. “Trước đây tôi không có ý định sáng tác kịch bản sân khấu chèo vì chuyên ngành của tôi là kịch nói. Nhưng tình yêu chèo của thầy Ngôn khiến tôi vừa xúc động vừa cảm phục. Càng xem các vở dựng từ kịch bản của thầy, tôi càng ngấm những cái hay, cái đẹp của chèo. Tôi hy vọng mình sẽ dần dần học hỏi để có thể làm được gì đó cho bộ môn nghệ thuật dân tộc này, như thầy hằng mong mỏi”, Phương Hạnh tâm sự.

Không chỉ sáng tác những vở chèo mẫu mực, đậm tính nhân văn dành riêng cho sân khấu chèo Hải Dương, TS. Trần Đình Ngôn còn hy vọng nối dài sự nghiệp ấy cho đội ngũ tác giả trẻ sau này. Ông đã và đang gieo những hạt giống quý giá để sân khấu chèo chuyên nghiệp tỉnh ta sẽ gặt thêm nhiều mùa vàng rực rỡ.

VIỆT HÒA