Doanh nghiệp vận tải được lợi

Công nghiệp - Ngày đăng : 07:05, 30/01/2016

Từ đầu năm 2015 đến nay, giá xăng dầu giảm liên tiếp đã giúp các doanh nghiệp vận tải "dễ thở" hơn, tạo điều kiện cho nhiều đơn vị giảm giá cước.



Giá xăng dầu giảm sâu giúp Công ty CP Giao nhận kho vận Hải Dương giảm bớt một phần gánh nặng chi phí

Bớt gánh nặng chi phí

Ngày 19-1, Bộ Công thương có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối thực hiện giảm giá xăng dầu. Theo đó, xăng RON 92 giảm 590 đồng/lít còn 15.440 đồng/lít; dầu diesel giảm 912 đồng/lít còn 10.027 đồng/lít; dầu hỏa giảm 886 đồng/lít còn 9.380 đồng/lít; dầu mazut còn 7.610 đồng/kg. Đây là lần giảm sâu nhất so với 12 lần giảm tính từ năm 2015 đến nay. Nếu so với ngày 6-1-2015 là mốc giảm giá xăng dầu đầu tiên của năm 2015, sau 13 lần giảm, giá xăng RON 92 giảm 2.128 đồng/lít (tương đương giảm 12%); dầu diesel giảm 6.603 đồng/lít (tương đương giảm 39,7%) và dầu hỏa giảm 8.330 đồng/lít (tương đương giảm 47%)... Như vậy, mức giảm lớn nhất tập trung vào các mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa.

Theo ông Nguyễn Thành Đông, Giám đốc Công ty CP Ô tô vận tải hành khách Hải Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hải Dương, chi phí nguyên liệu thường chiếm từ 35-45% giá thành vận tải nên việc xăng dầu giảm tương đối sâu đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh mức thu lệ phí mới tại các trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng trên 300%, lượng khách đi xe buýt ngày càng giảm, các chi phí về tiền lương, bảo hiểm và các loại phụ cấp cho lái xe tăng theo quy định mới, việc giảm giá xăng dầu giúp công ty bớt áp lực trong kinh doanh, bảo đảm thu nhập cho người lao động.

Đối với Công ty CP Giao nhận kho vận Hải Dương, giá dầu giảm giúp công ty tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Theo ông Trần Việt Ký, Phó Giám đốc công ty, hiện chi phí xăng, dầu đối với 1 xe ô tô trên tuyến TP Hải Dương - TP Hải Phòng khoảng 530.400 đồng, giảm 92.560 đồng so với cuối tháng 12-2015 (thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu cuối cùng của năm 2015). Như vậy, với 50 đầu xe, mỗi ngày công ty tiết kiệm tối thiểu 4,6 triệu đồng. Tuy nhiên, việc giá dầu giảm cũng chưa giúp công ty bù được chi phí cầu đường ngày càng tăng cao.

Theo tính toán của ông Nguyễn Thành Đông, từ tháng 11-2015 đến nay, mặc dù giá dầu diesel đã giảm 3.310 đồng/lít từ 13.510 đồng/lít xuống còn 10.200 đồng/lít (tương đương giảm 24,5%), nhưng giá cước phí đường bộ công ty phải trả cho mỗi chuyến xe từ TP Hải Dương đi TP Hải Phòng tăng từ 160.000 đồng lên 410.000 đồng, tương đương tăng gần 170%. Mỗi chuyến xe công ty vẫn phải bù lỗ gần 100.000 đồng, chưa kể các chi phí khác như tiền lương, phụ cấp và bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng tăng theo quy định mới. "Giá xăng dầu giảm chỉ giúp công ty bù đắp một phần chi phí phát sinh ngày càng tăng cao, nhưng như thế cũng dễ thở hơn nhiều so với trước kia rồi", ông Đông cho biết thêm.

Mặc dù giá xăng, dầu giảm không làm lợi nhuận công ty tăng, nhưng theo như ông Nguyễn Văn Thập, Tổng Giám đốc Công ty CP Hải Thành, việc giá xăng, dầu giảm giúp thu nhập của các lái xe trong công ty tăng cao. Là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, công ty khoán việc cho lái xe với tỷ lệ ăn chia % theo thỏa thuận, trong đó lái xe phải lo chi phí xăng, dầu. Vì vậy, khi giá xăng, dầu giảm, công ty vẫn giữ nguyên tỷ lệ ăn chia, coi đây là cơ hội để nâng cao thu nhập cho lái xe. "Hiện tại, công ty chưa có kế hoạch giảm giá cước vận tải vì sợ ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Bên cạnh đó, phí cầu đường ngày càng tăng khiến chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh ngày càng cao", ông Thập nói thêm.

Giá cước giảm nhỏ giọt


Từ thời điểm kê khai giá cước gần nhất (tháng 9-2015) đến nay, giá dầu diesel giảm 3.110 đồng/lít (tương ứng giảm 23,3%), xăng RON 92 giảm 1.890 đồng/lít (tương đương giảm 11%)... Đây là điều kiện đủ để các doanh nghiệp vận tải thực hiện giảm giá cước theo quy định. Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở Tài chính, đến hết ngày 25-1, toàn tỉnh mới có 32 trong tổng số 55 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách gửi hồ sơ kê khai giảm giá cước. Trong khi hầu hết các hãng taxi đều giảm giá cước thì mới có 3 tuyến xe buýt và 13 tuyến xe khách cố định thực hiện quy định này. Theo kê khai của các doanh nghiệp, mức giảm của các hãng taxi dao động từ 200 - 400 đồng/km (tương đương giảm khoảng 2 - 4%). Mức giảm cao nhất thuộc về các hãng taxi Thành Đông, Rạng Đông (cùng giảm 4%), Mai Linh (giảm 3%)... Đối với các tuyến xe buýt mới chỉ có các tuyến xe của Công ty CP Ô tô vận tải hành khách Hải Hưng giảm giá cước trung bình 1.000 đồng/tuyến (tương đương giảm khoảng 4%). Ngoài ra, các tuyến xe chạy đường dài giảm khoảng 4% so với giá vé đang thực hiện.



Hầu hết các hãng taxi đều thực hiện giảm giá cước, nhưng mức giảm không như kỳ vọng


Như vậy, mặc dù nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô đã giảm giá cước theo yêu cầu của cơ quan chức năng, nhưng mức giảm vẫn rất thấp và chưa tương xứng với mức giảm của giá xăng dầu thời gian qua. Với giá dầu giảm từ 20-25%, giá cước vận tải phải giảm tương ứng từ 6-7% mới phù hợp. Tuy nhiên, mức giảm trung bình của các doanh nghiệp chỉ từ 2-4%. Theo lý giải của một số doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh vận tải thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, do kinh tế chưa thực sự hồi phục khiến lượng hàng hóa vận chuyển thấp. Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các hãng xe cũng khiến lượng khách sụt giảm. Bên cạnh đó, cước phí đường bộ, nhất là phí đường cao tốc tăng tới 300%, cộng thêm tiền lương cơ bản cho người lao động tăng nên các khoản phụ cấp, bảo hiểm xã hội cũng tăng theo.

Để thực hiện tốt chủ trương bình ổn giá nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của khách hàng, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô cần chấp hành nghiêm quy định về quản lý giá cước vận tải, rà soát, tính toán lại chi phí, đặc biệt là chi phí nhiên liệu để làm cơ sở xác định lại giá thành sản phẩm dịch vụ và giảm giá phù hợp với mức giảm giá xăng dầu hiện nay.

VỊ THỦY