Nỗi buồn của mẹ

Đời sống - Ngày đăng : 11:20, 01/02/2016

Anh cả gọi điện thông báo gọn lỏn: “Mẹ ốm, cô về ngay!” rồi tắt máy, không kịp để tôi đáp lời. Tôi sốt ruột, một mình bắt xe về quê.



Minh họa: VĂN HÀ

Nhìn mẹ mà tôi rơi nước mắt. Mới có hai tuần không gặp mà mẹ thay đổi nhiều quá, mẹ như già thêm cả chục tuổi: đầu bị cạo trọc, răng cửa rụng thêm hai chiếc, mắt thì mờ đục. Mẹ thở thều thào: “Cho mẹ đi viện kẻo mẹ chết mất”. Tôi hết nhìn anh cả lại nhìn chị dâu: “Mẹ bị sao thế này?”. Chị dâu tôi thủng thẳng: “Mẹ mắc bệnh người già ấy mà, nhiều bệnh lắm: huyết áp cao, tiểu đường, viêm phế quản, một tuần nay lại bị zona thần kinh, nó ăn vào mắt, ăn lên đầu, đau rát, bứt rứt, phải cắt sạch tóc. Mẹ chả chịu ăn uống gì nhiều, chỉ chờ con gái đấy. Thôi thì mẹ là mẹ chung nhưng lúc mẹ ốm mẹ đau như thế này, con nào có điều kiện thì chăm sóc mẹ”. Tôi hiểu ngay ý chị dâu vì lần nào mẹ ốm, anh chị cũng gọi vợ chồng tôi về để lo cho mẹ vì anh chị nghĩ chúng tôi ở thành phố, lại có của ăn của để.
Từ ngày các con ra ở riêng, các cháu đi học bán trú từ sáng đến tối mới về, vợ chồng tôi lại nghỉ hưu nên chỉ quanh ra quẩn vào, ngày có ba bữa ăn rồi thể thao, xem ti vi, thật là nhàn rỗi. Đón được mẹ lên phố để tôi chăm nom thì tốt biết bao. Khổ nỗi, lần nào lên chơi cũng chỉ được ba ngày là mẹ nằng nặc đòi về. Mẹ bảo: “Ở phố buồn lắm, như tù giam lỏng ấy, về quê còn có hội già, được đi ra đi vào. Với lại ở quê nhiều việc lắm mà mẹ lên đây ăn không ngồi rồi thế này, nghĩ thương vợ chồng con cái anh cả mày. Chúng nó đầu tắt mặt tối, thức khuya dậy sớm, mẹ đi chơi sao đành”. Thế rồi mẹ đòi kỳ được chồng tôi phải đưa về. Những khi ốm đau, mẹ mới chịu ở lại nhà tôi để nghỉ ngơi, an dưỡng lâu hơn. Vậy mà lần nào mẹ cũng áy náy, mẹ ngại với con rể nên cứ nói đi nói lại: “Ôi dào, lúc khỏe thì chỉ giúp việc cho giai, cho dâu, cho cháu nội, chắt nội. Khi ốm, khi đau thì cứ ăn vạ con gái, con rể thế này, mẹ ngượng lắm”. Chồng tôi phải động viên: “Thôi, mẹ đừng nghĩ ngợi nhiều nữa, con nào cũng là con mà mẹ.”

Dù mẹ đã ngoài tám mươi nhưng mẹ vẫn nhanh nhẹn, hằng ngày mẹ vừa bế chắt, vừa quét dọn nhà cửa sạch sẽ, lại còn nuôi gà, trồng rau, cơm nước. Nhiều lần mẹ cười hiền: “Mẹ còn làm được ối việc. Một mẹ già bằng ba con ở nhá”. Vậy mà nửa tháng nay mẹ nằm bẹp một chỗ. Đưa mẹ đi viện khám tổng thể, tôi phần nào yên tâm bởi bác sĩ cho về nhà điều trị theo đơn thuốc và dặn: “Tinh thần của bà cụ là quan trọng nhất. Bà cụ bị suy nhược cơ thể, ăn kém, ngủ kém, vệ sinh kém nên các bệnh tật dễ phát sinh”. Tôi liền đun một nồi nước lá rồi tắm rửa cho mẹ, cả một mảng lưng đen cháy phải kỳ mãi mới sạch vì mẹ bảo: “Hai tuần rồi mới được tắm”. Buổi tối, mẹ không còn bứt rứt mà ngủ ngon lành. Tôi nấu cháo, bón từng thìa cho mẹ ăn. Đột nhiên mẹ thở dài: “Chị dâu mày làm gì có thời gian mà đút với chả bón, nó mua bát cháo về để ngay đầu giường, mẹ sờ đến thì đã nguội ngơ nguội ngắt rồi”. Mẹ ở nhà tôi được chục ngày thì chị dâu thứ lên thăm. Mới nhìn thấy mẹ chị đã reo lên: “Mẹ! Xem chừng mẹ đã có da, có thịt rồi. Con đã bảo ngay mà, nếu mẹ ốm, mẹ cứ lên cô út là khỏe ngay”. Tưởng được con dâu quan tâm, thăm hỏi mẹ sẽ vui ra mặt, ai ngờ chị dâu thứ về khỏi, mẹ cứ thở vắn than dài. Tôi gặng hỏi mãi mẹ mới bộc bạch: “Con rể mà biết thì nó cười cho. Chị dâu mày bảo mẹ kê khai những người cho tiền, cho quà cáp, được nhiều thì đưa nó giữ hộ. Mẹ gửi về quê cho các chắt mấy hộp sữa và ít hoa quả, còn mấy đồng thì mẹ giữ phòng thân chứ đưa cả cho nó thì chẳng đòi lại được”. Tôi đã biết bụng dạ hai chị dâu nhưng không muốn làm mẹ buồn thêm nên đành gạt đi: “Chị ấy sợ mẹ đãng trí nên phải ghi lại, sau này chúng con còn biết đường mà đối nhân xử thế. Mẹ đừng buồn phiền nữa kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Mẹ tôi vừa bình phục thì cũng đến dịp giỗ bố. Mẹ đòi về trước mấy ngày để còn chuẩn bị. Tiện thể vợ chồng tôi đưa mẹ về quê và hỏi giỗ luôn. Anh cả tuyên bố: “Cô chú góp nhiều thì anh cúng nhiều, góp ít thì anh làm ít”. Chị dâu thứ hai thì rạch ròi: “Cứ chia theo đầu người mà đóng góp”. Chị dâu cả nghiêm mặt: “Giỗ bố lần này bàn luôn chuyện di chúc của mẹ. Tôi lo mẹ ngày một già yếu, chẳng biết đâu mà lường trước. Cô út là gái, lấy chồng an phận nhà chồng. Chú hai có nhà có đất riêng rồi, chỉ vợ chồng tôi ở với bố mẹ, mà sổ đỏ thì vẫn đứng tên mẹ nên tôi không yên tâm”, tiếng chị dâu cả oang oang. Tôi và chồng tôi sững sờ, kinh ngạc. Ở trong buồng, mẹ khẽ ho húng hắng. Người già hay cả nghĩ, dễ tủi thân, tôi lo nỗi buồn của mẹ chẳng thể nào vơi đi được...

TRẦN THỊ LÀNH